Giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa

Giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa

(TBKTSG) - Mô hình Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã triển khai được tám năm. Tuy nhiên, tính đến nay, cả nước mới thành lập được rất ít các sở giao dịch hàng hóa (SGDHH). Điển hình như Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) là đơn vị được thành lập đầu tiên vào năm 2010 có trụ sở đặt tại quận 1, TPHCM. Trong nhiều năm qua, dù các cổ đông đã đầu tư vào đây hơn 70 tỉ đồng nhưng kết quả lớn nhất của VNX hiện mới dừng ở “xây dựng mô hình” và bộ tiêu chuẩn giao dịch hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, Sở Giao dịch hàng hóa Info (Hà Nội) được thành lập năm 2013 đã phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Còn Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) được đổi tên thành Sàn Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) vào năm 2015 nhưng đến nay cũng hầu như chưa đi vào hoạt động.

Hiện nay, hàng hóa giao dịch tại các sở chủ yếu vẫn là các loại nông sản, thép. So với mục tiêu ban đầu, hoạt động của SGDHH chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nhất là vai trò kết nối cung - cầu, số lượng nhà đầu tư tham gia ít, tính thanh khoản chưa cao. Đặc biệt, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn nhưng các doanh nghiệp và tổ chức cũng không mặn mà đầu tư phát triển SGDHH để tạo nên phương thức giao dịch mới phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thời kỳ hội nhập. Nguyên nhân chính của tình trạng trên được cho là do mô hình giao dịch mới, khung pháp lý cho hoạt động này còn thiếu, điều kiện tham gia của nhà đầu tư chưa rõ ràng, những hoạt động bổ trợ như công nghệ, nhân lực còn hạn chế.

Nhằm phát triển mô hình này, trước thực trạng trên, ngày 9-4-2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Trong đó, một số sửa đổi đáng chú ý như sau:

Nghị định 51/2018 cho phép thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài và cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập, mua cổ phần các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tỷ lệ
tối đa là 49%.

Thứ nhất, điều 5 đã được sửa đổi theo hướng cho phép thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua SGDHH nước ngoài. Việc thanh toán đối với các giao dịch mua bán hàng hóa qua SGDHH ở nước ngoài được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế trên cơ sở tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối có liên quan. Do quy mô thị trường Việt Nam tương đối nhỏ nên việc hình thành riêng một SGDHH cho hàng hóa tại Việt Nam không phải là sự lựa chọn tối ưu. Hơn nữa, các mặt hàng giao dịch qua sở đều có tính liên thông với thị trường thế giới rất lớn như cà phê, gạo, cao su... Do đó, việc mở cửa cho phép thương nhân Việt Nam mua bán hàng hóa qua SGDHH tại nước ngoài là điều rất cần thiết.

Thứ hai, điều 8 của Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã quy định khá rõ về điều kiện thành lập SGDHH. Cụ thể, SGDHH được thành lập nếu đáp ứng đủ các điều kiện: (1) Có vốn điều lệ từ 150 tỉ đồng trở lên; (2) Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH như: hệ thống máy chủ hoạt động ổn định và có tối thiểu một máy chủ dự phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng trong trường hợp hệ thống chính xảy ra sự cố; hệ thống máy chủ đảm bảo sao lưu dữ liệu của các ứng dụng nghiệp vụ, dữ liệu giao dịch, đảm bảo khôi phục thông tin dữ liệu trong trường hợp phát sinh sự cố; phần mềm ứng dụng phải thực hiện các yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; hệ thống phần mềm phải có chức năng nhật ký thao tác để lưu vết mọi giao dịch hàng hóa, thanh toán, giao nhận trong quy trình nghiệp vụ tối thiểu trong thời gian năm năm; hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng. Các quy định như trên được đánh giá là tương đối cụ thể, rõ ràng, minh bạch và bắt kịp với xu thế hiện nay.

Thứ ba, nghị định mới đã bổ sung một nội dung khá quan trọng liên quan đến quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài có quyền tham gia hoạt động mua bán hàng hóa và góp vốn vào SGDHH tại Việt Nam bằng việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của SGDHH tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên của sở giao dịch (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.

Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập SGDHH được coi là giải pháp tích cực vì sẽ thu hút được nguồn lực mới. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, tỷ lệ tối đa vốn góp ở mức 49% chưa thực sự hấp dẫn, vì mức vốn góp này chưa có quyền quyết định. Nếu muốn thu hút tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài thì mức vốn góp tối đa cần được nâng lên ở mức cổ đông nước ngoài được quyền quyết định nhưng vẫn bảo đảm quyền tham gia và ra các quyết định quan trọng của cổ đông Việt Nam.

Thứ tư, về hàng hóa được mua bán qua sở giao dịch, điều 32 của Nghị định 51 quy định rõ: (1) Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh, SGDHH phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để niêm yết giao dịch; (2) Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, SGDHH có trách nhiệm gửi một bộ hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch 30 ngày.

Tuy nhiên, hiện nay, danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện vẫn chưa thực sự thống nhất. Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định về danh mục này vẫn có hiệu lực nhưng nhiều nội dung trong danh mục này hiện đang trái với Luật Đầu tư. Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu Nghị định 51 liệt kê rõ các loại hàng hóa không được mua bán qua sở giao dịch ngay thay vì dẫn chiếu đến danh mục bị cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. 

Hoạt động mua bán hàng hóa là hình thức hoạt động thương mại phổ biến nhất hiện nay và ngày càng phát triển đa dạng rõ rệt. Tuy nhiên, đối với loại hình mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là gì lại không được nhiều người hiểu một cách cụ thể và chính xác. Hiểu được điều đó, trong bài viết dưới đây, hãy cùng Công ty luật ACC tìm hiểu về những nội dung pháp lý này thông qua các văn bản pháp luật hiện hành.

Giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa
Sở giao dịch hàng hóa là gì

– Định nghĩa về sở giao dịch hàng hóa là gì tuy không được quy định cụ thể tại điều khoản pháp luật nào nhưng dựa trên những quy định về hoạt động mua bán hình thức này tại Luật thương mại năm 2005 có thể hiểu khái niệm như sau:

+ Sở Giao dịch hàng hóa là một tổ chức có tư cách pháp nhân thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ mua bán cụ thể với những điều kiện đảm bảo cho hoạt động mua bán được diễn ra một cách ổn định, gồm:

+ Có cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ giao dịch

+ Tiêu chuẩn hóa hoạt động mua bán thông qua việc xây dựng những qui tắc của giao dịch.

– Theo đó, sở Giao dịch hàng hóa là một địa điểm để các bên có nhu cầu mua bán hàng hóa có thể thỏa thuận và kí kết những hợp đồng mà đã được tiêu chuẩn hóa bởi sở.

Sở giao dịch hàng hóa là gì có địa vị pháp lý cụ thể và được pháp luật quy định những quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động của mình. Điều này được quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP như sau:

– Địa vị pháp lý:

Sở Giao dịch hàng hóa là pháp nhân được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

– Quyền hạn của sở giao dịch hàng hóa:

+ Lựa chọn loại hàng hoá trong danh mục hàng hoá được quy định để tổ chức giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

+ Tổ chức, điều hành và quản lý hoạt động giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa.

+ Yêu cầu các thành viên kinh doanh ký quỹ đảm bảo tư cách thành viên, ký quỹ giao dịch.

+ Thu phí thành viên, phí giao dịch, phí cung cấp dịch vụ thông tin và các loại phí dịch vụ khác.

– Trách nhiệm của sở giao dịch hàng hóa

+ Tổ chức các giao dịch mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa một cách công bằng, trật tự và hiệu quả.

+ Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa trong trường hợp Sở Giao dịch hàng hóa gây thiệt hại cho các thành viên, trừ trường hợp bất khả kháng.

Về chức năng hoạt động

Chức năng của sở giao dịch hàng hóa là gì bao gồm những nội dung sau:

– Cung cấp các điều kiện vật chất – kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hoá.

– Điều hành các hoạt động giao dịch.

– Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.

Về nội dung hoạt động

– Sở giao dịch hàng hóa chỉ được giao dịch những hàng hoá được quy định trong Danh mục hàng hoá do Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định.

– Tổng hạn mức giao dịch đối với một loại hàng hóa của toàn bộ các hợp đồng đang trong thời hạn giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hóa đó được sản xuất tại Việt Nam của năm ngay trước đó.

– Sở Giao dịch hàng hóa tổ chức giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung, trên cơ sở khớp các lệnh mua và lệnh bán.

– Sở Giao dịch hàng hóa quy định cụ thể mức ký quỹ ban đầu khi đặt lệnh giao dịch nhưng không được thấp hơn 5% trị giá của từng lệnh giao dịch.

Trên đây là những kiến thức liên quan đến sở giao dịch hàng hóa là gì do Công ty luật ACC tổng hợp gửi đến bạn đọc. Có thể thấy Sở giao dịch hàng hóa là một tổ chức diễn ra hoạt động mua bán hàng hóa với số lượng lớn và có quy mô tổ chức nhất. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn đọc còn có những vướng mắc nào khác về vấn đề này hoặc bất kỳ lĩnh vực pháp lý nào khác để được tư vấn một cách cụ thể.