Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau là gì

Bài văn Tục ngữ có câu Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.

Bài văn mẫu 1

   Con người chúng ta mất hai năm đầu đời để tập nói nhưng phải mất cả đời để giữa gìn lời ăn tiếng nói của mình. Quả đúng là như vậy, lời nói có tầm quan trọng và sự ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống con người. Từ xa xưa, cha ông ta đã nhận thức được sâu sắc ý nghĩa giá trị của lời nói cho nên rất nhiều bài học học đạo đức về cách đối nhân xử thế đều có răn dạy về cách sử dụng lời nói. Câu tục ngữ “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chính là một trong những bài học như thế. Nó dạy ta phải biết nói lời hay ý đẹp sao cho không mất lòng người khác mà vẫn giữa được phẩm giá của chính mình.

   Lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng bậc nhất của con người dùng để diễn đạt thông tin, bày tỏ thái độ, tình cảm. Nó là công cụ tốt nhất để mỗi người thực hiện và đạt được mục đích giao tiếp của mình. Nhờ lời nói mà ta có thể quan tâm, thấu hiểu và cảm thông và chia sẻ cùng nhau, từ đó mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó, khăng khít hơn. Lời nói là yếu bẩm sinh mà tạo hóa ban tặng cho con người và nó chỉ có ở loài người. Chúng ta không mất tiền để mua nó nhưng đó lại là thứ quý giá mà ta phải trân trọng. Cũng giống như một bát nước đã hất đi là không thể đong đầy, một lời nói thốt ra cũng không thể rút được lại, vì thế mỗi người cần phải nhận thức được giá trị của lời nói. Sống ở đời, con người luôn luôn phải đặt mình trong mối quan hệ xã hội với sự góp mặt của vô số kiểu người, vì thế mỗi chúng ta phải biết lựa lời để giao tiếp thì mới có thể thích nghi được với nhiều mối quan hệ phức tạp ấy. Biết nói ra những lời hay ý đẹp, tế nhị, khéo léo sẽ dễ khiến ta có được cảm tình từ người khác, người nghe sẽ dễ dàng tiếp thu và đồng cảm. Cùng là chỉ ra sai lầm, khiếm khuyết của người khác, thay vì dùng lời lẽ quát nạt, mắng mỏ, mạt sát thì ta nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ ra lỗi sai và đi tìm nguyên nhân để giải quyết như vậy đối với cả hai bên sẽ nhẹ nhàng và thấm thía hơn rất nhiều. Đặc biệt trong cách đối nhân xử thế giữa người với người với, một lời nói hay chân thành có thể giúp người khác vui sống nhưng một lời nói xấu xa, cay nghiệt có thể để lại niềm đau, vết nhơ thậm chí gây ra hận thù suốt đời. Chính vì thế biết “lựa lời” trong cách nói sẽ giúp ta thêm bạn bớt thù.

   Lời nói là thước đo đánh giá cốt cách và nhân phẩm của con người. Biết nói lời hay ý đẹp vừa thể hiện sự tôn trọng người khác vừa thể hiện sự hiểu biết, khôn ngoan, khéo léo của chính mình. Đôi khi người ta đánh giá nhau qua lời nói, một người giỏi giang, khéo léo phải là người biết nói những lời hợp lòng mình, hợp ý người. Biết góp ý chân thành, thẳng thắn mà vẫn khéo léo, tế nhị để không làm mất lòng người khác mới là người có tài. Ai cũng có thể thốt ra được lời nói nhưng làm sao để lời nói ấy có giá trị phải phụ thuộc vào khả năng và bản lĩnh của mỗi người.

   Tuy nhiên phải nhấn mạnh, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” ở đây không phải cổ vũ những lời nói sống nịnh bợ, giả dối để lấy lòng người khác. Gió chiều nào theo chiều đấy, tâng bốc người trên, nói xấu người dưới để đạt được mục đích của mình. Thực tế trong cuộc sống, đã có rất nhiều người cố tình hiểu sai ý nghĩa câu nói và vin vào đó để biện minh cho thói sống xấu xa của mình. Cũng có nhiều người coi lời nói tầm thường rẻ mạt bởi họ cho rằng đó là thứ có sẵn nên không cần trân trọng, nói năng bộp chộp không biết suy nghĩ. Họ đâu biết rằng hành động ấy đã vô tình đánh mất đi thứ vô cùng giá trị mà bản thân không hề hay biết. Tiếc thay cho những ai chưa kịp tỉnh ngộ và nhận ra “lời nói là gói vàng”.

   Trong cuộc sống, chúng ta phải biết nói lời hay ý đẹp cho vừa lòng người khác nhưng những lời lẽ đó phải chân thành, thẳn thắn khách quan. Không vì sợ mất lòng mà thờ ơ mặc kệ những sai lầm, nhún nhường trước hành động sai trái không dám nói lên sự thật. Tuy nhiên cùng một mục đích nói nếu biết lựa chọn cách thể hiện khéo léo, tế nhị sẽ đem đến hiệu quả bất ngờ. Người đời đã dạy trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần ngụ ý phải biết suy nghĩ, tính toán trước khi thốt lên lời bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mình mà còn có tác động sâu sắc đến người khác.

   Lời nói không mất tiền mua bởi đó là tài sản tự nhiên của con người nhưng làm thế nào để lời nói có giá trị mới là điều đáng để ta phải quan tâm. Câu tục ngữ là một lời dạy, lời khuyên bổ ích đối với mỗi chúng ta trong việc sử dụng lời nói để đối nhân xử thế. Trong một xã hội nếu như ai cũng biết lựa lời để nói cùng nhau thì cuộc sống sẽ văn minh và tươi đẹp biết bao. Để làm được điều này không phải là không thể, hãy bắt đầu từ từng cá nhân biết cách tu dưỡng, trau dồi bản thân, tập nói những lời hay ý đẹp trước hết với những người xong quanh gần gũi nhất với bản thân mình. Nhiều cá nhân như thế sẽ làm nên một tập thể xã hội tốt đẹp.

Bài văn mẫu 2

   Lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau [bao gồm cả kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập... ]. Vì thế, nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo mọi người cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp, ông cha ta đã từng căn dặn:

Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

   Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn lời nói thích hợp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Mỗi người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Ta có thể chọn lựa được lời nói tùy theo ý định và trình độ văn hóa của mình. Ông cha ta nhận thấy lời nói như một thứ công cụ dễ kiếm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ tạo hiệu quả lớn, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

   Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích trong giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, cần phải biết lựa chọn lời nói thích hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm.

   Cùng nói về một hiện tượng là cái chết nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau: sư già đã viên tịch; người chiến sĩ ấy đã hy sinh vì Tổ quốc; ông cụ nơi khuất núi... Người có văn hóa khi giao tiếp thường biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.

   Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về sự cẩn trọng trong cách nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; Học ăn, học nói, học gói, học mở.

   Tuy chú ý đến việc lựa lời để để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng người xưa không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp là để vừa lòng nhau.

   Cần phải chọn lời nói thích hợp, nhưng đúng đắn chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì có những khi nói thật mất lòng. Một lời nói êm tai, nhẹ nhàng nhưng giả dối không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thật, sau đó mới là lời nói đẹp.

   Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người. Biết dùng lời nói thích hợp sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận:
  • Nội dung câu nói: lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

2. Thân bài:

  • Giải thích:
    • Lời nói là hình thức phổ biến con người gián tiếp với nhau, dùng để biểu đạt tâm tư tình cảm
    • Lời nói không thể mua được bằng vật chất bởi nó không phải thứ hữu hình

=> Ý nghĩa: câu tục ngữ khẳng định giá trị và ý nghĩa của lời nói trong giao tiếp, cuộc sống hàng ngày

Vì sao:

  • Vì lời nói là công cụ, phương tiện mà con người cần để giao tiếp đối ngoại
  • Lời nói tốt đẹp, khéo léo giúp con người được lòng tất cả mọi người, đôi lúc có lợi cho bản thân
  • Lời nói khéo léo thể hiện bản thân là một con người có học, tế nhị
  • Vì khi ta biết cách giao tiếp, ngôn ngữ trở nên hữu dụng và đẹp đẽ

Làm gì:

  • Lễ phép với bề trên
  • Con người phải học cách giao tiếp, cách ăn nói với người xung quanh
  • Không nên quá bồng bột nổi cáu trước một vấn đề nào đó chưa giải quyết được

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại ý nghĩa câu nói

Bài viết

Trong cuộc sống, lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm sống với nhau. Vì thế nó có giá trị đặc biệt đối với mỗi người. Để khuyên mọi người có cách nói năng sao cho có hiệu quả giao tiếp cao nhất, ông cha ta đã từng căn dặn:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Thật vậy, lời nói phản ánh trình độ hiểu biết, tư cách đạo đức, tính tình của mỗi con người. Trong cuộc sống, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn những lời nói thích hợp, con người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả tốt hơn. Mỗi con người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều mà cũng có lời hay, lời đẹp, cũng có lời thô, lời tục. Người khôn phải biết lựa chọn để nói lời hay, lời đẹp. Lời nói là một thứ công cụ, nhưng có thể lựa chọn được tùy theo ý định và trình độ văn hoá của người nói. Ví thế, ông cha ta hình dung lời nói như một thứ sản phẩm, một thứ công cụ dễ kiếm, dễ tìm trong tầm tay của mỗi người. Nếu chọn đúng lời nói sẽ gây hiệu quả lớn, còn lựa sai thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

Vậy muốn lời nói làm vừa lòng nhau thì chúng ta cần phải chọn lời nói thích hợp với đối tượng, hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm. Mỗi lời nói hợp với người, hợp với cảnh sẽ làm cho quan hệ tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói thô vụng sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc “lựa lời”. Muốn có khả năng dùng lời nói đẹp cần phải có quá trình học tập và rèn luyện liên tục, lâu dài. Chúng ta phải biết nói những lời nói chân thật và sau đó là lựa chọn những lời nói đẹp, nói hay để hiệu quả giao tiếp được tốt hơn. Nhưng không phải lúc nào cũng lựa lời để nói, để xuề xòa mọi chuyện mà có lúc chúng ta cần nói thật.

Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người. Vì vậy chúng ta cần tự rèn luyện cách nói năng văn minh lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Dẫn dắt, giới thiệu câu ca dao “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khái quát nhận định cá nhân về câu nói [đúng, ý nghĩa, sâu sắc,...].

2. Thân bài

Giải thích ý nghĩa câu nói:

"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” có thể hiểu là: khi nói năng, giao tiếp với nhau thì nên thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Lời lẽ trước khi thốt ra cần suy nghĩ kĩ tránh lỡ lời làm xúc phạm hay xấu đi mối quan hệ với mọi người xung quanh. Câu nói mang ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của lời nói đối với con người và khuyên ta nên thận trọng, suy nghĩ kĩ trước khi ăn nói.

Lợi ích của việc nói năng lựa lời, thận trọng:

  • Làm hài hòa mối quan hệ giữa người và người trong giao tiếp.
  • Giảm bớt mâu thuẫn, bất hòa trong xã hội.
  • Người nghe dễ dàng tiếp nhận và đồng tình với vấn đề được nói đến.
  • Thể hiện nét lịch sự, văn hóa trong giao tiếp ứng xử.
  • Hạn chế cảm xúc tiêu cực và tổn thương cho người nghe đồng thời vẫn thực hiện được mục đích giao tiếp....

Tác hại của việc nói năng thiếu suy nghĩ:

  • Chạm vào lòng tự ái, xúc phạm đến người nghe khiến họ khó tiếp nhận vấn đề thậm chí khó chịu đồng thời không đạt được hiệu quả giao tiếp.
  • Làm rạn nứt các mối quan hệ với người xung quanh, dễ gây ra tranh chấp, xung đột.
  • Thể hiện sự kém văn minh, kéo thấp vẻ đẹp văn hóa nơi con người....

Lời khuyên:

  • Nên suy nghĩ thật kĩ trước khi nói.
  • Học cách lựa chọn ngôn từ phù hợp để vừa thực hiện đúng mục đích giao tiếp vừa thể hiện được sự văn minh và tránh gây ra cảm xúc tiêu cực cho đối phương.
  • Nói năng lựa lời không có nghĩa là thiếu thẳng thắn mà là chọn lời nói khéo léo để truyền đạt sự thật.
  • Không nên nói năng tùy tiện, thiếu suy nghĩ vì mỗi chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại ý kiến cá nhân về câu nói "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” [câu nói đúng, giàu ý nghĩa, lời khuyên chân thành và sâu sắc,...]. Đúc kết bài học kinh nghiệm.

Bài viết.

Ngôn ngữ - tiếng nói là công cụ để giao tiếp, để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của con người. Ngôn ngữ - cách ăn nói là thước đo tri thức, nhân cách của mỗi chúng ta. Vì thế, nhân dân ta luôn luôn nhắc nhở nhau:

"Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

"Lời nói chẳng mất tiền mua" vì nó là ngôn ngữ cộng đồng, là tài sản chung của cả dân tộc. Hồ Chủ tịch có nói: "Tiếng Việt là của quý lâu đời của nhân dân ta". Ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến lúc cất tiếng chào đời, rồi trưởng thành khôn lớn, tiếng mẹ đẻ luôn luôn gắn liền với tâm hồn và cuộc sống của mỗi con người. Câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua" chứa đựng một lời khuyên, một sự nhắc nhở: phải biết trân trọng và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

"Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" - "Lựa lời" nghĩa là biết cân nhắc, chọn từ ngữ, tìm cách diễn đạt chính xác nhất, tế nhị nhất, phản ánh đúng tư tưởng tình cảm của mình lúc nói. Nói như thế nào "cho vừa lòng nhau", nhân dân ta muốn lưu ý đến tính hiệu quả trong giao tiếp, phải văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí và đúng lễ nghĩa, đạo lí.

Tóm lại, câu tục ngữ nêu lên một kinh nghiệm quý báu về cách ứng xử, giao tiếp nhằm giáo dục mọi người cách ăn nói văn minh lịch sự, không được thô lỗ, cục cằn.

Bài học mà câu tục ngữ nêu lên là đúng đắn và sâu sắc cho tất cả mọi người. Tại sao phải "lựa lời" lúc nói năng?

Nói phải đúng: đúng sự vật, đúng hiện tượng, khách quan, đúng tư tưởng tình cảm ý nghĩ của mình, phải ăn nói đúng nơi, đúng lúc. Không được ăn nói tuỳ tiện, ăn nói thiếu suy nghĩ. Muốn nói đúng phải "lựa lời” cân nhắc ngôn từ, lựa chọn cách diễn đạt sao cho tế nhị, dễ hiểu, cảm hóa lòng người.

Nói phải văn minh, lịch sự nên phải "lựa lời mủ nói". Ngôn ngữ phản ánh vốn sống, sự hiểu biết, trình độ học vấn của mỗi người. Kẻ dốt nát, thô lậu thường ăn nói thô lỗ, tục tằn. Ngôn ngữ là thước đo đạo đức của mọi người. Ông bà ta quan niệm lời ăn tiếng nói luôn luôn gắn liền với lễ nghĩa, đạo lí. Trong gia đình, ngoài xã hội, có kẻ trên người dưới, có người già người trẻ, có quan hệ thân, sơ... "kính thưa, dạ, vâng..." là những điều cần biết trong lúc nói năng, ứng xử.

Giao tiếp phải biết "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", nghĩa là ăn nói văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí, phải coi trọng tâm lí, tình cảm người đang đối thoại với mình. Tính hiệu quả lúc nói cần được đặc biệt quan tâm. An nói phải lễ phép, khiêm nhường và chín chắn. "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" không có nghĩa là ăn nói mơn trớn, xu nịnh, giả dối để mua chuộc, lừa bịp người đối thoại. Kẻ ăn nói xu nịnh, giả dối là vô đạo đức, kém nhân cách, bị người đời kinh bỉ.

Suy rộng câu tục ngữ trên, ta thấy rõ hơn bao giờ hết, nhân dân ta rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ cho ta lời khuyên quý báu về cách ăn nói:

"Học ăn, học nói, học gói, học mở".

"Gọi dạ, bảo vâng".

"Đất tốt trồng cây rườm rà,

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng".

"Đất xấu trồng cây khẳng khiu,

Những người thô tục nói điều phàm phu".

Trong giao tiếp, chúng ta phải biết nói lời hay ý đẹp. Tuổi học trò phải biết ăn nói trung thực, khiêm tốn, lễ phép; không được đặt điều, nói năng giả dối, xảo trá; phải tránh cách nói hoa hòe hoa sói, ngọt xớt, đãi bôi. Ai ai cũng nên nhớ: "Mật ngọt chết ruồi".

Nói với ai? Nói điều gì? Nói để làm gì? Nói như thế nào? Đó là những câu hỏi mà con người khôn ngoan, chín chắn luôn luôn tự nêu ra làm định hướng trong giao tiếp, ứng xử.

Từ cuộc sống gia đình, học đường vào cuộc sống xã hội lộng lớn, trong quan hệ xã hội làm ăn của nền kinh tế thị trường, nghệ thuật "ăn nói" càng trở nên vô cùng quan trọng. Do đó, tuổi trẻ chúng ta phải học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, học tập ca dao, tục ngữ, học cách diễn đạt, cách chọn từ, đặt câu của các nhà văn trong tác phẩm văn học. Cái gốc ngôn ngữ của mỗi người là đạo đức, kinh nghiệm và trình độ văn hoá. Cho nên phải biết học: "Học ăn học nói, học gói học mở".

Tóm lại, câu tục ngữ trên đã cho em một kinh nghiệm quý báu, một bài học sâu sắc về cách ăn nói, ứng xử, giao tiếp. Quan hệ giữa con người với con người là bạn. Chúng ta phải học cách ăn nói lễ phép, văn minh lịch sự; phải xa lánh những kẻ ăn nói tục tĩu, thô lỗ. Nhiệm vụ của mỗi người cần phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Dàn ý

1. Mở bài

  • Dẫn vào vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài

a. Định nghĩa lời nói:

  • Lời nói của con người chính là phương thức biểu đạt phổ biến nhất của ngôn ngữ, thông qua lời nói con người có thể truyền đạt những thông tin mình mong muốn, thể hiện cảm xúc, nguyện vọng, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm,...
  • Tiếng nói của con người dường như là một loại ký hiệu âm thanh kỳ diệu, giúp ta phân biệt với các giống loài khác, đồng thời là một trong những hành trang đầu tiên để con người chính thức bước và xã hội.

b. Giải thích câu tục ngữ:

  • "Lời nói chẳng mất tiền mua": tiếng nói, ngôn ngữ là tài sản vốn có của con người, tài sản ấy là dòng chảy bất tận, theo chúng ta đến hết cuộc đời, rất dồi dào, không cần phải qua một sự trao đổi vật chất nào.
  •  "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", là lời khuyên chân thành về cách giao tiếp ứng xử sao cho thông minh và khéo léo để đạt được mục đích của bản thân.

c. Bàn luận:

  • Hai câu tục ngữ trên mang vẻ ngoài trái ngược nhau nhưng về nội dung lại bổ khuyết hỗ trợ cho nhau tạo thành bài học đúc rút kinh nghiệm rất sâu sắc của cha ông về vấn đề giao tiếp trong cuộc sống.
  • Lời nói gói vàng, gói bạc, là tài sản cực kỳ quý giá, dẫu rằng là vốn tự thân thế nhưng con người không nên vì thế mà sử dụng một cách phung phí, vô tội vạ, thậm chí sử dụng sai mục đích. Thay vào đó ta cần phải có một sự lựa chọn, cân nhắc kỹ càng. [Nêu một số ví dụ].
  • Việc sử dụng tài sản ngôn ngữ một cách có lựa chọn, hợp lý sẽ khiến chúng ta được mọi người yêu quý, tin tưởng và có mong muốn gần gũi, kết thân.
  • Lời nói chính là phương tiện thể hiện chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, trình độ văn hóa, nhân phẩm, tính cách của một con người.

d. Bài học:

  • Mỗi chúng ta phải học hỏi và cải thiện phong cách ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp của mình hằng ngày.
  • Bản thân mỗi người phải ý thức được thế nào là văn minh lịch sự trong giao tiếp, trong bất kỳ hoàn cảnh giao tiếp nào ta cũng cần lịch sự, tế nhị, nói năng đúng mực, tránh từ ngữ thô tục, xúc phạm người khác.

3. Kết bài

Bài viết

Việt Nam là đất nước có nhiều những giá trị văn hóa dân gian vô cùng sâu sắc và tốt đẹp, đặc biệt là trong việc sáng tạo ra các câu ca dao, tục ngữ chứa đựng những giá trị tinh thần, những kinh nghiệm đúc rút từ ngàn đời xưa, để truyền dạy cho con cháu. Chúng không được ghi chép mà chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng, từ đời này qua đời khác để lưu giữ, và dù đã qua không biết bao nhiêu năm tháng chúng vẫn còn vẹn nguyên giá trị và ngày sau cũng thế. Theo quan niệm của người xưa con người có nhiều cái học trong đó "Học ăn, học nói, học gói, học mở" là một trong những cái quan trọng, việc ăn nói từ bao đời nay đã trở thành điều kiện tất yếu để con người tồn tại và phát triển trong xã hội. Chính về thế ông cha ta đã để lại nhiều những câu tục ngữ rất hay để khuyên răn con cháu về việc ăn nói, ứng xử trong cuộc sống, tiêu biểu đó là:

"Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Thế giới loài người sở dĩ tiến bộ và phát triển vượt bậc so với các giống loài khác là bởi loài người có trí tuệ và ngôn ngữ. Mà lời nói của con người chính là phương thức biểu đạt phổ biến nhất của ngôn ngữ, thông qua lời nói con người có thể truyền đạt những thông tin mình mong muốn, thể hiện cảm xúc, nguyện vọng, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm,... Có thể nói rằng ngôn ngữ, lời nói chính là tiền đề cho sự nở rộ của nền văn minh nhân trong hàng triệu triệu năm. Tiếng nói của con người dường như là một loại ký hiệu âm thanh kỳ diệu, giúp ta phân biệt với các giống loài khác, đồng thời là một trong những hành trang đầu tiên để con người chính thức bước và xã hội. Thế nên cũng không quá khó hiểu khi lời ăn, tiếng nói lại luôn được cha ông coi trọng, thậm chí trong nền văn hóa cổ đại, việc nói năng còn có những phép tắc vô cùng nghiêm ngặt, phân biệt rõ giai cấp, địa vị của người nói bằng ngữ điệu, cách thức xưng hô, ... Ngày nay việc ăn nói của con người đã trở nên khoáng đạt và ít đi những quy tắc cứng nhắc bởi sự tác động của quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không nằm ngoài những chuẩn mực nhất định của xã hội, việc nói gì, nói như thế nào cho đúng vẫn là ưu tiên số một trong cung cách ứng xử giữa người với người.

Câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau",  khi mới xem qua thì dường như lại có ý nghĩa ngược lại so với câu trên nhưng thực tế không phải vậy. Nói "Lời nói chẳng mất tiền mua", là bởi tiếng nói, ngôn ngữ là tài sản vốn có của con người, là thứ được cha mẹ dạy bảo từ thuở ấu thơ, nó đã trở thành một hành trang gắn liền với cuộc sống của mỗi chúng ta. Và thứ tài sản ấy là dòng chảy bất tận, theo chúng ta đến hết cuộc đời, rất dồi dào, không cần phải qua một sự trao đổi vật chất nào. Chính vì thế ông cha ta đã rất sâu sắc khi khuyên rằng "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", bởi lời hay ý đẹp cũng là nói, lời vụng về, trúc trắc cũng là nói, thế nhưng chẳng phải nếu ta khéo léo trong câu chữ thì dĩ nhiên người nghe sẽ cảm thấy thoải mái và có hứng thú hơn so với những câu nói thiếu liền mạch, tế nhị hoặc thô lỗ hay sao. Việc khéo léo, lựa chọn câu chữ, với những lời hay ý đẹp sẽ giúp chúng ta dễ dàng đạt được mục đích trong giao tiếp, tạo được mối quan hệ tốt đẹp, được nhiều người mến mộ tin tưởng, trở nên thuận lợi trong công việc hơn. Chung quy lại, người xưa dạy chẳng bao giờ là sai.

Câu tục ngữ trên mang bài học đúc rút kinh nghiệm rất sâu sắc của cha ông về vấn đề giao tiếp trong cuộc sống. Lời nói là tài sản cực kỳ quý giá, dẫu rằng là vốn tự thân thế nhưng con người không nên vì thế mà sử dụng một cách phung phí, vô tội vạ, thậm chí sử dụng sai mục đích. Thay vào đó ta cần phải có một sự lựa chọn, cân nhắc kỹ càng, giống như việc lên kế hoạch tài chính, thu chi vậy, nên dùng khoản nào, dùng vào việc nào cho hiệu quả. Ví như trong mối quan hệ làm ăn kinh doanh, ta nên dùng những từ ngữ thuộc phạm trù kinh doanh, tuy khách sáo nhưng không có nghĩa là nhân nhượng mà phải ứng xử sao cho khéo léo dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Như vậy rõ ràng rằng lời nói đã thể hiện được tính quan trọng và quý giá của nó thông qua việc lựa chọn ngôn từ chính xác, vừa lòng đối phương. Tương tự, trong mối quan hệ tình cảm, người ta nên dùng những từ ngữ có tính ân cần, dịu dàng để bộc lộ tình cảm, khiến đối phương cảm thấy ấm áp và hạnh phúc, từ đó mối quan hệ cũng trở nên gắn bó và bền chặt hơn. Rồi trong việc giao tiếp với bề trên, người có vai vế lớn hơn mình thì lại càng phải thận trọng, lựa chọn lời vàng ý ngọc mà thể hiện sự cung kính, lễ phép, trân trọng, để mọi người đều được đẹp lòng, thích ý,... Đồng thời trong lúc giao tiếp không phải lúc nào những lời thẳng thắn cũng là lời quý giá, mà nó chỉ quý giá khi chúng ta biết truyền đạt một cách khéo léo, khiến người nghe có thể thoải mái chấp nhận, còn nếu ngược lại người nghe phản ứng tiêu cực thì coi như chúng ta đã phí phạm tài sản của mình và thất bại trong giao tiếp.

Khi chúng ta thấu hiểu được hai câu tục ngữ trên thì việc giao tiếp của chúng ta sẽ thuận lợi hơn, việc sử dụng tài sản ngôn ngữ một cách có lựa chọn, hợp lý sẽ khiến chúng ta được mọi người yêu quý, tin tưởng và có mong muốn gần gũi, kết thân. Không chỉ vậy khả năng giao tiếp còn thể hiện chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, trình độ văn hóa, nhân phẩm, tính cách của một con người. Chính vì thế chúng ta phải học hỏi và cải thiện phong cách ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp của mình hằng ngày, lấy hai câu tục ngữ phía trên làm kim chỉ nam để điều chỉnh. Bản thân mỗi người phải ý thức được thế nào là văn minh lịch sự trong giao tiếp, điều đó được thể hiện qua rất nhiều phương diện, từ tư thế, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, giọng điệu,... Điều quan trọng là trong bất kỳ hoàn cảnh giao tiếp nào ta cũng cần lịch sự, tế nhị, nói năng đúng mực, tránh từ ngữ thô tục, xúc phạm người khác. Bởi đơn giản rằng khi một câu nói không hay tuôn ra từ miệng chúng ta thì chính nó cũng phản ánh nhân phẩm và đạo đức của chính bản thân các bạn. Điều đó đã hoàn toàn đi ngược lại với những gì cha ông truyền dạy từ bao đời nay.

Chung quy lại, câu tục ngữ trên là những lời dạy chân thành tha thiết của cha ông dành cho các thế hệ con cháu sau này về một trong số những phương diện quan trọng nhất của đời sống con người. Bản thân là các thế hệ tiếp nối được thừa hưởng những kinh nghiệm quý giá của cha ông, chúng ta phải biết tự rèn luyện lời ăn tiếng nói hằng ngày sau cho đúng đắn, khéo léo và thông minh, trân trọng lời nói như chính tâm hồn chúng ta vậy.

Chủ Đề