Mẫu đơn xin hiến thận

Chúng tôi về Lương Tài một vài ngôi nhà trung tâm phố huyện đã lên đèn, vừa đến cổng nhà bà Lê Thị Thảo thì cũng đúng lúc bà về đến nhà, thấy chúng tôi, bà nói vui: “Đến lâu chưa thế. Hẹn cuối giờ chiều mới gặp nên tôi tranh thủ từ tờ mờ sáng sang thăm con gái và cháu ngoại ở tỉnh Vĩnh Phúc. Mang cho cháu ít gạo nếp và mấy củ lạc. Tháng đôi ba lần mà vẫn thấy nhớ. Lấy chồng xa vất vả thế đấy… Mà có gì đâu. Mọi người cứ quan niệm, suy nghĩ này nọ. Tôi nghĩ hiến tạng là điều thật bình thường, rất bình thường mà ai cũng có thể làm được”.

Trong ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo lối cổ, không gian chan hòa với cây cối thiên nhiên, sau ấm trà sen thơm ngát và những lời tâm sự của người phụ nữ đậm chất nông dân nhưng có tư tưởng rất thông thoáng đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về với những năm tháng, rồi cơ duyên đưa bà đến với tâm nguyện hiến tặng thận cho người nghèo.

Xung phong đi bộ đội, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, bà Thảo lập gia đình, nhưng cuộc sống lận đận, lam lũ, bà không đếm nổi “số nghề” đã trải qua: Nấu cơm thuê, giúp việc gia đình, bán cafe, cơm phở, lơ xe, rồi có thời điểm còn “chỉ trỏ” buôn bán đất… Trầm luân cuộc đời, nặng gánh mưu sinh đã dẫn bà đến với chốn của Phật để giải tỏa phần nào áp lực tâm lý. Đây cũng là cơ duyên đưa bà Thảo đến với ý nguyện và bà đã đăng ký hiến tạng cho y học sau khi chết não.

 

 

Mẫu đơn xin hiến thận

Hai mẹ con bà Lê Thị Thảo và chị Bùi Thị Hòa cùng hiến tặng thận. Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Đến giữa năm 2014, khi tình cờ được tham dự một chương trình truyền thông về vận động tự nguyện hiến giác mạc tại chùa Linh Thông (Hà Nội) và tại Đồ Sơn (Hải Phòng), được đọc những cuốn sách về ghép tạng, bà Thảo ám ảnh bởi những số phận éo le trong cuộc sống khi không có nguồn tạng để cấy ghép và hiểu rằng mình có thể hiến tặng các bộ phận trong cơ thể khi vẫn còn sống. Xuất phát từ suy nghĩ đó, với bản chất của bộ đội Cụ Hồ cuối năm 2014 bà quyết định tìm ra Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để đăng ký hiến tặng một quả thận cho người nghèo. Bà nghĩ đơn giản là tự nguyện hiến thì ra viện, bác sĩ “cắt cái là xong”. Nhưng để hiến được, bệnh viện yêu cầu kiểm tra sức khỏe chặt chẽ, lấy mẫu, xét nghiệm, xác định các tiêu chuẩn, chỉ số... Trên chiếc xe máy wave cũ kỹ trở thành “người bạn đồng hành” của bà gần 20 năm qua đã rong ruổi quãng đường gần 50 km hàng chục lần từ nhà ra viện, rồi lại từ viện về nhà, mỗi lần 2 đến 3 ngày để làm các thủ tục hiến tặng. “Có lần sau khi kiểm tra bác sĩ kết luận tôi bị thiếu máu, mỡ máu có vấn đề có thể nguyên nhân do ăn chay trường nhiều năm hoặc lý do của tuổi trung niên… về nhà chờ hơn một tháng đã thấy lâu quá tôi lại gọi điện ra Trung tâm sợ họ quên hoặc mình không đủ điều kiện. Đến tận cuối năm 2015 sau khi các cuộc kiểm tra đã hoàn tất, Trung tâm báo tin đạt yêu cầu hiến thận”, bà Thảo tâm sự.

Đến sát ngày mổ, bà Thảo vẫn giấu chồng con sợ lo lắng và nói dối là đi học cắt tỉa cây cảnh tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), định xong xuôi mới cho gia đình biết chuyện. Nhưng trước ngày phẫu thuật, Trung tâm yêu cầu nếu không có chồng hoặc con ký vào đơn đăng ký tự nguyện hiến thận thì không bác sĩ nào dám đụng vào cơ thể bà. Bí quá, bà Thảo gọi điện cho con gái thứ là chị Bùi Thị Hòa ra Hà Nội gấp để ký đơn. Và đây cũng là cơ duyên, cảm phục mẹ mình đã làm một việc cao cả, chị Hòa cũng đăng ký hiến tặng một quả thận vào giữa năm 2016. Tại chương trình tọa đàm, giao lưu nghệ thuật “Khi sự sống được sẻ chia” do Trung tâm Điều phối quốc gia ghép bộ phận cơ thể người và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối năm 2016, hai mẹ con bà Lê Thị Thảo được vinh danh.

Bà Thảo chia sẻ khi đăng ký hiến thận, tôi kiến nghị Trung tâm Điều phối quốc gia ba vấn đề là nhất thiết cho người nghèo, muốn biết rõ danh tính của người được nhận thận để tránh sự “mua bán” nhưng không cho họ biết mình là người hiến tặng và không đưa lên truyền thông đại chúng. Nhưng bác sĩ của Trung tâm trao đổi việc hiến thận trước hết người được ghép phải phù hợp và để có thể ghép cần một nguồn kinh phí tương đối lớn lên đến hàng trăm triệu nên không phải bệnh nhân cần ghép thận nào cũng có thể đáp ứng. Vì thế nên tôi đồng ý “tùy duyên”, ai hợp thì nhận. Sau khi phẫu thuật xong, bên Đài truyền hình xin Trung tâm làm phóng sự nên gia đình người được hiến tặng thận quê ở Hà Nội biết và đã tìm mọi cách để “hậu tạ” nhưng tôi kiên quyết từ chối. Và sau đó tôi nhận cảm ơn của họ một bao ngô và hai cân hoa quả để làm lễ lên chùa. Hiến thận xong về quê, nhiều người hàng xóm làng giềng còn “xì xào” nhỏ to. Người quan tâm thì hỏi thăm sức khỏe, người ác khẩu còn nói tôi đi bán thận chứ đâu phải hiến. Nhưng kệ họ thôi “miệng thế gian”, mình cũng không quan tâm lắm.

Khi được hỏi về ước nguyện của mình, bà Thảo tâm sự: “Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng, hiến tạng lúc còn sống là một việc làm ý nghĩa và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mình đâu. Bản thân tôi thấy sức khỏe vẫn bình thường như khi vẫn còn hai quả thận”. Đã gần 2 năm sau ngày hiến tặng thận, bà Thảo vẫn thật khỏe mạnh, hàng ngày bà vẫn rong ruổi hàng chục cây số, làm phu hồ kiếm thêm thu nhập, lên chùa cầu nguyện, đi thăm nom mấy trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật quanh vùng. Bà cũng có sở thích cắt tỉa cây cảnh, dắt chúng tôi đi xem các “công trình nghệ thuật” cây cảnh trong khu vườn nhỏ của gia đình, bà Thảo đùa vui: “Mang tiếng là ươm cây, chăm bón nhưng tôi có mấy khi bán đâu. Mọi người đến chơi thích cây nào là tôi cho. Tính tôi nó thế mà”.