Môi trường làm việc chán phải làm sao

Có hàng trăm lý do để bạn chán ghét công việc hiện tại, tuy nhiên bạn cần xác định được nguyên nhân chính khiến cho bạn không còn hứng thú với công việc. Những nguyên nhân đó là do người khác mang lại cho bạn hay do chính bản thân bạn không bắt nhịp được với công việc, dẫn đến chán ngán, không muốn làm việc. Khi đó bạn sẽ dễ dàng biết phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng trên.

Xác định lại mục tiêu nghề nghiệp

Công việc hiện tại đã thật sự đem lại cho bạn những điều mà bạn mong muốn, những điều bạn cố gắng có phải là mục tiêu bạn muốn đạt được. Nếu bạn cảm thấy chán ghét công việc hiện tại, hãy nhanh chóng xác định lại mục nghề nghiệp của bạn là gì, bởi chỉ khi có mục tiêu cụ thể bạn mới có động lực làm việc, phấn đấu đạt được mục tiêu đó.

Làm mới bản thân

Bạn cứ ngồi một chỗ với một công việc duy nhất, ngày nào cũng vậy cứ lặp đi lặp lại sẽ rất dễ khiến cho bạn cảm thấy chán ngát, nhạt nhẽo. Hãy làm mới bản thân bằng cách giao tiếp với đồng nghiệp, mọi người xung quanh nhiều hơn, tích cực tham gia các hoạt động do công ty tổ chức, nhận những nhiệm vụ mới, những thách thức mới để thay đổi môi trường làm việc nhàm chán hiện tại của bạn.

Thay đổi thái độ làm việc

Bạn nhận thấy công việc không mang lại hứng thú, bạn không muốn cố gắng mà chỉ làm cho hết nhiệm vụ, trách nhiệm được giao không quan tâm tới kết quả thế nào. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng như vậy bạn sẽ không bao giờ vượt qua được gia đoạn chán việc hiện tại. Vì vậy, hãy làm việc với thái độ hăng say, bằng nhiệt huyết khi đó bạn sẽ thấy việc làm của mình thật sự ý nghĩa, không nhàm chán như những gì bạn nghĩ.

Thay đổi vị trí làm việc

Nếu bạn đã cố gắng làm mọi việc nhưng vẫn không thể thoát ra được tình trạng chán việc, vậy bạn hãy thử thay đổi vị trí làm việc. Bởi biết đâu vị trí hiện tại không phù hợp với khả năng, trình độ hoặc do bạn không có đam mê nên cảm thấy chán ghét nó, vị trí làm việc mới, với những mục tiêu mới sẽ là giải pháp không tồi để bạn lấy lại cảm hứng trong công việc của mình.

Tìm công việc mới

Chỉ áp dụng giải pháp này khi bạn thật sự thấy bế tắc, đã thử hết tất cả mọi cách nhưng cảm giác chán ghét công việc vẫn đeo bám. Nhưng hãy nhớ chỉ thay đổi công việc khi bạn chắc chắn đã tìm được công việc mới và cảm thấy hứng thú với nó. Nếu không sớm muộn bạn sẽ thất vọng mà thôi.

Cân bằng công việc và cuộc sống

Chán ghét công việc hiện tại không chỉ do công việc không phù hợp, bị cấp trên chèn ép… mà có thể do bạn không biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Mỗi ngày bạn dành quá nhiều thời gian cho công việc mà quên đi việc chăm sóc bản thân, không quan tâm đến gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh. Đến khi bạn mệt mỏi, muốn có người chia sẻ nhưng không tìm được ai sẽ khiến cho bạn cảm thấy bế tắc, chán nản không muốn tiếp tục làm việc nữa. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu cũng hãy dành cho mình khoảng thời gian thư giản, nghỉ ngơi để lấy lại cân bằng trong cuộc sống và công việc.

Đừng quá quan trọng vị trí và tiền bạc

Vị trí và tiền bạc là hai mục tiêu quan trọng để mỗi người tự cố gắng trong công việc, tuy nhiên khi vị trí và tiền bạc chi phối quá nhiều quá trình làm việc sẽ phản tác dụng. Bởi những người quá quan trọng vị trí và tiền bạc họ sẽ dễ bị cuốn theo nó, họ luôn cố gắng làm việc để đạt được mục tiêu nhưng nếu thất bại sẽ khiến cho họ cảm thấy hụt hẫng, chán nản từ đó dẫn đến không còn hứng thú, nhiệt tình, cố gắng nữa bởi họ nghĩ rằng dù có cố gắng bao nhiêu thì cuối cùng mọi thứ cũng vẫn trở về số không.

Nếu bạn thấy chán công việc hiện tại, đừng quá lo lắng bởi không chỉ mình bạn gặp phải tình trạng như vậy. Hãy bình tĩnh và tự đánh giá lại bản thân mình, tìm nguyên nhân khiến bạn không còn nhiệt tình với công việc nữa. Sau đó hãy đưa ra từng giải pháp để thoát khỏi tình trạng này nhé, chúc bạn sớm lấy lại cảm hứng với công việc.

Được sở hữu một công việc ổn định là mong ước của rất nhiều người tìm việc. Thế nhưng có ở vào vị thế của một nhân viên văn phòng gắn bó suốt thời gian dài với một loại công việc, một vị trí cố định với những thao tác và nhiệm vụ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày nọ giống hệt nhau… mới hiểu được rằng họ phải đối diện với sự nhàm chán như thế nào.

 

Chính vì cảm giác bị đóng khung vào công việc như thế này mà nhiều người chấp nhận nhảy việc liên tục và xem đó như là một giải pháp khắc phục hữu hiệu tình trạng của mình. Thế nhưng thực tế cho thấy, thay đổi công việc mới hoặc công ty mới không làm cho tình hình tốt đẹp hơn mà thậm chí còn đẩy chúng ta vào một vòng xoáy khó dừng lại: tìm việc – làm việc – nhàm chán và bất mãn – tiếp tục tìm việc mới – làm việc - lại nhàm chán và bất mãn… Vậy thì đâu mới là giải pháp thật sự hiệu quả?

 

Biết thay đổi để lấy lại cảm hứng

Sự nhàm chán vì quen tay với công việc hàng ngày thật ra một phần đến từ chính bản thân bạn. Chỉ vì bạn đã quá “nhẵn mặt”, quá dày dạn kinh nghiệm với các thao tác quen thuộc đến nỗi mỗi khi công việc đến, bạn chỉ tiến hành nó như một phản xạ mà không bao giờ nghĩ cách để thay đổi. Có bao giờ bạn chợt đặt ra câu hỏi rằng “mình có thể làm công việc này bằng một phương pháp, một cách thức khác không?”. Nếu chưa thì bạn hãy thử đi, trả lời câu hỏi này bằng một vài thay đổi nhỏ, điều đó sẽ đem đến nhiều cảm xúc thật sự tích cực. Đôi khi bạn không có quyền lựa chọn “làm công việc gì” nhưng bạn được quyền chọn “cách thức làm như thế nào”. Là một nhân viên thiết kế, bạn hãy thay đổi phong cách sáng tạo của mình bằng việc phá cách với các gam màu, cấu trúc, bố cục… trên sản phẩm của mình. Làm việc trong một công ty kinh doanh, bạn hãy tìm ra những đối tượng khách hàng hoặc sản phẩm khác với những phương châm cũ đã đi theo tiền lệ thành lối mòn. Là nhân viên văn phòng, bạn hãy thử thay đổi cách bày trí bàn làm việc hoặc phòng làm việc của mình bằng một bình hoa, một chiếc rèm cửa mới… để có bầu không khí tươi tắn và gợi cảm hứng mới mẻ hơn...

 

Luôn tìm tòi và học hỏi cái mới

Chỉ quẩn quanh bên những công cụ làm việc quá quen thuộc cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến sự nhàm chán và bão hòa cảm xúc. Công việc có thể gần như không thay đổi nhưng bạn hoàn toàn có thể làm cho nó trở nên thú vị hơn bằng cách thay đổi cách thức vận hành. Chẳng hạn như tìm hiểu về một phần mềm tin học mới, một ứng dụng mới thay thế cho các phần mềm cũ, các ứng dụng cũ để phục vụ cho công việc của bạn. Nền khoa học kĩ thuật của thế giới phát triển rất nhanh chóng, luôn luôn có những cái mới tốt hơn cái cũ, tiện lợi hơn cái cũ đang chờ bạn khám phá. Nhiều người có tâm lý ngại thay đổi, ngại thử thách, dần dần họ trở nên lười biếng trong việc tiếp thu công nghệ mới. Điều này không sớm thì muộn sẽ khiến cho họ bị đóng khung trong những quy trình cũ cứ lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày.

 

Đừng bỏ quên niềm đam mê

Bị bao vây bởi quá nhiều công việc, phần lớn chúng ta dễ dàng đánh rơi niềm đam mê của mình. Thực ra, bằng cách này hay cách khác, niềm đam mê giúp ích rất nhiều cho cuộc sống lẫn công việc. Đi xem một vở kịch mới, một bộ phim hay, một trận thi đấu thể thao hấp dẫn, đọc một quyển sách thú vị… vừa xóa bỏ áp lực lẫn cảm giác chán nản vừa mang đến cho chúng ta một nguồn năng lượng mới để tiếp tục làm việc hứng khởi hơn. Mỗi khi cảm thấy cơ thể bị “bão hòa” hay bị mất cân bằng, hãy thử “tưới mát” tâm hồn bằng nghệ thuật hoặc thể thao, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình dễ chịu hơn.

 

Tìm đến các mối quan hệ

Mạng lưới các mối quan hệ công việc lẫn xã hội luôn luôn cần thiết. Vì vậy, đừng bao giờ xem thường việc “networking” – thiết lập và duy trì, phát triển mạng lưới quan hệ của chúng ta. Đôi khi, cách thiết thực để tháo gỡ cảm giác chán chường chỉ đơn giản là một buổi gặp gỡ với một hay một vài người trong số các bạn bè, đối tác và đồng nghiệp của bạn. Chia sẻ và trao đổi với họ, biết đâu họ cũng đã từng trải qua cảm giác đó rồi và họ sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích. Còn nếu không thì việc trút được nỗi lòng, cùng nhau chia sẻ và giải quyết khúc mắc cũng sẽ giúp cho tình trạng tiêu cực bớt tồi tệ đi rất nhiều.