Mục tiêu chính sách của Cộng đồng kinh tế ASEAN

04[107]/2017

Mục lục

  • 1.Tổng quan về Cộng đồng Kinh tế ASEAN [AEC]
  • 2.Những thách thức về thể chế pháp lý cho sự vận hành
  • 3.Tài liệu tham khảo

Cộng đồng kinh tế ASEAN: những thách thức về thể chế cho sự vận hành

TRẦN THĂNG LONG

04[107]/2017 - 2017, Trang 3-10

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Bài viết nghiên cứu những thách thức mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN [AEC] phải đối mặt và giải quyết từ góc độ thể chế. Cụ thể, bài viết phân tích những thách thức từ việc lựa chọn mô hình thích hợp, những bất cập từ việc tổ chức bộ máy điều hành, cơ chế ra quyết định vốn dựa trên sự đảm bảo nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng” và cơ chế thông qua quyết định theo “nguyên tắc đồng thuận”. Ngoài ra, bài viết cũng nghiên cứu cơ chế giám sát, giải quyết tranh chấp, cuối cùng là cơ chế nhằm phản ánh và khắc phục hợp lý sự khác biệt, chênh lệch về trình độ phát triển của các quốc gia thành viên. Những phân tích này sẽ đi cùng với các đề xuất kiến nghị nhằm khắc phục những thách thức đó.


ABSTRACT:

The paper discusses encounters facing the AEC that requires a settlement from institutional perspective. Specifically, the paper examines challenges from the selection of an appropriate model; the modification of inadequacies in AEC’s organizational setting for decision-making mechanism which based on the guarantee of the “unity in diversity” principle and the mechanism for adoption of resolution under the “principle of consensus”; the necessity for an comprehensive monitoring and dispute settlement mechanisms and finally, the demand for reduction the gaps of diversities in terms of development level of member states. These analyses will be accompanied by proposals to overcome the challenges.

TỪ KHÓA: mô hình, thách thức, Cộng đồng kinh tế ASEAN, thể chế,

KEYWORDS: model, ASEAN Economic Community, challenges, institution,

Trích dẫn:

×

TRẦN THĂNG LONG, Cộng đồng kinh tế ASEAN: những thách thức về thể chế cho sự vận hành , Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 04[107]/2017, Trang 3-10

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=76559797-6332-495f-b660-557e8aec8721

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Tổng quan về Cộng đồng Kinh tế ASEAN [AEC]

Tháng 10/2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II [Tuyên bố Bali II], trong đó nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính: Cộng đồng An ninh [ASC], Cộng đồng Kinh tế [AEC] và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội [ASCC]. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 tại Cebu [Philippines] vào tháng 1/2007 đã thông qua quyết định đẩy nhanh quá trình hình thành AEC vào năm 2015 thay vì năm 2020, đồng thời hướng tới mức độ hội nhập kinh tế trong ASEAN sâu rộng hơn so với ý tưởng ban đầu [ASEAN 2008]. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã cụ thể con đường hiện thực hóa AEC thông qua việc ký Tuyên bố Cha Am/Hua Hin về Lộ trình xây dựng AEC[ASEAN Community Roadmap]và thông qua Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC[AEC Blueprint]đến năm 2015.[1]

AEC có mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư từ bên ngoài. Để đạt được các mục tiêu kể trên, AEC sẽ được thực hiện trên cơ sở 4 trụ cột chính gồm:[i]một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất;[ii]một khu vực kinh tế cạnh tranh cao;[iii]một khu vực phát triển kinh tế đồng đều;[iv]một khu vực hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu.[2]

Thứ nhất,việc xây dựng và hiện thực hóa AEC chính là bước tiếp theo của quá trình hội nhập ASEAN vốn đã được triển khai trong một quá trình dài trước đây bằng việc thực hiện các cam kết tại các hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, bao gồm việc tiếp tục thực hiện theo lộ trình các hiệp định, thỏa thuận đã có và các vấn đề mới nếu có.[3]AEC chính là bước phát triển có tính quy luật của hội nhập kinh tế ASEAN. Theo đó, việc hình thành một cộng đồng kinh tế của các nước trong khu vực vừa là đòi hỏi khách quan của quá trình liên kết kinh tế của khu vực với thế giới, mặt khác vừa là nhu cầu chủ quan của sự phát triển kinh tế của nội bộ từng quốc gia.

Thứ hai,AEC về bản chất chính là một kiểu liên kết kinh tế với mục đích thành lập một thị trường chung có đầy đủ những đặc trưng và dấu hiệu cơ bản của mô hình liên kết kinh tế này.[4]Mặc dù vậy, AEC không phải là một thỏa thuận hay hiệp định mới với các cam kết ràng buộc thực chất và AEC cũng không thực sự hình thành một khung thể chế toàn diện, chặt chẽ như mô hình Cộng đồng châu Âu. Các mục tiêu của AEC sẽ được thực thi bằng việc các quốc gia thành viên tham gia và thực thi các hiệp định, thỏa thuận, tuyên bố. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi và cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu không bắt buộc của các nước ASEAN.

Thứ ba,AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN [AC] với mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.[5]Trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, AEC chính là trụ cột có khả năng thực thi hiệu quả và toàn diện nhất. AEC nếu được thực hiện tốt và hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng tạo ra động lực cho việc hoàn thành mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN.

Thứ tư,AEC có sự tham khảo của mô hình Cộng đồng Kinh tế châu Âu [EEC] trước đây nhưng vẫn có những khác biệt. AEC có nhiều điểm tương đồng với mô hình của EEC trong giai đoạn phát triển của nó từ năm 1957 đến 1992.[6]Tuy nhiên, AEC hiện chưa phải là một liên minh thuế quan vì chưa có chính sách thuế quan chung với các nước ngoài khối, nhưng đồng thời, AEC cũng chưa phải là một thị trường chung, bởi lẽ AEC mới áp dụng sự tự do di chuyển lao động lành nghề và hài hòa một số chính sách. AEC chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu [EC] bởi không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC.

[1]* TS. Luật học, P. Trưởng Bộ môn Anh văn pháp lý, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

Xem và tải về tại trang web của ASEAN, .

[2] ASEAN 2008.

[3] VCCI, “Cẩm nang Tóm lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN” [AEC], , truy cập ngày 29/11/2016.

[4] Cụ thể, các đặc trưng cơ bản của một thị trường chung bao gồm sự tự do lưu thông hàng hóa [free flow of goods]; tự do lưu thông dịch vụ [free flow of services]; tự do đầu tư [free flow of investment]; tự do hơn nữa về lưu thông nguồn vốn [free flow of capital] và tự do lưu thông về nguồn lao động có trình độ [free flow of skilled labour]. Trong các thành phần trên thì tự do lưu thông hàng hóa là thành phần quan trọng nhất, là cơ sở quan trọng để các mục tiêu về thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất thành hiện thực.

[5] Bộ Ngoại giao – Vụ ASEAN, “Khái quát về Cộng đồng ASEAN”,, truy cập ngày 30/11/2016.

[6] Đinh Công Tuấn, “Mô hình hội nhập của EU - ASEAN: so sánh những tương đồng, khác biệt và bài học kinh nghiệm cho ASEAN”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 6/2012.


2. Những thách thức về thể chế pháp lý cho sự vận hành

2.1. Việc chọn lựa mô hình và cơ cấu tổ chức

Thứ nhất,những điểm tương đồng giữa EEC và AEC dẫn đến cách hiểu rằng AEC là một “bản sao” của mô hình EEC. Tuy nhiên, thực chất các quốc gia ASEAN chỉ tham khảo mà không hoàn toàn dựa trên khuôn mẫu của EEC. Trong quá trình tồn tại và phát triển, các quốc gia châu Âu luôn thể hiện mong muốn và theo đuổi xu hướng phát triển chung là ngày càng thu hẹp “chủ quyền quốc gia”, đề cao tính khu vực để hiện thực hóa nguyện vọng nhất thể hóa châu Âu. Sự ra đời của EEC trở thành một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho sự ra đời của Liên minh châu Âu [EU] - một tổ chức thống nhất khu vực châu Âu về cả văn hóa, kinh tế, chính trị.

Trong khi đó, các quốc gia ASEAN lại luôn đặt “chủ quyền quốc gia” lên trên hết, hội nhập khu vực nhưng trong giới hạn. Có thể thấy rằng cơ cấu tổ chức của AEC mang nặng đặc điểm này, thể hiện ở mỗi cơ quan của AEC đều có sự tham gia của đại diện mỗi nước thành viên, đảm bảo tính đại diện của mỗi quốc gia thành viên và phù hợp với tình hình phát triển của khu vực. Các thể chế của AEC được cấu trúc chủ yếu mang tính chất rời rạc, chỉ là sự hợp tác giữa các chính phủ. Do đó, về cơ bản cơ cấu tổ chức của AEC cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả. Chẳng hạn, mặc dù đã có Ban thư ký ASEAN và Tổng thư ký thực hiện việc giám sát và đảm bảo việc thi hành các quyết định, cam kết đồng thời giải quyết các tranh chấp của AEC nhưng quyền hạn vẫn còn rất hạn hẹp, chưa cụ thể. Ngoài ra, các quyết định của ASEAN phần lớn nằm ở dạng “luật mềm”[soft law]mà không có giá trị áp dụng trực tiếp như luật nên cần phải có sự chuyển hóa vào quy định pháp luật của từng nước và cơ chế chủ yếu để thực thi các chính sách là thông qua các Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN [ASEAN Summit Declaration].[1]Do những đặc thù về quan điểm sử dụng cơ chế sử dụng quyền lực của cơ quan lãnh đạo khối, Hội đồng AEC không phải là một thể chế chặt chẽ và có quyền lực lớn như Ủy ban châu Âu [EC].

Để giải quyết vấn đề này, AEC cần phải hoàn thiện thể chế vận hành ở cấp độ vĩ mô trên cơ sở nghiên cứu xây dựng theo mô hình thể chế của Cộng đồng châu Âu trước đây. Theo đó, hệ thống tổ chức của EEC không chỉ có sự tham gia đại diện của mỗi nước thành viên mà nó còn được thiết kế và tuân thủ theo nguyên tắc tam quyền phân lập, có đầy đủ các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với AEC, một cơ chế mang tính quyền lực “siêu quốc gia” như vậy là cần thiết. Ở đó đại diện của các quốc gia thành viên không chỉ đại diện cho lợi ích của mỗi quốc gia mà còn nỗ lực vì lợi ích chung của cộng đồng[2]để giải quyết các vấn đề và điều hòa các lợi ích chung một cách hiệu quả. Cơ chế này sẽ tránh được việc các quyết định, chính sách chung bị cản trở bởi một hoặc một vài thành viên.[3]

Để đạt được điều đó, những hạn chế cố hữu của tổ chức này cần phải được tháo gỡ. Cần phải thấy rằng ASEAN cho đến thời điểm này vẫn là một khu vực đa dạng về chính trị, dân chủ, tôn giáo và văn hóa. Sự khác biệt về chế độ chính trị và hệ tư tưởng giữa các nước ASEAN vốn là một nguyên nhân cản trở quá trình liên kết kinh tế khu vực, duy trì tính thỏa hiệp và tình trạng lỏng lẻo trong liên kết ASEAN vẫn còn tồn tại, mặc dù đã được cải thiện so với 40 năm trước đây. Thêm vào đó, sự tồn tại nhiều cấp độ của nền dân chủ và sự quá đa dạng về tôn giáo, sắc tộc ở các quốc gia ASEAN và sự chênh lệch về khoảng cách, trình độ phát triển cũng là những trở lực cho hội nhập ASEAN nói chung và hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng. Kết quả của những sự khác biệt này là việc dẫn đến việc thiếu tin tưởng giữa các nước thành viên, khiến cho sự hợp tác giữa các nước trong khu vực ngày càng chậm chạp.[4]

2.2. Về nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng” và cơ chế thông qua quyết định

Thứ nhất,ASEAN xây dựng dựa trên nền tảng của nguyên tắc “thống nhất trong đa dạng”[unity in diversity].Các mục tiêu đặt ra của một tổ chức ASEAN “thống nhất trong đa dạng” đã đạt được, cho phép nó đạt đến một mức độ hội nhập khu vực quan trọng về kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa và loại bỏ dần sự khác biệt về trình độ phát triển, hệ tư tưởng và tôn giáo giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, “sự đa dạng” ở giai đoạn phát triển tiếp theo lại là một rào cản đối với sự hội nhập sâu hơn của ASEAN. Ở góc độ lý luận, sự thống nhất[unity]của hiệp hội bị suy yếu vì mỗi thành viên vẫn muốn theo đuổi lợi ích riêng của mình, dẫn đến việc ASEAN gặp khó khăn cho việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các thành viên trong cam kết chung và trách nhiệm tập thể. Ở khía cạnh thực tiễn, sự đa dạng này khiến ASEAN phải đối mặt với một số khó khăn, phản ánh qua sự bối rối và thiếu đồng lòng của các nước ASEAN trong việc đối phó với các vấn đề đang nổi lên trong khu vực, chẳng hạn như việc thành lập một sự phối hợp hiệu quả để đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở biển Đông.[5]Vấn đề này cũng tạo ra các trở ngại cho việc hài hoà hóa pháp luật trong khu vực và làm giảm đi động lực của các quốc gia thành viên trong việc thực thi cam kết trong khuôn khổ AEC. Nói cách khác, “sự đa dạng” hoặc “sự khác biệt” giữa các quốc gia thành viên ASEAN là một trở lực quan trọng, ngăn chặn ASEAN đạt tới mức độ hội nhập khu vực cao hơn như mong đợi cũng như đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên về các vấn đề khu vực.

Thứ hai,nguyên tắc đồng thuận được xem là nguyên tắc trụ cột trong việc thông qua các quyết định của AEC. Theo nguyên tắc này, một quyết định được coi là thông qua khi không có sự phản đối nào. Như vậy, chỉ cần một quốc gia thành viên phản đối thì quyết định đó sẽ không được thông qua. Có thể thấy, nguyên tắc này gây tốn kém thời gian và sức lực bởi rất khó để có thể tất cả các quốc gia đều thông qua mà không có sự phản đối. Giả sử, nếu có thông qua thì vì lợi ích của mình, các quốc gia có thể phản đối, hoặc kéo dài thời gian ra quyết định. Điều này còn có thể làm chậm trễ việc đề ra và thực thi chính sách. Thêm vào đó, việc quá đề cao “chủ quyền quốc gia” có khả năng tác động tiêu cực đến quá trình đổi mới cơ chế hợp tác và dân chủ hóa, thậm chí làm thủ tiêu sáng kiến tích cực trong ASEAN. Ngoài ra, do cơ chế thông qua quyết định chỉ được đảm bảo trên nguyên tắc đồng thuận, nên yếu tố tự quyết của các nước thành viên là rất lớn.

Để khắc phục vấn đề này, AEC cần tham khảo xây dựng cơ chế thông qua quyết định theo mô hình của châu Âu, cụ thể là việc bỏ phiếu tại Hội đồng AEC nên theo nguyên tắc đồng thuận[consensus],còn ở các cơ quan khác bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số với các mức độ tùy theo công việc. Trong vấn đề này, mô hình về nguyên tắc bỏ phiếu đa số đủ thẩm quyền của châu Âu [Qualfied Majority Voting –QMV][6]có thể được tham khảo. Quyết định được thông qua khi đa số quốc gia thành viên bỏ phiếu thuận và số phiếu thuận đảm bảo đại diện cho đa số dân số của các nước thành viên EEC. Ưu điểm của cơ chế QMV đó là việc thông qua một quyết định sẽ được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả hơn so với nguyên tắc đồng thuận. Đồng thời nguyên tắc QMV cũng đảm bảo được tính đại diện, dân chủ của mỗi quốc gia thành viên vì số phiếu đại diện được tính dựa vào dân số của mỗi nước thành viên. Nguyên tắc này đã được EEC áp dụng trong một thời gian dài và cũng đã chứng minh được tính hiệu quả của nó.[7]

2.3. Về cơ chế giám sát và thực thi cam kết

Có thể thấy rằng, trở lực về thể chế khiến cho quá trình vận hành AEC trở nên chậm chạp và khó đạt được một cách tối ưu nhất các mục tiêu của mình đến từ việc thiếu vắng một cơ chế giám sát tuân thủ[monitoring compliance]đối với các cam kết đưa ra. Điều này nếu được đáp ứng sẽ tạo ra hiệu ứng “làm hay hơn là nói” của các quốc gia ASEAN.

Thứ nhất,AEC cần thiết lập một cơ chế giám sát thực thi đủ mạnh được xây dựng và vận hành trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền nhằm đảm bảo cho các cam kết của nó được thực thi và tuân thủ một cách đồng bộ, nhất quán, nhanh chóng, có trách nhiệm và thiện chí. Hiện tại, mặc dù Ban thư ký ASEAN[ASEAN Secretariat]có chức năng giám sát việc tuân thủ cam kết của các quốc gia thành viên AEC, Ban thư ký ASEAN lại không được trao quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Hiến chương ASEAN cũng không quy định về các biện pháp chế tài, việc đình chỉ hoặc tước tư cách thành viên tổ chức trong trường hợp không tuân thủ.[8]Cuối cùng, sự thiếu vắng của một thiết chế Tòa án ASEAN [ASEAN Court] là một khó khăn trong việc giải thích và áp dụng thống nhất luật trong khuôn khổ ASEAN.[9]

Điểm nổi bật của thể chế mô hình EEC mà AEC có thể học hỏi đó là hệ thống Tòa án châu Âu. Có thể thấy, Tòa án châu Âu là một thể chế rất đặc thù của EEC và EU sau này, nó vừa giám sát việc giải thích “luật cộng đồng”, hoạt động lập pháp của EEC và việc tôn trọng “luật cộng đồng” của các nước thành viên vừa xử lý tranh chấp giữa các nước thành viên, các cá nhân, doanh nghiệp. Có thể thấy Tòa án châu Âu là một thể chế vô cùng cần thiết và hữu dụng trong việc thực thi và giám sát việc thực thi pháp luật của cộng đồng. Đây cũng là bài học cho AEC trên con đường hoàn thiện thể chế góp phần vào sự thành công của cộng đồng. Với thực tế của ASEAN hiện tại, một Tòa án như vậy rõ ràng là chưa thể thực hiện được ngay. Mặc dù vậy, việc xây dựng cơ chế giám sát và theo dõi sự thực thi có thể theo hướng tăng cường quyền hạn cao hơn cho Ban Thư ký ASEAN, cơ quan này sẽ đóng vai trò là cơ chế phối hợp và giám sát việc tuân thủ. Điều này có thể thực hiện được ngay bằng việc sáp nhập Văn phòng ASEAN về Giám sát Hội nhập [AIMO] hiện nay vào Ban Thư ký ASEAN.[10]

Thứ hai,về cơ chế thực thi cam kết, các cam kết ASEAN không bị bắt buộc thực hiện cam kết khi chưa sẵn sàng [Công thức ASEAN – X]. Mặc dù vậy, các quốc gia thành viên ASEAN cũng có thể áp dụng cách tiếp cận 2+X, nghĩa là khi hai nước có điều kiện đẩy nhanh hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể, trong khi các nước khác chưa sẵn sàng, thì họ có thể thực hiện trước mà không cần có sự tham gia của tất cả hoặc đa số các nước thành viên ASEAN.[11]Tuy nhiên, do việc áp dụng công thức ASEAN – X là chủ đạo. các cam kết đề ra hầu như không bắt buộc phải thực hiện mà tùy thuộc và mỗi quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, hầu hết các cam kết, quyết định đã ký kết của ASEAN chỉ vạch ra phương hướng hành động hay mục tiêu hướng tới nhiều hơn là ràng buộc về mặt pháp lý, điển hình là Tuyên bố Bangkok 1976 và “Tầm nhìn 2020”.[12]Điều quan trọng là các quốc gia sẽ phải tiến hành việc thực thi chúng bằng pháp luật quốc gia trong khi thiếu vắng một cơ chế giám sát có hiệu quả cho việc thực thi.

Thực tiễn của ASEAN cho thấy các quốc gia thành viên thường rất tham vọng và đặt ra những quyết tâm cao độ nhưng quá trình thực thi lại có trường hợp trì hoãn, sửa đổi mục tiêu ban đầu hoặc xin miễn trừ. Trong một số trường hợp, các nguyên tắc, quyết định của các quốc gia đã không được sửa đổi để phù hợp với quyết định của ASEAN. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên có khuynh hướng không đề cao việc theo đuổi một thiết chế đủ mạnh dẫn đến kết quả cuối cùng là chúng không có tác dụng áp dụng các biện pháp chế tài có tính bắt buộc cao hơn.[13]Điều này được lý giải một phần ở việc các quốc gia thành viên ASEAN có khuynh hướng theo đuổi sự tự chủ và chủ động bằng việc xây dựng các cơ chế quốc gia[governmental mechanism]cho việc thông qua các quyết định, thực thi và điều chỉnh các cam kết. Điều này dẫn đến một khó khăn và thách thức to lớn cho các quốc gia thành viên trong việc thực thi các cam kết của AEC đó là việc đảm bảo thực thi đúng đắn ở phạm vi quốc gia, xóa bỏ tình trạng triển khai chậm hoặc không tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận.[14]

2.4. Về cơ chế giảm thiểu sự khác biệt giữa các thành viên và giải quyết tranh chấp

Thứ nhất,về cơ chế giảm thiểu sự khác biệt về phát triển kinh tế, cơ chế hiện tại của ASEAN nói chung và AEC nói riêng hiện chưa giúp giải quyết vấn đề này trong khi đây là một vấn đề cốt lõi về góc độ thể chế. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên chính là khó khăn lớn nhất khi liên kết các nền kinh tế trong khu vực để hình thành một thị trường thống nhất và một cơ sở sản xuất chung.[15]

ASEAN hiện có sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển giữa các thành viên căn cứ vào GDP bình quân đầu người, tiêu chí trình độ công nghiệp hóa, cơ cấu giữa các nhóm nước.[16]Tình trạng chênh lệch trình độ phát triển có ảnh hưởng tiêu cực đến việc hợp tác xây dựng chính sách chung. Bên cạnh đó, ASEAN đang vấp phải sự thiếu vắng về đầu tàu. Trong số nhóm các nước nhóm trên và ngay trong nhóm ASEAN – 6, Singapore là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu ASEAN nhưng quá sốt ruột với tốc độ hội nhập và phát triển còn chậm của ASEAN nên đã tách riêng để bảo vệ quyền lợi quốc gia mình như việc đã chủ động ký một loạt hiệp định thương mại song phương với rất nhiều quốc gia.[17]

Trong bối cảnh đó, cơ chế hiện tại của AEC nói riêng và của Cộng đồng ASEAN nói chung thiếu vắng một cơ chế hữu hiệu để giải quyết xung đột về lợi ích trong khi cơ chế biểu quyết, thông qua quyết định phản ánh đúng sự tương ứng trong khoảng cách về trình độ nhằm hạn chế những bất đồng giữa các nhóm nước có trình độ chênh lệch so với các nhóm nước còn lại. Trong vấn đề này, sự kiện Brexit vừa qua đem đến cho ASEAN một số bài học kinh nghiệm.[18]Cụ thể, tham vọng mở rộng khu vực này quá nhanh của những người hoạch định chính sách lẫn những quốc gia mong muốn gia nhập chúng bằng mọi giá bất chấp sự chênh lệch về trình độ, khoảng cách phát triển kinh tế, cuối cùng lại dẫn đến những tác động không mong muốn. Điều này dẫn đến các yêu sách, đòi hỏi cũng như phản ứng từ phía cử tri các nước “giàu” và có sự đóng góp nhiều hơn cũng như gánh vác nhiều trách nhiệm hơn so với các quốc gia còn lại.[19]Từ đó, một cơ chế đảm bảo sự cân bằng và dựa trên nguyên tắc đảm bảo bình đẳng về chủ quyền mà không phản ánh sự chênh lệch về trình độ phát triển chính là một hạn chế về thể chế để giúp cho quá trình vận hành AEC và thực thi các cam kết của nó được hiệu quả.

Thứ hai,cơ chế giải quyết tranh chấp của AEC vẫn chưa hiệu quả. Nghị định thư Manila về cơ chế giải quyết tranh chấp được các nước thành viên ký vào ngày 20/11/1996 nhưng trên thực tế nó lại chưa từng được áp dụng do những hạn chế của nó.Một là,đó là việc còn tồn tại hai cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế ở “hai cấp” đó là Hội nghị các quan chức cấp cao về kinh tế [SEOM] và Hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN [AEM] mà thành phần tham gia đều là đại diện của các bên ký kết, vì vậy rất dễ dẫn đến việc chính trị hóa một vụ kiện thương mại.Hai là,cơ chế này đã ủy thác cho Ban hội thẩm quá nhiều quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp, thế nhưng Ban hội thẩm chỉ là cơ quan trợ giúp cho SEOM trong quá trình ra quyết định mà Ban hội thẩm không có quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp.[20]Để khắc phục hạn chế này, các nước thành viên ASEAN sau đó đã ký kết Nghị định thư ASEAN về Tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp 2004 [gọi tắt là Nghị định thư 2004] thay thế cho Nghị định thư 1996. Nghị định thư năm 2004 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế hoàn hảo hơn trong khuôn khổ ASEAN. Cơ chế giải quyết tranh chấp này là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc thực thi và tuân thủ các cam kết trong AEC.[21]Cơ chế giải quyết tranh chấp quy định trong Nghị định thư là “bản sao” khá trung thành của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.[22]

Mặc dù vậy, các quốc gia ASEAN vẫn không “mặn mà” trong việc sử dụng cơ chế này. Một trong những lý do đó là việc các quốc gia có thể theo đuổi sự linh hoạt trong việc chọn lựa nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp mà không bắt buộc áp dụng theo cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN vì đây không phải là cơ chế được thiết kế riêng cho giải quyết tranh chấp về kinh tế - thương mại, do đó thông thường thì chỉ dừng lại ở giai đoạn tham vấn, rồi theo đuổi các cơ chế khác mà không đưa vụ việc ra giải quyết theo quy trình của Nghị định thư. Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN do mô phỏng từ cơ chế của WTO nên có thời gian giải quyết tương đối dài.

Thay vào đó, các tranh chấp được giải quyết theo phương thức ASEAN [ASEAN Way]. Theo đó, các nước thành viên giải quyết tranh chấp nhưng không được can thiệp nội bộ của nhau và trên nguyên tắc tự nguyện. Chính nguyên tắc này là nguyên nhân khiến việc thực hiện những cam kết nội khối dễ bị bỏ qua hoặc thực hiện nhưng theo kiểu “nửa vời”. Hiện tại, các quốc gia ASEAN cũng có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Nghị định thư năm 2010 về giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương ASEAN, trong đó có cơ chế trọng tài và giá trị phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực ràng buộc với các bên tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cơ chế này cũng hầu như rất hạn chế.

Như đã phân tích, cơ chế tổ chức của AEC còn lỏng lẻo, AEC hiện nay vẫn chưa có một cơ chế thực thi và giám sát việc thực thi pháp luật chung của Hiệp hội. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp mới thích hợp với mô hình AEC là cần thiết cấp bách.

Cộng đồng kinh tế ASEAN chính là sự phát triển tất yếu trong nỗ lực nhằm tăng cường liên kết kinh tế ASEAN và đưa tổ chức này lên một tầm cao mới. Sự thành công của AEC sẽ có ý nghĩa tích cực khẳng định vị thế địa chính trị và quan trọng về kinh tế trong xu thế phát triển toàn cầu của khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, những thách thức đặt ra về thể chế nếu không được điều chỉnh và khắc phục thì có thể gây ra những trở lực cho sự vận hành của AEC nói riêng và của Cộng đồng ASEAN nói chung.


[1]Thomas Schmitz, “The ASEAN Economic Community and the rule of law” [2014], , tr. 2, truy cập ngày 30/11/2016.

[2] Đinh Công Tuấn, tlđd, tr. 15.

[3] Nguyễn Phúc Khanh, Nghiên cứu về việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN [AEC] và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ, Hà Nội, 2005, tr. 49.

[4] Nguyễn Phúc Khanh, tlđd, tr. 53.

[5] VNExpress, “ASEAN tìm cách thay đổi luật chơi trước tranh chấp Biển Đông” , truy cập ngày 30/11/2016; Báo Đất Việt, , truy cập ngày 30/11/2016; Người Lao động, , truy cập ngày 30/11/2016.

[6] “Qualified majority voting [QMV]”, , truy cập ngày 30/11/2016.

[7] EU hiện vẫn đang sử dụng cơ chế thông qua quyết định QMV. Tuy nhiên, năm 2004, Hiệp ước Lisbon đã đơn giản hóa cơ chế “đa số đủ thẩm quyền” thành cơ chế “đa số kép”. Theo nguyên tắc này, văn bản pháp luật của EU được thông qua khi đạt được hai tiêu chí: đa số nước thành viên với 55% số nước và đa số dân chúng đại diện cho 65% dân số toàn khu vực ủng hộ.

[8] Xem Helen E.S. Nesadurai, “Enhancing the Institutional Framework for AEC Implementation: Designing Institutions that are Effective and Politically Feasible”, ADB, The ASEAN Econonomic Community: A Work in Progress, [2015], tr. 418, available at , truy cập ngày 30/11/2016

[9] Thomas Schmitz, tlđd, tr. 4.

[10] Asia Pathways, “AEC is due—but what about institutions?”, , truy cập ngày 30/11/2016

[11] Nguyễn Thu Mỹ, “Cộng đồng ASEAN: trong nhận thức và quan điểm của Việt Nam”, ,tr. 4

[12] Hoàng Thị Thanh Nhàn và Võ Xuân Vinh, “Hiện thực hóa cộng đồng ASEAN 2015: Thuận lợi và trở ngại”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 29, 4/2013, tr. 20 - 21; Nguyễn Phúc Khanh, tlđd, tr. 50.

[13] Helen E.S. Nesadurai, tlđd, tr. 412.

[14] Trích Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân ngày ASEAN 8/8/ 2008, Báo Nhân dân ngày 8/8/2008.

[15] Nguyễn Minh Quang, “Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC 2015: những cơ hội và thách thức”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, tr. 40.

[16] Tổng hợp từ WB, IMF, CIA, ASEAN và Báo cáo phát triển UN 2013, dẫn trong Nguyễn Minh Quang, tr. 40.

[17] Hoàng Thị Thanh Nhàn và Võ Xuân Vinh, tlđd, tr. 17; Nguyễn Phúc Khanh, tlđd, tr. 51 - 52.

[18] The Diplomat, “What ASEAN Can Learn From Brexit” ; truy cập ngày 30/11/2016; Aseantoday, ‘Brexit: How will it affect ASEAN?’ , truy cập ngày 30/11/2016.

[19] Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới” , tr. 28, truy cập ngày 30/11/2016.

[20] ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế - Quyển 2, 2013, tr. 319.

[21] Locknie Hsu, “The Asean Dispute Settlement System”, ADB, The ASEAN Econonomic Community: A Work in Progress, 2015, , truy cập ngày 30/11/2016.

[22] ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, chương “Giải quyết tranh chấp trong WTO”, Luật thương mại quốc tế, phần 1, 2012, Nxb. Hồng Đức, tr. 400.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Aseantoday, “Brexit: How will it affect ASEAN?” , accessed on the 30/11/2016.

[2] Asia Pathways, “AEC is due—but what about institutions?”., accessed on the 30/11/2016.

[3] Bộ Ngoại giao - Vụ ASEAN, “Khái quát về Cộng đồng ASEAN”, [trans: Ministry of Foreign Affairs - ASEAN Department: An overview of the ASEAN Economic Community], accessed on the 30/11/2016.

[4] Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Công pháp quốc tế - Quyển 2, Nxb. Hồng Đức 2013.[trans: Hociminh City University of Law, Text bool on Public international Law - Episode 2, Hong Duc publishing House, 2013]

[5] Đinh Công Tuấn, “Mô hình hội nhập của EU – ASEAN: so sánh những tương đồng, khác biệt và bài học kinh nghiệm cho ASEAN”, Tạp chí nghiên cứu châu Âu, số 6/2012 [trans: EU - ASEAN intergation mode - A comparison of Similanties and differences and Experiences for ASEAN, European Studies Journal, Vol 6/2012]

[6] Helen E.S. Nesadurai, “Enhancing the Institutional Framework for AEC Implementation: Designing Institutions that are Effective and Politically Feasible” in trong ADB, The ASEAN Econonomic Community: A Work in Progress, [2015], available at., accessed on the 30/11/2016.

[7] Hoàng Thị Thanh Nhàn và Võ Xuân Vinh, ”Hiện thực hóa cộng đồng ASEAN 2015: Thuận lợi và trở ngại”, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, tập 29, 4/2013 [trans: AEC Actualization 2015: oppoturnities and challenges, Can Tho University Sciences Journal, p.38]

[8] Locknie Hsu, “The Asean Dispute Settlement System” in trong ADB, The ASEAN Econonomic Community: A Work in Progress, 2015, available at., accessed on the 30/11/2016.

[9] Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới”.

[10] Nguyễn Minh Quang, “Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC 2015: những cơ hội và thách thức”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, [trans: Nguyen Minh Quang, ASEAN Economic Community - AEC 2015: oppoturnities and challenges, Can Tho University Sciences Journal]

[11] Nguyễn Phúc Khanh, Nghiên cứu về việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN [AEC] và những vấn đề đăt ra đối với Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ, Hà Nội, 2015 [trans: Study on the formation of ASEAN Economic Community [AEC] and problems for Vietnam, A ministerial - lever Reseach project, Hanoi 2015]

[12] The Diplomat, “What ASEAN Can Learn From Brexit”., accessed on the 30/11/2016.

[13] Thomas Schmitz, “The ASEAN Economic Community and the rule of law” [2014], , accessed on the 30/11/2016.

[14] VCCI, Cẩm nang Tóm lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN [AEC], [trans: VCCI: A guide book for ASEAN Economic Community], accessed on the 30/11/2016.

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề