Quyết định hình phạt trong một số trường hợp đặc biệt được tiến hành như thế nào

Quy định về tổng hợp hình phạt và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự

01/07/2014

ThS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

1. Quy định về tổng hợp hình phạt

1.1. Các nguyên tắc tổng hợp hình phạt

Tổng hợp hình phạt là quyết định hình phạt trong trường hợp đặc biệt, bao gồm quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự [BLHS] và quyết định hình phạt của nhiều bản án theo quy định tại Điều 51 BLHS. Tổng hợp hình phạt là hoạt động quan trọng của Tòa án được tiến hành đối với người bị kết án phạm từ hai tội trở lên và đối với trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong một bản án lại bị xét xử về một tội xảy ra trước hoặc sau khi có bản án đó. Việc tổng hợp hình phạt được tiến hành trên cơ sở các hình phạt cùng loại và khác loại, tổng hợp hình phạt chính và hình phạt bổ sung theo những nguyên tắc nhất định của luật hình sự.

Hiểu theo cách chung nhất thì tổng hợp hình phạt chính là xác định hình phạt chung cho người bị tuyên nhiều tội và việc xác định hình phạt chung có thể là một trong các trường hợp sau: người phạm tội bị xử cùng một lần về nhiều tội và do vậy bị tuyên nhiều hình phạt khác nhau và kèm theo có thể có các hình phạt bổ sung. Để có thể thi hành án được, Tòa án phải tổng hợp các hình phạt chính cũng như các hình phạt bổ sung thành hình phạt chung[1]; người phạm tội đã có bản án kết tội kèm theo hình phạt và lại bị tuyên tiếp bản án khác cùng hình phạt kèm theo. Để có thể thi hành án được, Tòa án phải tổng hợp hình phạt đã tuyên [có thể đang chấp hành hoặc chưa chấp hành] với hình phạt mới tuyên thành hình phạt chung[2].

Cơ sở để tổng hợp hình phạt là các hình phạt đã tuyên. Riêng trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt lại phạm tội mới nên bị xét xử và tuyên hình phạt mới, thì cơ sở để tổng hợp hình phạt là phần còn lại của hình phạt cũ và hình phạt mới. Việc tổng hợp hình phạt có thể theo các nguyên tắc sau: nguyên tắc thu hút - nguyên tắc cho phép lấy hình phạt nặng nhất là hình phạt chung [hình phạt nặng nhất thu hút các hình phạt khác]; nguyên tắc cộng một phần - nguyên tắc cho phép cộng hình phạt cao nhất với một phần hình phạt còn lại thành hình phạt chung; nguyên tắc cộng toàn bộ - nguyên tắc cho phép cộng toàn bộ các hình phạt để có hình phạt chung và nguyên tắc cùng tồn tại - tức là khi không áp dụng được ba nguyên tắc trên thì có nghĩa là không có tổng hợp hình phạt thành hình phạt chung mà các hình phạt phải được cùng chấp hành, ví dụ như hình phạt trục xuất và hình phạt tiền không thể tổng hợp được với các hình phạt khác.

1.2. Tổng hợp hình phạt của nhiều tội theo quy định tại Điều 50 BLHS

Là trường hợp một người đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội hoặc chỉ thực hiện một hành vi phạm tội nhưng đã thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau và bị xét xử cùng một lần về các tội phạm đó. Như vậy, có hai trường hợp phạm nhiều tội: [i] trường hợp người bị kết án có nhiều hành vi phạm tội khác nhau và mỗi hành vi cấu thành một tội riêng. Các hành vi phạm tội này có thể liên quan với nhau [được thực hiện để đạt cùng mục đích] hoặc không có liên quan với nhau [được thực hiện nhằm các mục đích khác nhau]; [ii] trường hợp người bị kết án thực hiện một hành vi phạm tội nhưng hành vi này lại cấu thành nhiều tội khác nhau[3].

Khi xét xử người phạm nhiều tội, tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội theo quy định chung về các căn cứ quyết định hình phạt đã nêu trên, sau đó tổng hợp các hình phạt đó để có được hình phạt chung theo các quy định sau:

- Đối với hình phạt chính: Nếu các hình phạt chính đã tuyên là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với cải tạo không giam giữ và không quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn; nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung; nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân hoặc tử hình thì hình phạt chung là tù chung thân hoặc tử hình; phạt tiền, trục xuất không được tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung.

- Đối với hình phạt bổ sung: Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do BLHS quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung; nếu hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các loại hình phạt đã tuyên.

Các quy định về tổng hợp hình phạt đối với nhiều tội như đã nêu trên được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa các nguyên tắc chung là: cộng toàn bộ, cộng một phần, thu hút và cùng tồn tại[4]. Như vậy, tổng hợp hình phạt đối với nhiều tội là một trong những trường hợp đặc biệt của quyết định hình phạt, nên ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung về căn cứ quyết định hình phạt đối với từng hành vi phạm tội, Tòa án còn phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 50 BLHS về tổng hợp hình phạt cùng loại, hình phạt khác loại, hình phạt chính, hình phạt bổ sung của nhiều hành vi phạm tội được xét xử trong cùng một lần để đưa ra phán quyết chung của bản án đối với người phạm nhiều tội. Việc xây dựng những nguyên tắc chặt chẽ về tổng hợp hình phạt đối với nhiều tội là nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế XHCN để mọi hành vi phạm tội đều phải gánh chịu trách nhiệm hình sự [TNHS] là loại và mức hình phạt tương xứng.

TNHS được áp dụng đối với hành vi phạm tội này không thể thay thế cho hành vi phạm tội kia của một người khi họ thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau hoặc một hành vi nhưng thỏa mãn cấu thành tội phạm của nhiều tội khác nhau. Điều này có nghĩa là, nếu nhiều hành vi khách quan đã cấu thành nhiều tội khác nhau hoặc một hành vi khách quan thỏa mãn cấu thành nhiều tội danh độc lập, thì mỗi tội danh đó phải chịu TNHS độc lập trong phạm vi khung chế tài của điều luật về tội phạm cụ thể quy định. Song vì các hành vi phạm tội khác nhau này được xét xử trong cùng một lần, nên TNHS của tất cả các hành vi phạm tội phải được tổng hợp lại thành hình phạt chung của bản án đối với người bị kết án. Mặt khác, nguyên tắc này cũng nhằm bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội, tránh việc lạm quyền của Tòa án khi quyết định hình phạt đối với người bị kết án trong trường hợp họ phạm nhiều tội.

1.3. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

Về bản chất, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án cũng là một dạng của quyết định hình phạt trong trường hợp đặc biệt và căn nguyên của nó cũng là do người bị kết án đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, các hành vi đó đã được xét xử ở những thời điểm khác nhau và hình phạt đã được tuyên ở các bản án khác nhau. Do đó, về nguyên tắc và cách thức thực hiện có phần khác so với tổng hợp hình phạt của nhiều tội vì tổng hợp hình phạt của bản án thường có khoảng cách về thời gian hoặc ở nhiều địa phương khác nhau, giữa các bản án đã có hiệu lực pháp luật chưa chấp hành hoặc đang chấp hành. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo quy định tại Điều 51 BLHS gồm có những trường hợp sau:

Thứ nhất, người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung trên cơ sở hình phạt của hai bản án theo quy định tại Điều 50 BLHS. Thời gian đã chấp hành của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Ở trường hợp này, sau khi quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, Tòa án cũng tiến hành tổng hợp hình phạt của nhiều tội theo quy định tại Điều 50 BLHS về tổng hợp hình phạt cùng loại, hình phạt khác loại [nếu có] thành hình phạt chung rồi trừ đi thời hạn đã chấp hành của bản án trước và tính phần hình phạt chung còn lại phải chấp hành. Như vậy, sau khi cộng hình phạt chung [cùng loại hoặc khác loại có thể quy đổi được] của hai bản án rồi Tòa án mới trừ đi thời hạn đã chấp hành của bản án trước để tính phần hình phạt chung còn lại.

Thứ hai, người đang chấp hành án lại bị xét xử về tội đã phạm sau khi có bản án này thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định của Điều 50 BLHS. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội mới, rồi cộng với phần hình phạt còn lại chưa chấp hành của bản án trước [sau khi trừ đi thời hạn đã chấp hành của bản án trước] theo quy định tại Điều 50 về tổng hợp hình phạt của nhiều tội.

Thứ ba, người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp các bản án. Tùy từng trường hợp cụ thể mà Chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 BLHS. Đối với những trường hợp này, người có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao [TANDTC], Viện kiểm sát nhân dân tối cao [VKSNDTC] hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Theo đó:

- Các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Tòa án thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

- Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp [cùng cấp huyện trong cùng một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu], thì Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng [về mặt thời gian] ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án cấp huyện khác nhau [trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh], thì Chánh án Tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án quân sự khu vực khác nhau [trong cùng một quân khu hay khác quân khu], thì Chánh án Tòa án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các Tòa án cấp tỉnh hoặc đều là của các Tòa án quân sự cấp quân khu, thì Chánh án Tòa án cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.

- Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

- Trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật, có bản án của Tòa án nhân dân, có bản án của Tòa án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp và trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp, như: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của Tòa án cấp huyện và của Tòa án quân sự khu vực hoặc là của Tòa án cấp tỉnh và của Tòa án quân sự cấp quân khu, thì Chánh án Tòa án đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án khác nhau và khác cấp, thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

- Trường hợp trong số bản án đã có hiệu lực pháp luật, có bản án là của Tòa án nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của Tòa án Việt Nam thì Chánh án TANDTC ra quyết định tổng hợp hình phạt.

Các quy định trên cho thấy, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được thực hiện theo những cách thức khác nhau do thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, cách thức tổng hợp cũng có những ảnh hưởng nhất định đến TNHS của người bị kết án. Cụ thể, ở trường hợp thứ nhất người đang chấp hành một bản án lại bị xét xử về một hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi có bản án này sẽ có lợi hơn so với trường hợp thứ hai. Bởi lẽ, trường hợp này tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử rồi tổng hợp hình phạt chung trên cơ sở hình phạt của hai bản án mà theo quy định tại Điều 50 BLHS thì hình phạt chung không được quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn, sau khi cộng để tổng hợp theo quy định của Điều 50 BLHS rồi mới trừ đi phần hình phạt đã chấp hành của bản án trước để tính thời hạn còn lại của hình phạt chung. Còn đối với trường hợp thứ hai, người bị kết án sẽ gặp bất lợi hơn vì sau khi trừ đi phần hình phạt đã chấp hành của bản án trước, tòa án mới tổng hợp hình phạt chung giữa hai bản án theo quy định tại Điều 50 BLHS - hình phạt chung không được vượt quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Rõ ràng trong trường hợp này, người bị kết án gặp bất lợi hơn, điều này cho thấy chế tài hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước và sau khi có bản án đang chấp hành là khác nhau, trong đó hành vi phạm tội thực hiện sau khi có bản án đang phải chấp hành phải chịu chế tài hình sự nghiêm khắc hơn so với hành vi phạm tội thực hiện trước khi có bản án đang chấp hành.

2. Tổng hợp hình phạt qua thực tiễn xét xử

Nghiên cứu những quy định về tổng hợp hình phạt cho thấy, về cơ bản BLHS đã quy định rõ ràng, tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện việc tổng hợp hình phạt của nhiều tội hoặc của nhiều bản án trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc tổng hợp hình phạt trong các vụ án hình sự còn xảy ra những vi phạm nghiêm trọng xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án và những quy định đúng đắn của BLHS. Trong những năm gần đây, số bản án bị TANDTC và VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm do vi phạm nghiêm trọng về tổng hợp hình phạt vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm. Điều đó cho thấy những vi phạm về tổng hợp hình phạt còn xảy ra phổ biến, với mức độ nghiêm trọng, đấy là chưa kể đến những vi phạm chưa được phát hiện để kháng nghị kịp thời hoặc có vi phạm khi được phát hiện thì người bị kết án đã thi hành xong bản án đó. Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2103, TANDTC và VKSNDTC đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 347 vụ/521 bị cáo[5] thì có 58 vụ/76 bị cáo [chiếm 16,8% số vụ và 14,6% số bị cáo] kháng nghị với nội dung hủy bản án có hiệu lực pháp luật để tổng hợp hình phạt lại cho đúng quy định của pháp luật hình sự. Tính riêng trong hai năm 2012 - 2013, TANDTC và VKSNDTC đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 88 vụ/143 bị cáo thì có 30 vụ/41 bị cáo [chiếm 29,4% số vụ và 28,6% số bị cáo] kháng nghị về tổng hợp hình phạt. Theo nội dung các kháng nghị giám đốc thẩm đối với những bản án có vi phạm về tổng hợp hình phạt thì Tòa án thường mắc phải những dạng vi phạm sau:

- Khi xét xử và quyết định hình phạt đối với một người về một tội phạm được thực hiện trước hoặc sau khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật và người bị kết án chưa chấp hành bản án đó nhưng Tòa án lại không tổng hợp hình phạt của bản án đó[6].

- Có bản án đã có hiệu lực pháp luật, chưa được chấp hành nhưng không được Tòa án tổng hợp ở những lần xét xử sau về một tội phạm khác, trong khi có bản án lại bị tổng hợp nhiều lần [ít nhất là hai lần], đây là dạng vi phạm phổ biến nhất, chiếm đến 60% trong số vụ và bị cáo kháng nghị giám đốc thẩm về tổng hợp hình phạt. Cụ thể, trong số 36 vụ/38 bị cáo bị kháng nghị giám đốc thẩm về tổng hợp hình phạt thì có đến 21 vụ/22 bị cáo rơi vào các trường hợp trên. Dạng vi phạm này vừa xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án, vừa vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc pháp chế trong xét xử hình sự[7].

- Tổng hợp với bản án đã được thi hành xong đối với trường hợp bị cáo được hưởng án treo, phạm tội mới sau khi đã hết thời gian thử thách nhưng khi xét xử tội mới, Tòa án lại cho rằng bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách nên khi xét xử và quyết định hình phạt đối với tội mới, Tòa án đã tổng hợp với phần hình phạt của bản án mà bị cáo được hưởng án treo và đã hết thời gian thử thách. Đây cũng là dạng vi phạm khá phổ biến khi Tòa án tiến hành tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án, vi phạm pháp luật hình sự về quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt[8].

- Tổng hợp với bản án chưa có hiệu lực pháp luật, tổng hợp không hết cáchình phạt của bản án đã có hiệu lực pháp luật và áp dụng sai điều luật khi tổng hợp hình phạt. Việc tổng hợp hình phạt đối với bản án chưa có hiệu lực pháp luật là vi phạm nghiêm trọng luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Vì theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì coi như bị cáo chưa bị kết tội về tội phạm đó nhưng Tòa án vẫn tiến hành tổng hợp là xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo[9].

- Bản án có hiệu lực pháp luật đã thi hành xong nhưng Tòa án vẫn tổng hợp vào hình phạt chung của bản án sau, dẫn đến tình trạng người bị kết án phải chấp hành hai lần đối với một bản án nếu vi phạm này không được phát hiện kịp thời.

- Tổng hợp không đúng giữa các loại hình phạt của các bản án khác nhau nên bản án không thi hành được.

- Tổng hợp không đúng cách thức trong khi thời điểm thực hiện hành vi phạm tội khác nhau, cụ thể tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS [khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới] nhưng lại tổng hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS [người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này]. Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 BLHS thì tổng hợp hình phạt theo khoản 2 sẽ bất lợi hơn so với khoản 1 như đã phân tích ở trên nên việc áp dụng sai giữa hai trường hợp này sẽ dẫn đến cơ chế tổng hợp khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ TNHS của người bị kết án.

- Trong thời gian thử thách của án treo, bị cáo lại phạm tội mới nhưng khi xét xử tội phạm mới, Tòa án không tổng hợp với phần hình phạt của bản án mà bị cáo được hưởng án treo theo quy định tại khoản 5 Điều 60 BLHS.

Những dạng vi phạm về tổng hợp hình phạt trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự cho thấy, mặc dù những quy định của pháp luật hình sự về tổng hợp hình phạt là tương đối đầy đủ và chặt chẽ cả về nội dung cũng như hình thức, nhưng quá trình áp dụng các quy định đó đã không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, thậm chí cả những vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử các vụ án hình sự nói chung. Do đó, để khắc phục những hạn chế, tồn tại và vi phạm nói trên thì việc nghiên cứu, thực hiện những kiến nghị, giải pháp sau là hết sức cần thiết:

Một là, thiết lập cơ chế pháp lý để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa trong hoạt động xét xử hình sự.

Kinh nghiệm cải cách tư pháp của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng các hoạt động tố tụng hình sự là phải gắn trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng với các quyết định tố tụng của họ[10]. Xuất phát từ kinh nghiệm đó, việc ban hành riêng hoặc lồng ghép trong các văn bản pháp luật liên quan những quy định pháp lý gắn trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nếu việc tổng hợp hình phạt sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bởi lẽ, những vi phạm này cũng là một trong những yếu tố cản trở các hoạt động cải cách tư pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử nói chung và xét xử hình sự nói riêng. Do đó, cần rà soát, kiện toàn, bổ sung các quy định pháp luật nhằm gắn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên đối với các sai phạm, thiếu sót trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp tố tụng và giữa cơ quan tố tụng hình sự ở các tỉnh, thành khác nhau.

Hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm những năm qua cho thấy, diễn biến của tội phạm ngày càng phức tạp, được thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau nên việc phát hiện, điều tra, xử lý cũng được thực hiện bởi cơ quan tố tụng của nhiều tỉnh, thành khác nhau. Do vậy, việc xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp tố tụng, các ngành tố tụng và hệ thống cơ quan tố tụng ở các tỉnh thành khác nhau là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động xét xử hình sự nói chung và tổng hợp hình phạt nói riêng. Bởi lẽ, khảo sát thực tiễn về tổng hợp hình phạt cho thấy, hầu hết các trường hợp tổng hợp hình phạt sai là do các bản án được xét xử ở nhiều tòa án cấp huyện của các tỉnh khác nhau và tòa án cấp tỉnh ở các địa phương khác nhau, trong khi hoạt động phối hợp giữa các cơ quan này chưa được tiến hành thường xuyên, nhất là hoạt động sao, cấp, trích lục tiền án là một việc làm rất cần thiết để tổng hợp chính xác, đầy đủ hình phạt của nhiều bản án, đồng thời cũng chưa có văn bản cụ thể có giá trị pháp lý điều chỉnh hoạt động này. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những văn bản pháp lý để điều chỉnh hoạt động phối hợp này là một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất những sai phạm, thiếu sót về tổng hợp hình phạt trong vụ án hình sự.

Ba là, kiện toàn và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn pháp luật về tổng hợp hình phạt trong vụ án hình sự.

Theo BLHS hiện hành thì tổng hợp hình phạt trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 50, 51, bao gồm tổng hợp hình phạt của nhiều tội và tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Mặc dù, các quy định trong hai điều luật trên cũng khá rõ ràng về cách thức tổng hợp hình phạt của nhiều tội và nhiều bản án, song trên thực tiễn lại xảy ra những trường hợp rất khó vận dụng các quy định này, hơn nữa, từ khi có BLHS năm 1986 đến nay mới chỉ có một văn bản hướng dẫn về tổng hợp hình phạt là Thông tư liên ngành số 02/TTLN/VKSNDTC-TANDTC ngày 20/12/1991 của TANDTC và VKSNDTC. Cho đến nay, BLHS năm 1986 đã được sửa đổi, bổ sung hai lần nhưng Thông tư này vẫn được áp dụng và chưa có văn bản thay thế. Xét tính chất liên kết tổng thể trong hệ thống các văn bản pháp luật, cần thiết phải ban hành văn bản mới để hướng dẫn đầy đủ hơn, chi tiết hơn các quy định về tổng hợp hình phạt, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Tòa án tổng hợp hình phạt đúng và đầy đủ, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án cũng như đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế trong xét xử hình sự.

Bốn là, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên

Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Kiểm sát viên là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử và kiểm sát xét xử hình sự. Trong số nguyên nhân dẫn đến các vi phạm, thiếu sót về tổng hợp hình phạt, không thể không kể đến những hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, vì những hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự đúng đắn trong nhận thức và áp dụng pháp luật cũng như khả năng đánh giá, tổng hợp hình phạt của các bản án hình sự. Vì vậy, việc đầu tư, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các chủ thể này dưới các hình thức như: đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm xét xử... là hết sức cần thiết, nhằm đưa ra những giải pháp thống nhất, đồng bộ để khắc phục và hạn chế những vi phạm, thiếu sót về tổng hợp hình phạt trong vụ án hình sự.

Tổng hợp hình phạt tuy không phải là việc làm thường xuyên trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự của Tòa án[11] nhưng việc thực hiện nó chính xác, đúng pháp luật lại có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo chất lượng xét xử hình sự./.

[1] Trường hợp này được gọi là tổng hợp hình phạt của nhiều tội

[2] Trường hợp này được gọi là tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

[3] Xem luật hình sự Việt Nam- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CAND, H. 1997, tr.75

[4]Xem Từ điển Giải thích thuật ngữ luật học- Phần luật hình sự- Nxb CAND, H.1999.

[5] Theo thống kê xét xử giám đốc thẩm của Tòa hình sự TANDTC; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử VKSNDTC.

[6] Chẳng hạn như vụ Võ Minh Chiến phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ở tỉnh Cà Mau; vụ Phạm Hùng Chiến phạm tội "Trộm cắp tài sản" ở tỉnh Vĩnh Long; vụ Nguyễn Tiến Công phạm tội "Trộm cắp tài sản" ở tỉnh Hà Nam, vụ Nguyễn Quang Trung phạm tội "Chống người thi hành công vụ" ở tỉnh Phú Yên, vụ Trần Thị Liên phạm tội "Trộm cắp tài sản"ở các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội…

[7] Trong số các bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm về dạng vi phạm này thì có một số vụ điển hình như: vụ Vũ Quốc Hội phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ở Hà Nội; vụ Bùi Khắc Duy phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" ở tỉnh Quảng Ninh, vụ Vũ Minh Tuấn phạm tội "Giết người" ở tỉnh Quảng Ninh, vụ Phạm Thị Hương Giang phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" ở Hà Nội…

[8] Chẳng hạn như vụ Lộc Thị Huệ phạm tội " Bắt giữ người trái pháp luật" ở tỉnh Lạng Sơn, vụ Nguyễn Xuân Chính phạm tội " Mua bán phụ nữ" ở Hà Nội…

[9] Bởi lẽ, có không ít bản án chưa có hiệu lực pháp luật [ thường là án sơ thẩm] sẽ bị cấp phúc hủy hoặc cải sửa do có kháng cáo hoặc kháng nghị đúng căn cứ luật định nên việc tổng hợp hình phạt của những bản án đó là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự, vì nếu bản án đó bị hủy hoặc bị cải sửa về phần TNHS của người bị kết án thì hình phạt đó sẽ bị thay đổi, do đó không thể tổng hợp hình phạt của bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

[10] Một trong những minh chứng rõ ràng là sự ra đời củaNghị quyết số 388 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và sau này sự là ra đời của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì tỷ lệ oan sai trong tố tụng hình sự ở Việt Nam đã giảm đi rất đáng kể.

[11] Vì nó chỉ được thực hiệnkhi Tòa án xét xử đối với người phạm nhiều tội được xét xử trong cùng một lần và những người phạm nhiều tội nhưng được xét xử ở những thời điểm khác nhau bởi những tòa án khác nhau.

[Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 13[269], tháng 7/2014]

Video liên quan

Chủ Đề