Trình bày suy nghĩ thế nào là con ngoan trò giỏi

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai

Đạo diễn, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn bảo vệ khái niệm “con ngoan trò giỏi” như những giá trị văn hóa và nhân bản

//vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/trao-doi-voi-gs-ts-tran-ngoc-them-ve-triet-ly-giao-duc-cua-to-tien

Bài này chỉ xin bàn về khía cạnh giáo dục. 

Giỏi và ngoan?

 “Giỏi” và “ngoan” là hai tĩnh từ dùng cho một trẻ biết hấp thụ hoàn toàn – ở đây là hấp thụ chứ không phải là tiếp cận – những tri thức mà nhà trường truyền cho, những nguyên tắc luật lệ mà gia đình rèn dạy chúng.

Hấp thụ, tiếp thu, nằm lòng,… là những công việc mà gia đình và trường học chờ đợi ở trẻ. Để đạt đến mục tiêu ấy, các hệ thống quyền lực ở trường, ở nhà, được tổ chức và áp dụng: quyền của cha mẹ, quyền của thầy, kỷ luật, nếp nhà, …

Kết quả là trẻ bị lệ thuộc vào hệ thống thưởng phạt và chế tài của trường học và gia đình. Học sinh tiên tiến, con ngoan, … một bên, để vinh danh những cá nhân biết tuân thủ. Còn bên kia là những hình phạt, kể cả việc xâm phạm vẹn tròn thân thể của trẻ, khi chúng đi … lệch – mà đúng chuẩn hay lệch chuẩn đều do …người lớn quyết định.

Giáo dục thành một cách đổ vừa khuôn – đòi hỏi trẻ phải hoàn toàn thích ứng với luật và lệ, những “mẫu” của xã hội.

 Thế nào là một trò giỏi?

Đối với nhiều người, một trò giỏi, thành công ở trường, là một trẻ “trả bài” gần như nguyên văn những gì thầy dạy trong các kỳ thi dựa trên kiểm soát thuộc lòng, từ chương.

Thời “lều chõng”, sách thánh hiền bất di bất dịch, thì kiểm soát khả năng trả bài là như bình thường. Hiện nay, khoa học thay đổi từng ngày, xã hội cũng thay đổi nữa. Dạy trò là phải chuẩn bị chúng cho tương lai nên đánh giá – trả bài thành …lỗi thời.

Trong đánh giá các kiến thức, giáo dục phân loại

            . đánh giá khả năng trả bài

            . đánh giá kkhả năng ứng dụng

            . đánh giá khả năng biết làm

            . đánh giá khả năng biết sống

            . đánh giá khả năng biết trở thành, biết ứng xử trước thay đổi

Khả năng trả bài là kết quả thấp nhất của đào tạo. Còn khả năng biết trở thành là kết quả cao nhất – để đi tới kết quả này, giáo viên dựa trên bản thể của trẻ, giúp trẻ làm quen thêm vốn tri thức, biến các hiểu biết này thành khả năng ứng dụng  – ta gọi là kỹ năng – để từ đó biết xoay sở đối mặt với mọi tình huống.

Hiện các kỳ thi bên ta, đa phần, còn áp dụng hình thức “kiểm soát khả năng trả bài” trong khi nhiều nơi trên thế giới  dùng “đánh giá khả năng biết trở thành”. Điển hình là môn Triết học ở kỳ thi Tú Tài của Pháp.

Ông Nguyên Ngọc có viết một bài bình luận sâu sắc về kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Pháp mà kết quả là những trò biết … làm người đi vững vàng trên hai chân mình với cái đầu trên hai vai.

 //www.thesaigontimes.vn/156031/Dai-chung-hay-tinh-hoa.html

 Học trò giỏi còn dựa trên một phương thức sư phạm thứ nhì: xếp hạng. Tức là bên cạnh các trò giỏi có các trò kém. Bên cạnh các trò thông minh thì có các em … chậm hiểu, khó khai tâm, ngồi nhầm lớp, …

Nhiều nhà giáo, từ nửa thế kỷ nay, cặm cụi chống việc chấm điểm xếp hạng và cách phân biệt “trò khôn – trò ngu”. Đúng ra, khi trẻ có vấn đề ở trường thì phải tìm xem các nguyên nhân của vấn đề:  nguyên nhân tâm sinh lý, nguyên nhân xã hội, nguyên nhân sư phạm – có thể chương trình và phương pháp dạy không thích hợp với chúng chẳng hạn – rồi tìm cách giải quyết.

Các nước như Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, … đã và đang làm như thế với học trò của họ. Chứ họ không bắt trò phải vào khuôn và đổ hoàn toàn trách nhiệm trên đầu chúng khi chúng không thành công, khi chúng không trả lời đúng chờ đợi của thầy.

Cách đánh giá – trả bài và chấm điểm xếp hạng hiện không còn giá trị và từ đó kéo theo sự lỗi thời của khái niệm “trò giỏi”.

Con ngoan là đứa trẻ áp dụng tất cả những gì mà cha mẹ truyền cho như phép nhà, như lễ giáo. Tuân thủ chứ không phê bình. Phận làm con còn có trách nhiệm thực hiện những ước vọng hay cao vọng của gia đình – để được xem như là ngoan, là có hiếu.

Gia đình là tác nhân đầu tiên đóng vai trò xã hội hóa trẻ – một vai trò rất là quan trọng. Trước khi chào đời trẻ chỉ là một vật thể sinh học. Nhờ gia đình chúng thành  một  sinh vật  có khả năng sống trong xã hội, biết trọng trên nhường dưới, biết phép tắc ở đời. Những luật lệ xã hội căn bản, trẻ  “tập tành” trong bối cảnh của gia đình – nhờ được yêu thương, chúng “học” những điều đó rất nhanh và rất tốt.

Gia đình ghi dấu hằn trên bản thể của trẻ là như thế.

Gia đình truyền thống Việt Nam, một phần là do ảnh hưởng của Nho giáo, ràng buộc trẻ nhiều – con ngoan là con ứng xử đúng như ông bà và cha mẹ chờ đợi.

Trẻ còn được dạy là phải … mang ơn công cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng.

Cách dạy con truyền thống như thế có thể hiểu được khi kinh nghiệm sống còn là trí khôn của nhân loại, khi xã hội nhà nông ít hay đổi và nhất là vì tâm lý nhi đồng chưa được được bàn đến và quyền của trẻ chưa được để ý.

Tuy nhiên,  ít nhất là từ ba mươi năm nay, trên thế giới có nhiều thay đổi. cha mẹ không còn độc quyền nắm giữ tri thức hay sự khôn ngoan ở đời để ”uốn nắn” con thế nào cũng được hay bắt con tuân thủ nếp nhà.

Con ngoan cũng thành một khái niệm … lỗi thời.

Cha mẹ đòi con “ngoan” và tái tạo lại những nề nếp qui củ y như  những giá trị của quá khứ thì làm sao con cái thích ứng được với hoàn cảnh của toàn cầu hóa, của cách mạng tin học thời 2.0 hay thậm chí 4.0 ?

Dĩ nhiên, không phải vì những lý do kể trên mà vứt qua cửa sổ tất cả những giá trị truyền thống.

Liên hệ xã hội dựa trên những giá trị đạo đức nhân bản, tôn trọng người đối diện, đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân, …những giá trị đó không ai phản đối. Nhưng cũng cần tôn trọng bản thể của trẻ chứ không thể bắt chúng cất cái riêng tư vào ngăn kéo để hi sinh mình cho người lớn, để … ngoan.

Bồi dưỡng bản thể của trẻ, có lúc cho phép chúng … thiếu ngoan, tức là vun trồng khả năng để chúng có thể đối mặt với những bất định và tính đa diện của xã hội hiện thời. Dạy để chúng tự lập.

Giỏi” và “ngoan” dưới góc nhìn tâm thần học

Có người nói: “ảnh hưởng sự gò ép vào khuôn khổ của học đường chỉ được phát hiện rất trể – có khi cả ba mươi năm sau –  trên cái ghế dài của nhà phân tâm học”.

Đó là một cách khôi hài, nhưng không xa thực tế.

Một trò bị xem như “đèn đỏ của lớp” – vì em học kém – hay bị mệnh danh là “cô rùa” – vì em làm bài chậm – , … tức là không “giỏi” trong mắt thầy, cái ám ảnh này sẽ theo trò ấy suốt đời : mất tự tin, không dám lập nghiệp, mặc cảm tự ti, …

Ngay đến trong gia đình, nhiều trẻ được giáo dục với đầy cấm kỵ : không được làm điều này, không được nói điều kia, … Lắm khi trẻ “ngoan” vì không có lựa chọn nào khác.

Và những “đè nén”, “khó thở” trong gia đình có thể là nguyên nhân cho những khó khăn mà chúng gặp phải trên đường đời khi trưởng thành sau này. Thí dụ điển hình là sự tự giới hạn trong sự nghiệp [vì cá nhân ấy vốn… cần có sếp để vâng lời! Cứ như hình ảnh “vĩ đại” của người cha vẫn còn ám ảnh].

Nhà phân tâm học cũng sẽ nói: những phụ nữ sẳn sàng đưa chân đi lấy chồng ngoại quốc để gửi tiền về giúp cha mẹ để đáp hiếu, để đổi đời, … là một trong những kết quả của cách giáo dục “gieo mặc cảm cho con”, bắt con phải hi sinh mới “trọn đạo”.

Đó là chưa nói đến những cách “trốn luật” hay “thoát luật” mà trẻ nào cũng có thể sáng chế để chống lại sự áp đảo,  đè nén, khó thở, … của kỷ luật trong gia đình hay ở trường – bạo lực của giới trẻ, tự tử của người trẻ, đi hoang hay phạm tội lúc còn vị thành niên, … là ngôn ngữ của những phản ứng thuộc vào loại này.

Yêu cầu “trò giỏi, con ngoan” và xung đột giữa các “mẫu” văn hóa

Một cách ngắn gọn “mẫu” ở đây là cách suy nghĩ hành xử, bậc thang giá trị, …

Có những văn hóa trọng tôn ti trật tự, văn hóa gia đình truyền thống chẳng hạn. Có văn hóa khác đề cao sự tự do cá nhân, nhóm những người tranh đấu cho nữ quyền là một thí dụ. Có những sách báo phim truyện lại cho những mẫu thực dụng, lấy vật chất làm tiêu chỉ, …

Gia đình và trường học không là những diễn viên duy nhất dạy hay xã hội hóa trẻ. Trẻ còn chịu ảnh hưởng của bạn bè, các nhóm chính trị tôn giáo xã hội mà trẻ có dịp tiếp xúc và nhất là các phương tiện truyền thông [sách vở, báo chí, phim ảnh, internet, …].

Một trẻ có bản lĩnh, đã được rèn tính sáng tạo, được dạy tự lập thì sẽ không có vấn đề khi phải  lựa chọn giữa các “mẫu” khác nhau, sẽ suy nghĩ để chọn lựa cách hành xử thích hợp nhất cho mình.

Trái lại, nếu không được chuẩn bị, nếu chỉ biết thụ động tuân thủ, trẻ có thể tiếp tục tuân thủ các mẫu hành xử khác, vì không quen suy nghĩ đắn đo, vì xem đó như một cách để thoát ràng buộc, …

Dạy con tự lập

Tuyên ngôn về quyền của trẻ em, Liên Hiệp Quốc, 1959, bắt đầu bằng câu: Trẻ cần tình yêu thương và cảm thông để có thể hạnh phúc trong sự phát triển của bản thể chúng.

Phát triển bản thể của chúng chứ không thành con ngoan.

Hơn nửa thế kỷ nay, nhiều nhà giáo, nhà tâm lý xã hội học, … nghiên cứu về vấn đề tâm lý trẻ đề nghị những phương thức để giáo dục chúng mà không cần đến bạo lực hay áp đặt. Thương thuyết, lý luận, giải thích, … để trẻ hiểu, đồng tình và tự thay đổi, … là phương thức được đưa ra.

Françoise Dolto, người điển hình của trường phái giáo dục bình đẳng, bảo rằng phải tôn trọng trẻ như một chủ thể. Cha mẹ ở đó như những người đồng hành giúp trẻ khám phá thế giới, vũ trụ và tự khám phá mình.

Giáo dục là một giáo dục dân chủ chứ không giáo dục để cho vào qui cũ. Trẻ không phải vâng lời người lớn. Mà phải làm sao cho trẻ tìm được những phương thức  thích hợp nhất để phát triển và từ đó mà trưởng thành.

Vì trẻ là một đối tác ngang hàng, một đối tác mà người lớn phải kính trọng. Có được kính trọng trẻ mới hình thành được bản thể của mình một cách độc lập và từ đó trẻ sẽ tự lập tốt nhất, sớm nhất.

Trường học trong đường hướng đó ?

Trào lưu thế giới hiện rất rõ: học để phát triển, học để sống với người khác, học để hạnh phúc.

Học để tự biết mình là ai, không giống anh giống chị hay giống người láng giềng.

Lại càng không giống theo mẫu mà sách báo, internet, …  vẽ ra.

Trẻ đi tìm cái định nghĩa của “cái tôi” và cố gắng phát triển cái tôi ấy để viết lên chuyện đời của mình.

Tức là trường học không còn chủ yếu dựa trên kỷ luật và chương trình học.

Các môn học chỉ là những phương tiện mà trò dùng để học làm người có tri thức chứ không phải người dốt nát.

Như thế, ta không cần phải đào tạo những trò giỏi hay trò ngoan.

Kết luận: Quyền của trẻ và quyền của người đi học

Ngắn gọn, năm điều cần nhắc lại:

. Giữa thế kỷ thứ XX, Philippe Perrenoud, rồi Jean Thérer, bàn về quyền của người đi học.

. Bàng bạc qua các lý thuyết giáo dục hiện nay, một khái niệm nổi bật: trao quyền cho trò – trò đóng vai tích cực chủ động trong quá trình học, trong tiếp cận tri thức, trò làm chủ tri thức để phát triển, để khẳng định bản thể của mình.

. Đánh giá ở trường thành đánh giá – đào tạo chứ không còn là đánh giá – chế tài.

. Công ước quốc tế “Quyền của trẻ em” cũng chào đời vào năm 1989, Việt Nam là nước thứ nhì phê chuẩn công ước này.

Dĩ nhiên, công ước này chỉ bàn đến những điều rất tổng quát, nhưng ít nhất văn bản này chính thức thừa nhận sự hiện hữu của trẻ như những cá thể độc lập với gia đình.

. Đồng thời, tâm lý học nhi đồng, Y khoa và nhất là Thần kinh học Nhi đồng đã tiến triển rất nhiều và cho ta thấy những tác hại có thể của những cách giáo dục trẻ đầy áp đặt.

Có lẻ đã đến lúc phải xem lại khái niệm “con ngoan trò giỏi” để “giải phóng” cho trẻ và để đào tạo những thế hệ tương lai tự tin tiến bước trên đường đời.

Tác giả: Nguyễn Huỳnh Mai [Xem trang nhà: //huynhmai.org/ ]

Có thể đọc thêm:

. Về cách thức chấm điểm học trò

//huynhmai.org/2013/04/21/ban-ve-cach-thuc-cham-diem-hoc-tro/

. Về trò giỏi trò kém

//huynhmai.org/2013/05/02/chuyen-giao-duc-tro-gioi-va-tro-kem/

. Françoise Dolto viết rất nhiều về tâm lý và tâm thần học của trẻ em. Quyển này dễ tiếp cận : La cause des enfants. NXB Robert Lafont, 1985.

.Về quyền của người đi học, khái niệm trao quyền và quyền của trẻ em:

//huynhmai.org/2013/08/01/perrenoud-va-quyen-khong-xoa-bo-duoc-cua-nguoi-di-hoc/

Jean Therer và quyền của người đi học

//www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/khai-niem-trao-quyen

//fr.wikipedia.org/wiki/D%C3%A9claration_des_droits_de_l%27enfant

//en.wikipedia.org/wiki/Declaration_of_the_Rights_of_the_Child

//vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_v%E1%BB%81_Quy%E1%BB%81n_tr%E1%BA%BB_em

Video liên quan

Chủ Đề