Uống thuốc trước khi nội soi dạ dày

Người bệnh nên nhịn ăn ít nhất 6-8 tiếng, ngưng uống nước hai tiếng trước khi nội soi... và làm theo các chỉ thị của bác sĩ.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Bích Thủy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nội soi tiêu hóa là một trong những phương pháp hàng đầu giúp tầm soát, điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, phổ biến nhất là nội soi dạ dày và nội soi đại trực tràng. Muốn việc chẩn đoán chính xác và hạn chế các rủi ro trong quá trình nội soi, người bệnh cần phải thực hiện đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ trước khi nội soi tiêu hóa.

Nội soi tiêu hóa là gì?

Nội soi tiêu hóa là một thủ thuật chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi đưa vào đường tiêu hóa bệnh nhân để trực tiếp quan sát tổn thương bên trong đường tiêu hóa bằng hình ảnh, đánh giá và điều trị.
Nội soi tiêu hóa có thể phân thành nội soi đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày, tá tràng) và nội soi đường tiêu hóa dưới (đoạn cuối hồi tràng, đại tràng, trực tràng).

Ống soi là dụng cụ dạng dây mềm, kích thước nhỏ và dài, đầu ống soi có gắn nguồn chiếu sáng để soi sáng đoạn ống tiêu hóa cần khảo sát. Đồng thời, trên đầu ống soi có một camera thu hình ảnh, các hình ảnh này được đưa về một bộ vi xử lý và truyền lên màn hình có độ phân giải cao. Vì vậy, bác sĩ nội soi có thể thấy được các tổn thương trong lòng đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, trong lòng ống soi còn có một kênh dụng cụ, tức là một đường ống chạy dài suốt chiều dài ống soi, có thể đưa nhiều dụng cụ khác nhau thông qua đường ống này để thực hiện các thủ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh.

Với cấu tạo đó, thủ thuật nội soi sẽ giúp bác sĩ nhìn thấy trực tiếp tổn thương với hình ảnh rõ nét, có độ phóng đại và độ phân giải rất cao. Thông qua kênh dụng cụ, bác sĩ nội soi có thể đưa dụng cụ tiếp cận tổn thương, sinh thiết niêm mạc tìm vi khuẩn HP để lấy mẫu tổn thương làm giải phẫu bệnh lý. Điều này có nghĩa là quan sát mẫu tổn thương đó dưới kính hiển vi, quan sát mức độ tế bào giúp cho việc chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, với kênh dụng cụ này, bác sĩ nội soi có thể đưa các dụng cụ khác nhau, tiếp cận tổn thương và điều trị tổn thương đó bằng cách tiêm chích cầm máu, cắt polyp, lấy dị vật...

Nội soi tiêu hóa gồm nhiều thủ thuật khác nhau, với các ống soi và dụng cụ khác nhau tùy theo mục đích khảo sát.

Bác sĩ của Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa đang thực hiện nội soi dạ dày. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Hướng dẫn trước khi nội soi

Chế độ ăn

- Nhịn ăn ít nhất 6-8 tiếng trước khi nội soi.

- Nhịn uống nước hai tiếng trước khi nội soi. Không uống sữa hoặc nước có màu.

- Một ngày trước khi thực hiện nội soi, người bệnh có thể ăn cơm, cháo nhưng không nên ăn rau, chất xơ, các loại quả có hạt như dưa leo, thanh long, hạt vừng.

Làm sạch đại tràng

- Người bệnh nhịn ăn, pha ba gói thuốc nhuận tràng (thường dùng Fortran) vào ba lít nước lọc. Uống trước khi soi ít nhất 6 tiếng và ngưng uống nước 3-4 tiếng trước soi.

- Khi uống thuốc xổ, người bệnh sẽ đi tiêu rất nhiều lần. Do vậy, cần ở ngay cạnh nhà vệ sinh để tiện cho việc đi tiêu.

- Nếu bị nôn sau khi uống thuốc xổ, có thể ngừng uống 30-45 phút, sau đó tiếp tục uống lại.

- Nếu bị nôn ói liên tục nhiều lần, ngừng uống thuốc xổ và thông báo ngay cho bác sĩ.

- Nếu sau uống thuốc xổ bị đau bụng nhiều (thường kèm theo ói), người bệnh cần ngừng uống thuốc xổ ngay.

- Việc đi tiêu nhiều có thể gây cảm giác khó chịu và rát ở hậu môn. Người bệnh có thể dùng vaseline, thuốc mỡ tetracyclin hoặc bepanthen để thoa vào hậu môn.

Những lưu ý khác trước khi nội soi đại tràng

Khi đến bệnh viện:

- Sau khi nội soi, bệnh nhân không được lái xe vì tác dụng phụ của thuốc giảm đau và an thần. Do đó, khi đến bệnh viện nên đi cùng với người thân.

- Mang theo toa thuốc đang uống, các kết quả nội soi, siêu âm, điện tim, CT, xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào học đã có trước đây.

Các thuốc đang sử dụng hàng ngày:

- Trước khi nội soi, người bệnh cần dừng ngay các thuốc chống đông máu. Tùy loại thuốc đang sử dụng, thời gian cần ngừng thuốc từ một ngày đến hơn một tuần trước ngày nội soi. Việc ngừng thuốc phải được sự đồng ý của bác sĩ.

- Ngừng dùng các thuốc điều trị tiểu đường gồm cả insulin vào buổi sáng ngày nội soi.

- Ngừng dùng các thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Naproxen, Celecoxib, Diclofenac, Meloxicam và các thuốc bổ sung sắt 5 ngày trước ngày nội soi.

- Các thuốc trị bệnh cao huyết áp, tim mạch không phải thuốc chống đông máu sẽ tiếp tục được sử dụng.

Uống thuốc trước khi nội soi dạ dày

Một số loại thuốc điều trị cần phải tạm ngưng trước ngày nội soi. Ảnh: Shutterstock.

Hướng dẫn trước khi nội soi dạ dày

Chế độ ăn

- Không ăn bất kỳ thực phẩm nào, ít nhất 6-8 tiếng trước khi làm thủ thuật để dạ dày trống rỗng.

- Ngưng uống nước ít nhất hai tiếng (sữa hoặc thức uống có màu thì ngưng nước trên 4 tiếng).

Những lưu ý khác trước khi nội soi dạ dày

Các thuốc đang uống hàng ngày

- Hãy dùng thuốc thường dùng hàng ngày ít nhất ba tiếng trước khi nội soi.

- Đối với bệnh nhân đái tháo đường, cần ngưng insulin và các thuốc đái tháo đường dạng uống vào trước ngày nội soi.

- Không uống các thuốc chống axit dạ dày như Phosphalugel, Pepsane, Maalox... vào buổi sáng ngày đi nội soi. Bởi vì các thuốc này phủ một lớp bột trắng lên thành dạ dày khiến bác sĩ không thể nhìn thấy tổn thương.

- Không uống thuốc màu như xanh methylen (Mictasol blue), bởi vì thuốc này sẽ nhuộm xanh dạ dày khiến bác sĩ không quan sát được bên trong.

- Bệnh nhân sử dụng thuốc xịt cho chứng đau thắt ngực cần đem theo khi đến bệnh viện.

- Bệnh nhân hen suyễn nên mang theo thuốc hít trị hen khi đến nội soi.

- Ngoài ra, hãy mang theo toa thuốc hoặc danh sách chi tiết thuốc đang sử dụng.

Nếu phải làm xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori

- Ngưng thuốc kháng sinh 30 ngày; thuốc có chứa bismuth 14 ngày (Trymo, Pepto-Bismol); thuốc giảm tiết axit dạ dày nhóm ức chế bơm proton 14 ngày (Nexium, Losec, Rabeprazole, Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole); thuốc giảm tiết axit dạ dày nhóm kháng thụ thể H2 14 ngày (Zantac, Ranitidine, Famotidine, Cimetidine).

- Mang theo các kết quả nội soi, xét nghiệm tế bào học, siêu âm, điện tim, CT trước đây, nếu có.
Nếu nội soi có an thần (tiền mê), cần có người nhà đi theo để đưa về.

Những câu hỏi thường gặp về nội soi tiêu hóa

1. Nội soi tiêu hóa có đau không?

Theo bác sĩ Thủy, hiện có phương pháp nội soi không đau, tức là sẽ có một liều thuốc rất nhỏ được tiêm tĩnh mạch, để bệnh nhân có một giấc ngủ ngắn khoảng 5-10 phút. Thời gian này đủ để bác sĩ thực hiện thủ thuật nội soi mà bệnh nhân không hay biết và không có cảm giác khó chịu hay nôn ói. Sau đó, bệnh nhân sẽ tỉnh lại và trở về trạng thái bình thường.

Phương pháp nội soi không đau này giúp bệnh nhân tiếp cận thủ thuật nội soi một cách nhẹ nhàng, thoải mái, làm cho bệnh nhân không còn cảm giác lo sợ nội soi. Đồng thời, nó giúp bác sĩ có thể khảo sát kỹ hơn các bệnh lý. Bác sĩ Thủy cho biết, nội soi là cơ hội để phát hiện sớm các bệnh lý ở đường tiêu hóa.

2. Có phải người nào cũng có thể nội soi tiêu hóa?

Nội soi tiêu hóa được chỉ định và không được chỉ định cho các đối tượng cụ thể.

Những đối tượng có thể được chỉ định nội soi tiêu hóa bao gồm:

- Xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu Biermer hoặc thiếu máu không rõ nguyên nhân.

- Người bị đau thượng vị.

- Viêm loét dạ dày hoặc hành tá tràng.

- Ung thư dạ dày, polyp dạ dày.

- Hẹp môn vị.

- Bệnh Crohn.

- Bệnh viêm túi thừa.

- Tiền sử gia đình bị ung thư tiêu hóa.

- Hemoccult dương tính (máu ẩn trong phân).

- Tiêu chảy cấp tính, đi ngoài phân đen, rối loạn đại tiện.

- Các bệnh về đại trực tràng.

- Chẩn đoán những bất thường về tiêu hóa không rõ nguyên nhân.

- Kiểm tra định kỳ bệnh nhân polyp hoặc người được chỉ định cắt polyp.

- Lấy dị vật; giun chui ống mật.

- Cầm máu.

- Nong chỗ hẹp.

- Người đang điều trị bệnh manh tràng hoặc xoắn đại tràng.

- Soi đại tràng theo dõi trong quá trình điều trị hoặc soi kiểm tra định kỳ sau cắt polyp.

- Viêm đại tràng có loạn sản nặng hoặc ung thư đại trực tràng...

Những đối tượng không nên chỉ định nội soi tiêu hóa bao gồm:

- Suy tim nặng.

- Suy hô hấp nặng.

- Nhồi máu cơ tim cấp.

- Phồng giãn động mach chủ.

- Người có nguy cơ bị thủng thực quản trong quá trình nội soi. Ví dụ như bỏng thực quản do hóa chất, đang dùng thuốc có tác dụng làm hẹp thực quản.

- Đang bị ho nhiều.

- Bệnh xơ gan cổ trướng to.

- Người bị gù hoặc vẹo cột sống.

- Tụt huyết áp < 90/60 mmHg hoặc cao huyết áp.

- Người bị suy nhược hoặc quá già yếu.

- Người bị tâm thần và không thể phối hợp.

- Viêm phúc mạc.

- Người bị thủng đại tràng hoặc mới mổ đại tràng, tiểu khung.

- Bệnh lý túi thừa cấp tính.

- Tắc mạch phổi.

- Phụ nữ mang thai.

3. Tại sao không nên lái xe sau khi nội soi tiêu hóa?

Tác dụng phụ của các loại thuốc gây mê, thuốc an thần hoặc giảm đau có thể khiến người bệnh bị chóng mặt, hoa mắt, chân tay run hoặc yếu. Vì vậy, việc lái xe sau khi nội soi sẽ không đảm bảo an toàn. Do đó, bác sĩ Thủy khuyên bệnh nhân nên có người nhà đi cùng để đưa về sau khi làm nội soi.

Bác sĩ Thủy cũng cho biết, nội soi tiêu hóa không phức tạp và rất an toàn nếu như người bệnh phối hợp thực hiện những hướng dẫn trước khi nội soi tiêu hóa. Ngược lại, nếu không thực hiện các chỉ dẫn này sẽ gây khó khăn cho việc nội soi, chẩn đoán bệnh của bác sĩ và có thể gây ra một số nguy hiểm trong quá trình nội soi.

Châu Vũ