Vai trò của phụ nữ và công tác Hội trong giai đoạn hiện nay

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng truyền thống vẻ vang: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Ðảm đang. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ.

Với hơn một nửa dân số, chiếm hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc. Ðồng thời, phụ nữ làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, giữ thiên chức làm mẹ, sinh con, duy trì nòi giống, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Do vậy, lực lượng lao động nữ chính là nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt.

Có thể thấy, cùng với những chủ trương, chính sách tốt đối với phụ nữ trong thời gian qua, sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được cải thiện đáng kể, song tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao. Tình trạng thực phẩm không an toàn đang ảnh hưởng không nhỏ, trước hết đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Việt Nam là quốc gia sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ biết chữ cao nhưng xét tổng thể trình độ học vấn của phụ nữ vẫn thấp, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Trong khi đó, nguồn nhân lực nữ chất lượng cao (đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ khoa học, nữ trí thức, nữ chủ doanh nghiệp...) chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa khai thác hết tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền và các cơ quan bầu cử đều chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn tới và thực trạng các vấn đề liên quan phụ nữ và công tác phụ nữ hiện nay, cần tập trung phát triển toàn diện phụ nữ và nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nhân lực nữ chất lượng cao. Ðồng thời quan tâm đến nhóm phụ nữ khó khăn, phụ nữ DTTS, miền núi. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới, tổ chức lãnh đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Xây dựng trong toàn xã hội thái độ tôn trọng, tôn vinh, bảo vệ phụ nữ; phong cách ứng xử văn minh, văn hóa đối với phụ nữ; phê phán, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp cần làm tốt hơn nữa việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, phụ nữ. Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, nhất là tại những địa bàn triển khai các chương trình, dự án có tác động lớn đến đời sống nhân dân. Bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Ðảng; kết nối, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ. Chủ động rà soát chính sách, quy định hiện hành và nghiên cứu thực tiễn các vấn đề của phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng giới và gia đình trong bối cảnh hội nhập làm cơ sở đề xuất chính sách về lao động nữ, an sinh xã hội, cán bộ nữ, phát triển tài năng nữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, chính sách cho một số đối tượng đặc thù. Tham gia sơ kết, tổng kết các nghị quyết và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới;...

Phát triển toàn diện phụ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Theo: nhandan.com.vn

Vai trò của phụ nữ và công tác Hội trong giai đoạn hiện nay
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bà nhìn nhận thế nào về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là phụ nữ DTTS?

Bà Hà Thị Nga: Trong những năm gần đây, các nội dung liên quan đếnphát huy vai trò của phụ nữđã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm. Được thể hiện bằng các chương trình, đề án quan tâm, chăm lo cho đội ngũ lao động nữ. Chúng tôi nhận thấy, các cấp chính quyền đã dành sự quan tâm cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các thị trường lao động, trong đó quan tâm nâng cao kỹ năng, năng lực cho lao động nữ thông qua các chương trình đạo tạo, dạy nghề. Hiện nay, lực lượng nữ DTTS tham gia rất mạnh mẽ vào các thị trường lao động, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao.

Cùng đó, các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cùng hai cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của Hội LHPN Việt Nam, đã hòa cùng các phong trào thi đua của đất nước, thể hiện bản sắc riêng của tổ chức Hội, thực sự là đòn bẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chúng tôi vui mừng vì, công tác phụ nữ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo cụ thể từ Trung ương, đặc biệt Chính phủ dành sự quan tâm lớn đến Hội LHPN Việt Nam, với nhiều đề án, trong đó có Đề án về phụ nữ khởi nghiệp. Với Đề án này, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS. Chị em được hỗ trợ kỹ thuật, được tham gia các khóa tập huấn phát triển kinh tế, tập huấn kỹ năng tổ chức bán hàng online, tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử. Nhiều phụ nữ DTTS tham gia và đã giành được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp.

Vùng đồng bào DTTS hiện còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, còn tồn tại nhiều hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Các cấp Hội LHPN đã có những giải pháp gì để góp phần đẩy lùi tình trạng này, thưa Bà?

Bà Hà Thị Nga: Đối với các hủ tục trong vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp hội đã có nhiều đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của phụ nữ đối với các vấn đề xã hội; đồng thời đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội; nhất là phụ nữ DTTS. Từ đó, phụ nữ tích cực vận động xã hội chung tay, tham gia cải tạo các hủ tục, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Vai trò của phụ nữ và công tác Hội trong giai đoạn hiện nay
Vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được nâng cao. (Ảnh minh họa)

Trong xã hội ngày càng có nhiều nữ doanh nhân thành đạt là người DTTS. Ngoài việc tham gia phát triển kinh tế, họ còn góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống...; Trung ương Hội đã những hoạt động gì để hỗ trợ các nữ doanh nhân DTTS, thưa Bà?

Bà Hà Thị Nga: Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Từ thực tế cũng cho thấy, phụ nữ DTTS có nhiều tiềm năng. Nếu được đánh thức, họ sẽ phát huy tốt những điều sẵn có, đó là kiến thức về văn hóa DTTS, những hiểu biết, năng lực sáng tạo về các giá trị văn hóa, các sản vật địa phương. Chính những nữ doanh nhân DTTS sẽ là những người bảo tồn, gìn giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa, các sản vật địa phương.

Với quan điểm đó, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động đồng hành với phụ nữ, trọng tâm là việc thực hiện Đề án Phụ nữ khởi nghiệp. Qua quá trình triển khai Đề án, chúng tôi rất tự hào, cảm động khi có nhiều phụ nữ DTTS tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Ví dụ như chị Lý Thị Ninh ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái), là nữ doanh nhân tiêu biểu, đã trao truyền cảm hứng cho phụ nữ DTTS khác để phát huy di sản trở thành tài sản.

Trong thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam có những kế hoạch gì để phát huy ngày càng tốt hơn kỹ năng, khả năng, vai trò của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập, thưa Bà?

Bà Hà Thị Nga: Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Đề án Phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt, với Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030” nhằm định hướng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để các cấp hội đề xuất cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động liên quan.

Đây cũng là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức hội trong hội nhập quốc tế. Từ đó, tạo động lực để phụ nữ Việt Nam phát huy vai trò, đồng hành với phụ nữ DTTS, tiếp tục có những sáng tạo, cống hiến, cùng cộng đồng, xã hội tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của đất nước nói chung và phát triển KT-XH ở vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Vị thế mới của phụ nữ dân tộc thiểu số