Vì sao bộ trưởng vũ ngọc hải đi tù

Đường dây 500KV đã tạo nên bước đột phá kinh tế cho đất nước. Ảnh: TL

Ba ngày và một lời hứa với Thủ tướng


Vào một ngày tháng 6/2014, Minh Huệ, Hòa Bình, hai trong số các phóng viên có mặt ở Trường Sơn từ ngày đầu xây dựng đường dây 500 KV dẫn tôi đến thăm nhà ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Năng lượng, một trong những người đầu tiên có ý tưởng  xây dựng đường dây 500KV Bắc -Nam. Ông Hải nhớ lại: “Tết năm 1991, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tôi và một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng là đồng chí Lê Liêm [Thứ trưởng] Bùi Văn Lưu [Giám đốc Công ty Điện lực 2], Trương Bảo Ngọc [Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế điện 1], Trần Viết Ngãi [Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3]… đến nhà khách của Công ty Điện lực 2 ở TP Hồ Chí Minh ăn cơm. Đó là một bữa cơm bình thường. Nhưng hôm đó tôi nhớ như in tâm trạng của Thủ tướng. Ông bảo rằng chúng ta đã mở cửa kinh tế rồi nhưng không phát triển được chỉ vì miền Nam thiếu điện trong khi miền Bắc lại đang thừa điện vì có thủy điện Hòa Bình, Thác Bà”...

Theo ông Hải: “Lúc đó Thủ tướng nói: Bây giờ các ông làm cách gì để đưa điện từ miền Bắc vào Nam cho tôi, càng sớm càng tốt. Tôi thưa với Thủ tướng: Muốn đưa điện vào Nam chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp. Thế giới đã có đường dây 400 KV. Riêng Pháp, Nga có 500 KV, và dài lắm là 500 km. Còn Việt Nam nếu làm thì ít nhất không dưới 1.500km. [chính xác là 1.567km]. Thủ tướng trầm ngâm một lúc rồi nói: Tôi giao ông trong ba ngày phải trả lời có làm được hay không?”.


Ba ngày sau, ông Hải tự tin trả lời với Thủ tướng Võ Văn Kiệt là làm được!

Chấm dứt chuỗi dài “hai tối, một sáng”


Trở lại tình hình điện Việt Nam thập kỷ 1970, 1980. Điện chỉ có ở thành phố và được gọi là  những ngày “hai tối, một sáng”. Tức là có điện một ngày thì mất điện hai, ba ngày. Có điện thì cũng lom rom. Trong khu tập thể, nhà nào có survolter, bật lên một cái để sáng đèn nhà mình thì các nhà khác chỉ đủ đỏ dây tóc.


Miền Trung cơ bản không có điện. Đà Nẵng có Nhà máy đèn Cầu Đỏ chạy bằng diezen, lúc có dầu, lúc không. An ninh điện là an ninh quốc gia. “Câu điện” trở thành một loại tội phạm nghiêm trọng. Tôi nhớ mãi một vụ án: Một công nhân Hà Nội về hưu, dùng may-xo nấu cám lợn bằng điện ngoài công-tơ, đã bị phạt ba năm tù giam!


Đường dây 500KV đã ra đời hết sức khó khăn, nhưng chưa có công trình nào có vốn đầu tư lớn [hơn 600 triệu USD], công trường thi công trải dài đất nước vượt trùng điệp núi rừng Trường Sơn và bảy con sông lớn, lại được hoàn thành một cách nhanh chóng đến như vậy. Tháng 1-1992, Bộ Chính trị thông qua. Ngày 5/4/1992 khởi công. 19h 6 phút ngày 27/5/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ lệnh hòa lưới điện quốc gia thành một mạng thống nhất.


Nhà máy thủy điện Hòa Bình và đường dây 500 KV [mạch 1] được xây dựng trong những ngày ấy, không chỉ giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Nam, miền Trung ngày ấy, mà đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 1990 – 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%; GDP tăng từ 5,1% vào năm 1990 đến 9,5% vào năm 1995.


Nhưng trong hai năm ấy, với cách làm bắt buộc “vừa chạy vừa xếp hàng”, tức là vừa khảo sát, vừa tư vấn, vừa thi công, đường dây 500 KV cũng để lại ít nhiều tai tiếng. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải bị bắt và xử ba năm tù vì không kiểm soát được trong một vụ mua bán vật tư. Tuy nhiên, sau một năm, vụ án được xem lại và ông được ra tù. Bây giờ thì ông sống cuộc sống như người nghệ sĩ, sáng tác thơ, nhạc, đôi khi chạnh buồn nhưng vẫn lạc quan, hàm ơn cuộc sống, tự hào vì đã góp phần trong việc làm nên một kỳ công…

Chặng cuối của con đường thống nhất


Sự thống nhất của quốc gia không chỉ biểu hiện bằng việc thống nhất ngôn ngữ, lãnh thổ… mà còn là sự thống nhất tiền tệ, thị trường và cùng đó là một mạng điện quốc gia thống nhất.


Sau đường dây 500 KV mạch 1, ngành điện đã tiếp tục xây dựng  các đường dây 500 KV  mạch 2, mạch 3… Chặng cuối của con đường thống nhất lưới điện quốc gia này chính là sự khép lại ở vòng cung Đông Bắc bằng Dự án ĐZ 500 KV Quảng Ninh – Hiệp Hòa. Dự án nhằm mục đích giải phóng công suất cụm nhiệt điện Quảng Ninh – Mông Dương 3 400 MW, tạo mạch vòng truyền tải 500 KV Quảng Ninh – Hiệp Hòa – Việt Trì –Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan – Thường Tín – Quảng Ninh, nhằm liên kết hệ thống mạch giữa Đông Bắc và khu vực Bắc Hà Nội để vận hành ổn định và tối ưu cho hệ thống điện miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.


Tháng 6, nắng Hoành Bồ như đốt cháy cả đá. Tại xã Thống Nhất, giữa lau lách của những triền núi cao, những ruộng lầy, các đơn vị thi công đang tích cực kéo dây suốt cả trưa. Hán, Lạc là những kỹ sư thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung bám từng chân cột để giám sát và động viên thợ đang xuống máng [neo dây vào sứ]. Hai người đen trũi, từ Đà Nẵng ra thuê trọ từ mấy năm nay. Nhìn nước da phong sương, mái đầu đã lốm đốm bạc của Hán, cứ nghĩ anh ngót 50 tuổi. Hỏi ra, mới biết sinh năm 1978. Hán có con gái 3 tuổi. Ngày đi, Hán dỗ con: “Con ở nhà ngoan, ba đi làm mua sữa con ăn”. Lâu, nó nhớ cứ gọi hoài: “Con có sữa rồi. Mà con không cần sữa nữa, ba về với con…”.


Đời người thợ điện, cứ thế, hết Nam lại Bắc, hết công trình này đến công trình khác. Lúc về thành phố, có khi xài như công tử nhưng cả đời, sống như dân công. Lạc đã có cháu nội, cháu ngoại, đã từng có mặt ở rất nhiều công trình. Hỏi anh có yêu nghề không, anh bảo đó là cái số, cái nghiệp; muốn bỏ cũng không được, mà cũng chẳng biết làm việc khác. Bù lại, mỗi khi xong một công trình, lại tự thấy vui khi làm được một việc có ý nghĩa. Tỷ như, trong dự án này, ngoài Hiệp Hòa [Yên Dũng, Bắc Giang] là trạm bù lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, các anh đang vinh dự khép lại một vòng cung cuối cùng của phía Bắc; đưa hệ thống truyền tải điện nước nhà thành một khối hoàn thiện và thống nhất.


“Nhiều nước có nền kinh tế phát triển hơn nước ta, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, vẫn chưa có một hệ thống lưới điện thống nhất, hiện đại như vậy. Điều đó cho thấy tầm nhìn, quyết tâm chiến lược của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi thấy vinh dự được là người tham gia vào công việc này”, các anh tâm sự. Tôi hỏi, vì sao phải điều người Đà Nẵng thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung ra; các anh cười “đó là việc của cấp trên”! Tôi thì nghĩ rằng, do đây là một Ban được thành lập sớm [1988] và được giao quản lý nhiều công trình trọng điểm, khó khăn nên đã dày dạn kinh nghiệm và quan trọng là sự nhiệt tình, xông pha máu lửa của các anh chính là câu trả lời…


Tháng 7/2014 sẽ diễn ra lễ đóng điện, khép lại một vòng cung Đông Bắc. Rồi các anh lại xa miền Bắc, đến những miền đất mới. Cái nghề “dây cột” thật là khô, nhưng mỗi nơi đều là một kỷ niệm không quên. Trong kỷ yếu của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung, tôi đọc được bài thơ chân thành của Trần Thái Thùy, người giám đốc đầu tiên của Ban:

Đường qua suối chênh vênh thác đổNắng chan mưa, áo mặn mồ hôiThư con, chưa kịp đọc, nhòe rồi

Mưa tiếp đến, mẻ bê-tông trộn dở

Cột dựng đó, cao thêm đời thợĐường dây dài, dài nỗi nhớ người thươngKhói đèn dầu, con học bài đêm

Đừng trách bố: Gắng lên quê, xa phố

Trưa Đắc Lây lán che mưa đổThoáng anh buồn bởi nửa ướt người điAi đến đây và ai đã ra đi?

Đời điện sáng rồi đây ai quên, nhớ

Theo chiều dài đường dây trăn trởNghe họa mi vui hót nơi nơiGiọt mồ hôi rơi trên má mặt trời

Giọt ngọc tặng của đời anh, đời thợ…

Anh bạn đồng nghiệp ở Báo Tiền Phong đã bất chợt thốt lên trước đường dây 500 KV: “Đây cũng là một con đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn”.


Quả vậy. Vén những mù sương vụn vặt thường giăng mắc cuộc sống nơi đô thị dễ làm người ta tẻ nhạt, buồn chán, về giữa dòng đời sôi động, thấy hiển lộ những con đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đang không ngừng được mở ra trên đất nước hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại

baoin

Cây sấu già bên hiên cũng xào xạc như đồng điệu với người nghệ sĩ già Vũ Ngọc Hải. Đã qua tuổi bát tuần, đôi cánh tay ông như run lên cố ghìm giữ  những phím đàn ghi ta như đang muốn nhảy múa. Hát là vậy, hết mình, quên cả tuổi tác. Giọng hát ông da diết, nồng nàn. “ Đến từ đâu, từ đâu, từ đâu? Một đôi mắt gợi mở, một đôi môi đợi chờ. Một nụ hôn xao xuyến, một nụ cười dành riêng…”.

Hát xong, ông nói, mình già rồi, đôi chân không muốn đi nữa, nhưng tâm hồn thì chưa bao giờ muốn ngơi nghỉ cả. Hát, làm thơ. Và đâu dễ để những bài hát của ông được các nghệ sĩ có tên tuổi xướng lên trong các Album nhạc. Nào là Thu Hiền, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Hồ Quỳnh Hương, Tấn Minh…Những ca khúc của ông luôn lấp lánh chất thơ, thấm đượm tình người xứ Huế - quê ông.

Ông kể, ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, nhân sự kiện 30 năm mừng ngày thống nhất đất nước năm 2005,  anh Sáu Dân nói: “Hải hát đi, mừng cho đất nước, Nam Bắc một nhà”. Và ông đã hát: “…Từ đâu? Một tâm hồn trong sáng! Một tâm hồn lãng mạn! Một khát vọng mơ xa, một niềm tin bao la, một tình yêu vẹn tròn, một tình yêu nồng nàn, thủy chung! Đến từ đâu, từ đâu, từ đâu?...”. Khi ông vừa dứt lời, anh Sáu Dân đến bên rồi đặt  tay lên ngực và nói: “Đến từ đây, đến từ trái tim”!

Thấm thoắt cũng 20 năm kể từ ngày ông vướng vòng lao lý. Ghi lại cảm xúc khi ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao kỷ niệm chương đường dây 500Kv ngay tại trại giam, ông xúc động nghẹn ngào.

Người chúc nhân hậu, quả cảm phải nén lòng/ Người nhận xúc động, niềm vui trong nỗi buồn sâu lắng…

Tôi thuộc thế hệ nhà báo không được chứng kiến bản hùng ca của đường dây 500Kv, nhưng qua báo chí được biết đến ông. Cảm phục. Được gặp ông khi không còn mũ áo quan trường hóa lại là điều hay. Mong ở ông điều gì? Phút trải lòng sau biến cố khi chẳng còn cấn cá sự đời. Lạ thay, không một lời cay nghiệt, chẳng trách cứ, oán giận. Ông bộc bạch những thơ, những nhạc đều ăm ắp tình người làm lòng ta thêm sáng, thêm yêu, tin vào những điều tốt đẹp… Trong bài thơ “Hương tình người” ông viết:

Tôi đã từng gặp nạn,/ hứng chịu những ngày gian nan,/ bị nhấn chìm trong vòng xoáy áp đặt…/ Trong ma trận vận hạn, / tôi xúc động lâng lâng,/đón nhận tình người…/ Và, trong bài thơ “Giận làm chi”, ông viết:

Đời ngắn thôi, giận làm chi em ơi!/ Để đời lỡ hẹn, sống trong trống vắng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn Kỷ niệm chương đường dây 500kv cho phạm nhân Vũ Ngọc Hải tại trại giam Thanh Xuân.

Khi kể về cái ngày ông nhận bản án và được đi “ăn dưỡng” tại trại Thanh Xuân, ông rất mực tin vào mình. Hơn ai hết, ông hiểu chính con người ông, hiểu sự tình đó và giờ thì ông chẳng muốn nhắc lại nhiều. Điều an ủi với ông khi đó là lực lượng quần chúng tin ông. Một năm ngồi trong trại giam, đã có ngót ngàn đoàn khách đến thăm ông. Trong đó có nhiều văn nghệ sỹ, nhà báo và cả công an. Ông cũng vinh dự là phạm nhân được nhiều quan chức Chính phủ đến viếng thăm nhất, có tới 28 bộ trưởng, thứ trưởng, rồi Phó Thủ tướng và Thủ tướng. Tình cảm! Đúng rồi. Nhưng đó còn là trách nhiệm là thái độ giữa cái đúng, cái sai. Ông thầm cảm ơn điều đó ngàn lần.

Bài học trường đời và lớp học trại Thanh Xuân giúp ông ngộ ra nhiều điều. Lúc lâm hoạn nạn là thước đo lòng người. Ông đã suy nghĩ và nhìn nhận lại chính mình về lẽ sống về tình người. Có nhiều người không chỉ một lần thăm ông, họ thăm ông không phải khi ông đường đường là vị bộ trưởng mà khi ông đã sa cơ, đến quyền công dân cũng không còn nữa.  Vị giám thị trai giam đã thở phào: “Khi thấy bác Kiệt, bác Khải vào thăm anh thì tôi yên tâm lắm rồi”. Ông được chọn việc nuôi gà, bà xã mua gà giống để ông nuôi. Nhưng chỉ cho gà ăn thôi, việc dọn dẹp vệ sinh có người khác làm. ông được bố trí một phòng tiếp khách mà ở đó những vần thơ ấm áp tình người đã tuôn chảy…

Tâm hồn nghệ sĩ đã giúp ông “lãng mạn” để thoát ly thực tại ngay cả khi rơi vào tột cùng đau khổ. Tâm hồn thơ có lẽ đã nâng tầm và mở rộng lòng bao dung của “người tù” Vũ Ngọc Hải.

Ở đời ai cũng có những khúc thăng trầm, nghịch cảnh, nhưng cái cách ông vượt qua tai ương đáng để suy ngẫm. Tôi cảm nhận được ở ông một sức mạnh đến từ lòng nhân hậu, sự lạc quan. Sự lạc quan đó xuất phát từ cái tâm trong sáng. Tâm hồn nghệ sĩ đã giúp ông “lãng mạn” để thoát ly thực tại ngay cả khi rơi vào tột cùng đau khổ. Tâm hồn thơ có lẽ đã nâng tầm và mở rộng lòng bao dung của “người tù”  Vũ Ngọc Hải.

Ngày ra trại ông mong đợi điều gì? Đã 20 năm trôi qua, quãng thời gian đủ dài để người ta vượt qua chính mình, dù không dễ chút nào. Ông nói, ông xác định rồi, không cho phép được nhu nhược, không được phép gục ngã. Duy nhất một lần ông tìm đến thuốc ngủ và cũng uống duy nhất một viên. Đó là cái đêm đầu tiên vào trại giam Thanh Xuân. Không phải dùng thuốc theo nghĩa tiêu cực, mà ông nghĩ, lạ nhà không biết có ngủ được không nên cứ uống lấy một viên…

Chiều cuối đông năm Giáp Ngọ, con phố Phan Đình Phùng nhộn nhịp người qua, ngẫm lại nếu thiếu tình người, vị Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải giờ này không biết ở đâu? Ngôi nhà cũ được tu sửa đúng 20 năm trước. Ngày ông vào trại, từ căn hộ hơn 30m2 tại khu tập thể Kim Liên, ngày trở về xe đưa ông thẳng đến căn nhà mới trên phố Phan Đình Phùng. Đó là món quà của anh em, bạn hữu thương ông nên xúm tay giúp ông khi gặp nạn.

Lần giở ba cuốn thơ và một sê-ri các album nhạc, ông dừng lại ở bài thơ “Khúc ru đời” ở tập thơ “Những hồi ức xanh”. Chất giọng Huế lại dìu dặt:

Ta ru đời để vượt qua nỗi gian truân…/ Ta ru đời là để yêu ta và để yêu em/ Để quyết đi đến cùng trời cuối đất/ Để nuôi sống mãi những giấc mơ xa/ Ta ru đời, đời lại ru ta.

Đọc xong ông cười. Bạn bè vẫn đùa ông mỗi khi đọc bài thơ này: “Ta ru đời, sao đời chẳng ru ta”!.

Video liên quan

Chủ Đề