Vì sao gọi là làng sen

[Baonghean] - Đã có những sự lo ngại về một Kim Liên đang ngày càng “bê tông hóa”, có cả sự băn khoăn khi sợ rằng quê Bác rồi sẽ mất đi hình ảnh thân thương ngày nào… Nhưng “Nhất vui là cảnh quê mình/Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu” đang được khôi phục, sau những nỗ lực của người dân Kim Liên để xây dựng hình ảnh thân thiện với người dân cả nước…

Trước khi tìm hiểu về sen quê Bác tôi bất chợt nhớ về một bài viết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhiều năm trước trong chuỗi ký sự xuyên Việt. Lần đó, khi dừng lại ở Nghệ An và vào thăm quê Bác, ông đã ngạc nhiên khi đặt câu hỏi: “Tại sao gọi là Làng Sen nhưng lại không thấy hương sen trên quê Người? Điều đó hẳn cũng trái ngược với câu ca trên bởi trong trí nhớ của bác Nguyễn Văn Thìn, xóm Trù 2 thì: Ngày xưa, ở quê Bác nhiều nơi có sen lắm, chúng tôi vẫn gọi là giống sen dại vì nó mọc tự nhiên. Hoa nở rộ và tỏa ngát hương thơm nhất là vào dịp hè, đúng vào sinh nhật Bác”.

Thuộc lớp thế hệ sau, anh Trần Lê Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên suy nghĩ nhiều về vấn đề trên. Đặt mình trong trường hợp của những người dân cả nước khi về thăm quê Bác, anh nghĩ chắc mọi người cũng sẽ hụt hẫng nếu về Làng Sen mà chẳng thấy bóng một cây sen nào. Vì thế, khi có chủ trương  và được sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật, lãnh đạo xã Kim Liên nhanh chóng triển khai đề án xuống các hộ dân. Theo dự kiến toàn bộ tuyến đường chạy dọc từ trường cấp I, cấp II Kim Liên xuống khu vực UBND xã vào tận Khu Di tích quê nội Bác Hồ sẽ trồng sen hoàn toàn. Tương tự, khu vực đường từ cổng chào Kim Liên đi Hoàng Trù cũng sẽ phủ kín sen. Tuy nhiên, sợ ảnh hưởng lớn đến diện tích đất lúa của người dân, xã chủ trương chỉ tận dụng phần ao hồ có sẵn nằm trong phần đất do xã quản lý để trồng sen. 

Hồ sen dọc đường vào quê nội Bác Hồ. Ảnh: Sỹ Minh

Sen được đưa vào trồng là giống sen hồng được lấy từ Đồng Tháp Mười, nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ đang yên nghỉ. Sau khi sen được nhân giống và phát triển tốt, xã giao cho từng hộ quản lý và chăm sóc, nguồn thu từ sen xã để cho các hộ tự quản lý. Với khoảng 4 ha mặt nước, đến nay đã có khoảng 15 hộ nhận chăm sóc các hồ sen. Các hộ cũng cam kết không nuôi cá trắm, không dùng lưới đánh bắt cá để sen không bị hư hại.

Nhận chăm sóc hồ sen trước nhà từ năm 2012 đến nay, anh Dương Đình Lam, ở xóm Trù 2 xem đây là sự may mắn của gia đình mình. Vì thế, không ngại bỏ công, bỏ sức anh và cậu con trai út đang học Trường Đại học Nông nghiệp 1 ngày đêm chăm chút để hồ sen phát triển và cho hoa đúng mùa. Ngay cả khi làm nhà, gia đình cũng đắn đo, rồi quyết định làm một ngôi nhà gỗ thay vì nhà cao tầng đề phù hợp cho khung cảnh dân dã của thôn làng. Có một điều, anh Lam không nói ra, nhưng qua câu chuyện của mình tôi hiểu rằng, anh làm công việc trên còn bởi tận trong đáy lòng anh cảm ơn mảnh đất Kim Liên này. Trước, anh vốn sống ở xã Bình Sơn, một trong những xã xa xôi nhất của huyện Anh Sơn, giáp Tân Kỳ và Quỳ Hợp.  Năm 1996, vợ chồng anh đến Hoàng Trù lập nghiệp. Chăm chỉ làm việc, vợ chồng anh từ hai bàn tay trắng sau gần 20 năm dựng xây cuộc sống trên quê mới, tuy chưa thật sự giàu sang nhưng nay đã bắt đầu có của ăn, của để. Mang ơn mảnh đất này, anh tự dặn mình “phải có trách nhiệm với quê hương hơn cả người gốc ở làng”. Gần đây nhất khi xóm làm đường bê tông, anh đã tự nguyện đóng góp gần 15 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng...

Ông Trần Lê Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên trăn trở: Là quê hương của Bác nên chính quyền và nhân dân trong xã được nhận nhiều ưu ái.  Tuy vậy, càng được ưu ái, chúng tôi lại nhận ra mình đang còn phải nỗ lực nhiều mới có thể đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đơn giản như việc xây dựng hình ảnh làng quê Kim Liên trong mắt của du khách thập phương. Mọi người đều hiểu, du khách đến với quê Bác không những muốn xem lại hình ảnh quê nhà của Bác Hồ, muốn được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ được sinh ra và lớn lên mà còn muốn được sống trong khung cảnh của một làng quê Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó, quy hoạch lộn xộn, thiếu sự thống nhất. Vẫn còn đó, quá trình “bê tông hóa” ngày một nhiều. Hay dù đã lên ý tưởng nhưng Kim Liên vẫn chưa xây dựng được một không gian văn hóa ví, dặm gắn với sinh hoạt văn hóa làng nghề như mong mỏi của nhiều nhà làm du lịch.

Trước thực tế đó, trong tiến trình xây dựng “Kim Liên thành xã kiểu mẫu”, xã đang đặt mục tiêu làm xanh “hóa” xã nhà, nông thôn mới nhưng không mất đi những nét thuần túy, thuần Việt. Bởi vậy, thời điểm này về Kim Liên đi dọc đường 539, 540 đã thấy những sao đen bắt đầu xanh tốt. Trong khuôn viên UBND xã và dọc tuyến đường vào Hoàng Trù, ngoài các loại cây như phượng, bằng lăng, xà cừ nay đã có thêm cây sấu và vú sữa vừa được trồng mới. Xã đang lên kế hoạch khôi phục lại vườn cây ăn quả, nhất là các giống cây đã có truyền thống trước đây như mận quân, ổi, sơn trà để vừa tạo không gian xanh, và  tạo mặt hàng dân dã để bán cho khách thập phương. 

Về thăm xóm Sen 3, xóm đầu tiên của xã có hệ thống hàng rào được xây đồng bộ, thân thiện vừa gần gũi xóm làng, vừa vẫn giữ được sự riêng tư của mỗi gia đình. Trước đó, để ủng hộ kế hoạch này, các hộ dân trong xóm đã tự nguyện hiến đất mở đường, người ít nhất cũng tới 20 -30m2. Đi đầu trong phong trào hiến đất, chị Nguyễn Thị Hường, chia sẻ: Ban đầu phải dỡ bỏ bờ rào cũ rồi mất đi đất đai, cũng có người nói qua nói lại, nhưng sau đó, chúng tôi thấy rằng, xây dựng nông thôn mới, là được cho mình, tại sao mình lại không ủng hộ, nhất là khi mình lại may mắn và vinh dự được ở cạnh nhà Bác, phải hy sinh quyền lợi cá nhân cho cái lợi chung... Trong tâm sự của mình, chị Hường cũng tự hào kể về câu chuyện của bố mình xưa, ông Nguyễn Văn Thuần một trong những người đã từng được phong là “người anh hùng không tên”, người đầu tiên nhận nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ nhà Bác trong những ngày còn bom đạn, chiến tranh “trước đây bố mình và bà con trong làng không tiếc máu xương để giữ gìn di tích Bác được nguyên vẹn, nay mình là thế hệ sau không lẽ nào lại không tiếp nối truyền thống của người đi trước”...

Hiện 18/19 tiêu chí nông thôn mới của Kim Liên đã được hoàn thành, Đề án “Kim Liên thành xã kiểu mẫu” cũng đã gửi UBND tỉnh phê duyệt. Trong niềm vui chung đó, du khách thập phương gần xa về với quê Bác tháng Năm này đã cảm nhận được sự nỗ lực của người dân xã nhà, cảm thấy được sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh của người dân Kim Liên, đã lại thấy được “Nhất vui là cảnh quê mình/Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu” như câu ca ngày nào.

[TN&MT] - ​​​​​​​Ngoài nơi chôn nhau cắt rốn, hơn 93 triệu dân Việt Nam còn có một quê hương thứ hai chung nghĩa chung tình, đó là Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. 

Đoàn cựu chiến binh thăm nhà Bác -  ảnh: Nguyễn Sách

Mảnh đất địa linh nhân kiệt

Trong dải đất hình chữ S Việt Nam, Kim Liên được coi là mảnh đất đặc biệt không chỉ về địa chất, nguồn nước mà còn là mảnh đất lành, thấm đượm nhân văn. Mảnh đất ấy đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người con kiệt xuất trong ngàn người con ưu tú của Làng Sen của thế kỷ 20.

130 năm trước, ngày 19-5-1890, tại làng Hoàng Trù, một người đàn bà quanh năm dệt lụa đã hạ sinh ra cậu bé bụ bẫm dưới mái nhà tranh vách nứa đặt tên Nguyễn Sinh Cung. Cất tiếng khóc chào đời trong gia đình nghèo khó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thay vì được bú những dòng sữa đầu tiên, thì được bà ngoại nhai cơm, mớm cháo từ thủa lọt lòng, vì bà Hoàng Thị Loan- mẹ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung không có sữa. Nhưng cũng chính từ mớm cháo, cơm nhai ấy, đã nuôi dưỡng và tập hợp những tố chất đặc biệt, để rồi sau này cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thành thiên tài của nhân loại.

Cũng như những đứa trẻ làng Hoàng Trù ngày ấy, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung gắn liền với rơm rạ, ao hồ. Mùa thu cuối năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào Huế sinh sống. Tại đây, gia đình  cậu Cung thuê được một gian nhà nhỏ nằm ở đường Đông Ba trong Thành Nội [nay là ngôi nhà 112  Mai Thúc Loan, TP. Huế].

Tại ngôi nhà này, ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ cậu bé Nguyễn Sinh Cung ngày ngày đi nghe giảng sách, thức khuya dậy sớm chuyên tâm học hành. Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của cậu bé Cung quán xuyến việc gia đình, tần tảo ngày đêm quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng yên tâm khoa bảng sách đèn. Cũng chính tại nơi đây, cậu bé Cung và người anh trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm đã được cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo làm việc nhà, quen với cuộc sống lao động. Nếp sống sinh hoạt gia đình giản dị, thanh bạch, chan hoà tình nhân ái, yêu thương. 

Dòng người khắp nơi đổ về Làng Sen thăm quê Bác -  ảnh: Nguyễn Sách

Những năm tháng sống ở đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được thuyết giảng về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước qua lời kể hàng đêm của cha, về sự kiện thất thủ kinh đô [23/5 năm Ất Dậu] cùng những buổi tham dự lễ cúng tế tại miếu Âm Hồn. Và cũng chính trong căn nhà này, từ những năm 1895-1901, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sống những ngày tháng tuổi thơ, chứng kiến những ngày tháng miệt mài kinh sử, nỗi lo của người cha; nỗi gian lao, vất vả của người mẹ. Và cũng chính nơi đây, tư tưởng yêu nước được hình thành trong trái tim và khối óc Nguyễn Sinh Cung. Để rồi tháng 6-1911, Người thực hiện cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Cuộc hành trình vĩ đại

Ngày 5 tháng 6 năm 1911 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng đặt chân xuống con tàu buôn pháp Đô đốc Latouche-Tréville với chí hướng “tìm cho được chân lý và lẽ sống tự do là gì?”. Tại con tàu này, Người lấy tên là anh Ba để làm phụ bếp.

Mái nhà tranh đơn sơ nhỏ bé, nơi 130 năm trước Bác cất tiếng khóc chào đời -  ảnh: Nguyễn Sách

Trong suốt thời gian 10 năm bôn ba ở bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, Người đã tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản điển hình đều không đáp ứng được yêu cầu của cách mạnh Việt Nam lúc đó. Khi Người tìm thấy Chủ nghĩa Mác Lênin, Người đã trả lời được câu hỏi: “Làm thế nào để có đôc lập tự do. Hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam chỉ có con đường cách mạng chân chính chứ không thể con đường nào khác”. Khi tiếp xúc với Luận cương “Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người đã khẳng định “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây con đường giải phóng chúng ta”. Có nghĩa rằng, Việt Nam phải giải phóng bằng con đường cách mạng, bạo lực cách mạng chứ không thể bằng con đường nào khác.

Sau gần 20 năm tìm đường cứu nước, Người về nước và xúc tiến thành lập một đảng chân chính lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng Trung quốc, Người đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức đảng trước đó thành lập, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là “bước ngoặt vĩ đại” chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định con đường cách mạng, chân lý lãnh đạo và hành trình đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc không có mục đích nào khác, ngoài mục đích cứu nước, cứu dân.

Du khách xúc động chăm chú nghe những câu chuyện kể về Bác Hồ tuổi thiếu thời trong căn nhà lá đơn sơ - ảnh: Nguyễn Sách

Ngày 16-6-1957, sau hơn 50 năm xa cách, Người về về thăm quê với bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su khiêm nhường giản dị. Đặt chân lên mảnh đất quê hương, Người bồi hồi xúc động khi thăm lại mái nhà tranh quê Làng Hoàng Trù quê ngoại và Làng Sen quê cha. Một vị lãnh đạo địa phương mời Bác vào nhà khách để nghỉ. Bác cười hiền từ: “Nhà khách là dành để tiếp khách, Bác là người nhà...”. Nói rồi, Bác đi theo lối nhỏ về nhà của gia đình ngày xưa. Đến đầu cổng tre thấy một tấm bảng nhỏ ghi “Nhà Bác Hồ”. Nhìn tấm bảng xong, Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo: “Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”. Mọi người đáp: “Dạ, thưa Bác, đúng ạ. Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác khi đậu Phó bảng năm 1901”. Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Bác bước đến gian thờ cúng gia tiên. Nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: “Hồi xưa, nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc”.

Bốn năm sau lần đầu về thăm quê, ngày 8-12-1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Khi Bác xuống máy bay ở Vinh, các vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An mời Bác lên một chiếc xe ô tô kết hoa đợi sẵn ngoài cổng. Bác nhìn một lượt xung quanh, rồi bất ngờ tiến đến chiếc xe con của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, rồi bảo các chiến sĩ bảo vệ tháo tấm bạt để Bác vẫy chào đồng bào đang đứng đón ở hai bên đường…Và đó cũng là lần thăm quê cuối cùng của Bác.

Về thăm quê Bác tháng Năm

Những ngày tháng Năm này hàng triệu lượt người con Việt Nam, Kiều bào yêu nước và người ngoại quốc về Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An thăm quê hương Bác Hồ. Đây là chuyến hành hương đặc biệt về thăm quê Bác nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Người.

Hàng cau trong vườn vươn cao giữa trời xanh quê Bác - ảnh: Nguyễn Sách

Mỗi người đến một miền quê, một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đều có niềm tâm tưởng chung là thành kính, tri ân người anh hùng vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tròn 130 năm kể từ ngày Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời, ngôi nhà nhỏ đơn sơ mái tranh vách liếp ở Làng Hoàng Trù vẫn còn nguyên vẹn. Khung cửi dệt vải của mẫu thân Bác vẫn còn nguyên. Hàng cau trước nhà vẫn vươn đài trong nắng hè gió lộng. Mảnh sân nhỏ, luống khoai lang, bờ rào dâm bụt, khóm tre xanh vẫn như lúc Bác sinh thời. Tất cả ký ức tuổi thơ của và cuộc hành trình khát vọng của Bác vẫn sinh động và sống mãi ùa về trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt khi nghe lại những câu chuyện kể.

Lần đầu tiên thăm quê Bác, chị Mai Thị Liên ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa không kìm nén được xúc động khi nghe người hướng dẫn viên kể tuổi thiếu thời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh với ruộng đồng bến bãi. Mắt rưng rưng, chị Liên nghẹn giọng: “Khi tôi lên ba thì Bác đã đi xa. Chúng tôi chỉ biết Bác qua những trang sách học trò và phim ảnh. Có thể nói rằng, không chỉ riêng tôi mà triệu người con đất Việt cũng thế, biết ơn Bác Hồ. Nếu không có Bác, chắc chắn rằng chúng ta sẽ không có độc lập tự do, và cũng chẳng có hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Một góc Làng Sen, xã Kim Liên [Nam Đàn] ngày nay - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sách Nguyễn

Lần thứ hai trong đời về Kim Liên thăm quê Bác, Thượng tá Ngụy Mạnh Thăng, công tác ở Cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng không giấu được cảm xúc khi nghe những câu chuyện kể về tình thương yêu bao la của Người giành cho quê mẹ Làng Sen. “Với Bác Hồ mãi mãi là vị cha già kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng đánh giặc của Bác vẫn được kế thừa truyền nối và trở thành tư tưởng dẫn đường về thao lược quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tình thương yêu bao la của Bác đã trở thành tư tưởng vĩ đại để người chúng ta học tập, làm theo và hành động”, Thượng tá Thăng chia sẻ.

Đền Chung Sơn trên núi Chung - nơi thờ các thành viên trong gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc - những người đã hòa vào vận mệnh non sông. Ảnh: Công Kiên

Tháng Năm trời Nghệ An rát bỏng bởi những đợt nắng nóng dài ngày. Mặc cho nắng nóng, mặc mồ hôi ướt đầm lưng áo, dòng người vẫn đổ về Kim Liên- Nam Đàn thăm nhà Bác ở. Thăm quê Bác với tất cả ân tình, kính trọng. Thăm quê Bác để được nghe, được lớn lên trưởng thành từ những câu chuyện kể về thân thế và sự nghiệp của Người. Thăm quê Bác là ước mong của hàng triệu triệu người dân Việt Nam, bởi vùng đất "địa linh nhân kiệt" này cũng chính là quê hương thứ hai của mỗi người con đất Việt.

Video liên quan

Chủ Đề