Vì sao phượng hoàng đậu cây ngô đồng

01

Trong cuộc sống, không khó để phát hiện ra những người có tính cách, sở thích tương đồng, thường dễthu hútnhau hơn. Nếu một người làm việc quang minh lỗi lạc, kính già yêu trẻ, thì bạn của anh ta cũng sẽ có những phẩm chất như vậy.

Giống như câu nói: "Người với người sẽ có khí chất khác nhau, bạn có khí chất như thế nào thì sẽ thu hút người như thế".

Tôi từng nghe qua một câu chuyện thế này. Có một chàng trai trẻ đi mua bát, anh ta nhấc đại một chiếc bát lên và cụng nó với những chiếc bát khác trong quán, cứ như vậy anh ta gần như đã làm thế với tất cả các bát trong quán, nhưng lại không ưng ý chiếc nào.

Ông chủ bán hàng không hiểu sao anh ta lại cụng hai chiếc bát vào nhau, anh ta nói, nếu phát ra âm thanh lanh lảnh vui tai thì chắc chắn là bát tốt. Ông chủ nghe thấy thế, liền đưa cho anh ấy một chiếc bát, mỉm cười nói: "Cậu thử cầm chiếc bát này thử xem, chắc chắn sẽ chọn được chiếc bát mà cậu muốn".

Chàng trai trẻ nghe lời làm theo, kết quả chiếc bát nào cũng phát ra âm thanh lanh lảnh vui tai, anh ta không hiểu nhìn ông chủ. Ông chủ lại mỉm cười: "Chiếc bát ban đầu cậu chọn để đi thử là hàng loại 3, nếu dùng nó để thử thì chỉ có thể phát ra âm thanh trầm đục. Nếu muốn một chiếc bát tốt, trước tiên phải chắc chắn rằng trong tay cậu cũng là một chiếc bát tốt".

Người với người cũng như vậy. Bạn là người thế nào quyết định bạn sẽ gặp người thế đó.

02

Có người nói, "muốn biết một người có thể đi bao xa, hãy nhìn xem người đồng hành với anh ta là ai." Đừng bao giờ coi thường sức mạnh của mưa dầm thấm đất, con người được tạo ra cũng nhờ sức mạnh này. Nếu bạn muốn làm một người tốt, vậy thì hãy trở thành đồng đội với người tốt, nếu muốn trở thành người xuất sắc vậy thì hãy chơi với người xuất sắc.

Có một người muốn cai thuốc lá, nhưng mãi không cai được, thế là anh ấy đến hỏi bác sĩ. Bác sĩ nghe xong không nói gì cả, trực tiếp kê cho anh ấy một đơn thuốc. Trên đơn thuốc viết: "Đi gặp một người bạn đã cai được thuốc, sáng trưa tối, mỗi buổi một lần".

Anh ấy thấy thật khó hiểu, đây là cách chữa gì vậy. Bác sĩ nhìn ra nghi hoặc của anh ấy, giải thích: "Nếu muốn cai thuốc lá, thì không có thuốc nào có hiệu quả bằng sức ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt lành mạnh của bạn bè".

Người này nửa tin nửa ngờ quay về nhà. Mấy tháng sau, anh ta đã cai thuốc thành công.

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Người với người đều sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Thời gian ở chung càng dài thì sức ảnh hưởng càng lớn. Nên, cùng với ai thật sự rất quan trọng.

03

Tôi từng đọc một đoạn thế này: Đừng cố đuổi theo một con ngựa, mà hãy dùng thời gian đuổi theo ngựa để trồng cỏ, đợi đến khi xuân về hoa nở sẽ có cả một bầy ngựa đẹp cho bạn chọn. Đừng cố nịnh bợ một người, mà hãy dùng thời gian tạm thời không có bạn đó để nâng cao năng lực của bản thân, đến khi thời cơ chín muồi, sẽ có rất nhiều người đồng hành cùng bạn.

Bạn bè có nhờ nhân tình chỉ là tạm thời, người bạn bị thu hút bởi tài năng của bản thân mới lâu dài. Trau dồi cho bản thân có tác dụng hơn mua vui cho người khác nhiều.

Bản thân là cây ngô đồng thì phượng hoàng mới đậu lại, bản thân là biển cả thì trăm sông mới đổ về. Muốn gặp người xuất sắc, bạn cũng phải biến mình trở nên xuất sắc.

Có một nhà sáng lập từng chia sẻ kinh nghiệm của mình. Thời gian học đại học anh ấy rất có hứng thú với thương mại điện tử, khi tham gia các hoạt động sự kiện, anh ấy có quen biết với một vài người có địa vị. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy quyết định tự khởi nghiệp, tràn đầy tự tin liên lạc với những người có địa vị đó, nhưng không được hồi đáp. Anh ấy chỉ có thể tự học hỏi, không ngừng thử nghiệm, từng bước từng bước ghi dấu ấn, cuối cùng cũng có đôi chút thành tựu. Sau này, người tìm đến anh ấy đàm phán hợp tác nhiều vô kể, trong đó có người có địa vị năm đó.

Người xuất sắc sẽ gặp người xuất sắc hơn; bản thân giỏi thì mới gặp được người khác giỏi. Cuộc đời của bạn như thế nào, có quan hệ rất nhiều với những người quanh bạn. Ở cùng người tràn đầy ánh sáng, lòng bạn sẽ không bao giờ tăm tối; ở cùng người có chí tiến thủ, bạn sẽ không bao giờ bị lạc hậu; ở cùng người hào phóng, bạn cũng sẽ không nhỏ nhen; ở cùng người sáng suốt, khi gặp chuyện bạn sẽ không cảm thấy hoang mang.

Bạn là người thế nào thì sẽ gặp người thế đó. Đời người quý giá, nhất định hãy biến mình trở nên xuất sắc, và đi cùng người xuất sắc.

Cây Ngô Đồng. [Ảnh: Lecheminlu /wikipedia.org public domain]

Xưa vua Phục Hy thấy tinh hoa của 5 ngôi sao đáp xuống cây Ngô Đồng, rồi có chim Phượng Hoàng đến đậu.

Tương truyền Phượng Hoàng là hậu duệ của thần điểu Chi Tước được muôn loài chim tôn làm Vua. Mỗi loài chim chọn một sợi lông đẹp nhất của mình dâng lên Phương Hoàng tạo thành bộ trang sức nhiều màu sắc lộng lẫy. Cứ đến ngày sinh nhật Phượng Hoàng các loài chim đều bay đến chầu nhưng chỉ ngưỡng vọng chứ không dám nhìn thẳng vào dung nhan Phượng Hoàng. Từ đó mà có Bức tranh nổi tiếng “Bách Điểu Triều Phụng” [trăm chim chầu Phượng Hoàng] với hình ảnh Phượng Hoàng đứng kiêu hãnh, oai phong như sự tích về nó.

Tranh Bách điểu triều phụng. [Ảnh từ house-family.net]

Vua Phục Hy thấy Phượng Hoàng đậu lên cây Ngô Đồng thì biết đây là cây quý, hấp thụ được tinh hoa trời đất nên sai người đốn lấy gỗ làm nhạc khí. Chia cây là 3 đoạn để phân thiên địa nhân, đoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Đem ra giữa sông ngâm 72 ngày đêm rồi vớt lên phơi khô, giao cho thợ khéo là Lưu Tử Kỳ làm nhạc khí, gọi là Dao cầm, với ý nghĩa là đàn của cung Dao Trì, nơi Tây Vương Mẫu ngự.

Dao Cầm cất lên mê đắm lòng người, chim chóc, muông thú cũng kéo đán ca múa hòa điệu, hổ nghe nín kêu, vượn nghe nín hót [theo truyện tích Bá Nha và Tử Kỳ]

Chính vì thế Ngô Đồng được xem là cây Vương Giả, là Vua của các loài cây mang điềm lành Đế Vương và mang tới phúc lành, có linh tính Phượng Hoàng nên gọi được Phượng Hoàng đến. Từ xa xưa đã biết được tính truyền âm rất tốt của nó nên hay dùng để chế các nhạc cụ như Đàn Tranh, Huyền Cầm, Tỳ Bà v.v…

Đàn Tranh Việt Nam. [Ảnh từ nhaccutienmanh]

Trong “Ngụy thư – Vương hiệp truyện” viết: “Phượng hoàng phi ngô đồng bất tê” nghĩa là trong vô vàn loài thực vật khác nhau, Phượng Hoàng cũng chỉ chọn mỗi cây ngô đồng để sống trên đó.

Trong “Kinh thi, Đại nhã, quyển A” có viết: “Phượng Hoàng minh hĩ, vu bỉ cao cương. Ngô đồng sinh hĩ, vu bỉ hướng dương” nghĩa là khi Phượng Hoàng kêu tức phía bên kia sườn núi ắt có người tài.

Cây Ngô Đồng được sinh vào lúc mặt trời mọc nên lấy sinh khí ánh sáng buổi sớm. Nó tượng trưng cho sự vinh quang và tài năng đức độ của bậc Đế Vương. Bởi vậy, các cung điện Trung Hoa thời xưa thường trồng Ngô Đồng như ngụ ý Vua vừa có tài vừa có đức, biết lo cho muôn dân.

Văn hóa Việt Nam

Ở Việt Nam cây Ngô Đồng xuất hiện từ thời Hồng Bàng qua sự tích Sơn Tinh. Khi Nguyễn Tùng làm nghề đốn củi ở núi Tản Viên nuôi mẹ nuôi là bà Ma Thị. Một lần Nguyễn Tùng lên núi chặt một cây đại thụ, rồi trở về động báo người đem cây về, nhưng lên đến nơi thì cây vẫn xanh tốt y nguyên ở vị trí cũ như chưa hề bị đốn hạ. Lạ quá Tùng lại chặt cây một lần nữa, bảo mọi người ra về còn mình thì nấp vào một chỗ kín quan sát.

Đến nửa đêm, bỗng thấy một ông lão thân cao một trượng, râu tóc bạc phơ, áo trắng như tuyết, tay chống gậy trúc xanh biếc, ung dung như thần tiên. Ông lão đến gần cây đại thụ, chỉ gậy vào cây miệng nhẩm thần chú, bỗng thấy khí thiêng tụ về, không gian như chập chờn biến hóa, rồi cây đại thụ nằm sóng soài trên mặt đất bỗng dưng trở dậy liền lại với gốc như cũ.

Nguyễn Tùng liền chạy ra khỏi chỗ nấp, đến ôm chặt lấy ông lão nói: “Cụ là ai? Ở đâu tới đây? Sao lại tiếc thương một cây cổ thụ mà chẳng thể tất cho kẻ lưu lạc cơ hàn này?”. Ông lão ôn tồn trả lời: “Ta chính là Sơn Tinh đại thần, vốn là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi thiên tướng, tức Thái Bạch Kim Tinh, vâng lệnh đức Ngọc đế xuống cai quản nước Nam. Cây đại thụ này là cây Ngô Đồng, cây gỗ đứng đầu trong các loại gỗ quý ở núi Tản trời Nam này, là nơi Phượng đậu cất cao tiếng gáy báo hiệu Thánh đế ra đời, đem lại buổi thái bình thịnh trị, sao có thể để ngươi chặt đi được”.

Từ câu truyện có thể thấy Ngô Đồng vốn là loài cây quý nhất nước nam, từ thuở xa xưa người Việt đã biết về loài cây này.

Được xem là loài cây báo hiệu mùa thu đến, một chiếc lá chở cả mùa thu là lấy hình tượng từ cây Ngô Đồng, cổ thi Trung Hoa có câu:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

Nghĩa là:

                 Ngô đồng một chiếc lá rơi

        Khắp nơi chung đón đất trời vào thu

Thế nhưng khác với cây Ngô Đồng ở Trung Quốc vốn chọn mùa thu để rụng lá trổ hoa, cây Ngô Đồng ở Việt Nam là trổ hoa vào dịp cuối xuân đầu hè. Lúc này cây Ngô Đồng trút dần hết lá, khoe những chùm hoa nở rộ từ màu tím nhạt rồi dần ửng hoa cà.

Thời vua Minh Mạng loại cây Vương Giả này được trồng trong Kinh thành Huế, Sách Đại nam nhất thống chí còn ghi lại: “Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện”.

Vua Minh Mạng quý cây Ngô Đồng đến nỗi cho khắc hình cây lên du đỉnh của Cửu đỉnh tượng trưng cho Vương quyền của mình

Ở Việt Nam, Ngô Đồng không chỉ là loài cây Vương Giả, mà còn biểu tượng của tình yêu đôi lứa:

Lạy trời bướm nọ gặp hoa

Mấy chim loan phượng lại qua ngô đồng

Mừng đàn rồi lại mừng dây

Mừng chim loai phượng đậu cây ngô đồng

Ai làm cho đó xa đây

Cho chim loan phượng xa cây ngô đồng

Theo dân gian lưu truyền thì xưa kia công viên Tứ Tượng ở Huế có một cây Ngô Đồng lớn, nhiều người đã thấy chim Phượng Hoàng về đậu nơi này. Năm 1985 cây Ngô Đồng này bị đổ sau một cơn bão, một cây Ngô Đồng khác được trồng tại nơi này, đến nay dã rất lớn và trổ hoa hàng năm.

Cây Ngô Đồng trổ bông rực rỡ ở công viên Tứ Tượng, Huế. [Ảnh: Thúy Khanh/ Tạp chí Tài Hoa Trẻ]

Ở Việt Nam nơi nhiều Ngô Đồng nhất có lẽ là ở Cù Lao Chàm, cách Hội An 18 km, nơi được  UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì có nhiều cây Ngô Đồng mọc tại đây nên nơi đây còn được ví như vương quốc của cây Ngô Đồng.

Cây Ngô Đồng ở Cù Lao Chàm. [Ảnh từ thoidai.com.vn]

Văn hóa Hàn Quốc

Cây Ngô Đồng cũng gắn liền với đời sống văn hóa người dân Hàn Quốc từ xa xưa, có phong tục trồng cây Thông nếu sinh được con trai, và trồng cây Ngô Đồng nếu sinh được con gái. Cây thông của người con trai sẽ được chăm bẵm cho tới khi người này qua đời và được sử dụng làm ván đóng quan tài cho chính người này. Cây ngô đồng của người con gái thì sẽ được chặt hạ lấy gỗ đóng tủ khi người con gái được gả chồng.

Người Hàn Quốc cũng dùng gỗ cây Ngô Đồng để làm nhạc cụ của mình. Đàn tranh 12 dây Gayageum thường được làm bằng gỗ Ngô Đồng nguyên thân khoét bỏ phần ruột. Đàn tranh 6 dây Geomungo thì có phần bầu trên là gỗ cây Ngô Đồng và phần đáy là gỗ cây hạt dẻ cứng chắc.

Hình ảnh cây Ngô Đồng, Phượng Hoàng cũng đi vào thơ ca, âm nhạc của người Hàn Quốc. Bài thơ Eonlak [Ngôn Lạc] nổi tiếng sau đây đã được phổ nhạc:

Ánh trăng xanh lướt nhẹ qua cửa sổ
Ngỡ là người ta vội bước chạy ra
Bóng dáng người đâu sao chẳng thấy
Chỉ một vầng trăng sáng đẫy đà
Lá bích ngô đồng thấm đẫm giọt sương sa
Bóng phượng hoàng kiêu kỳ rỉa cánh.
May sao là trời khuya đêm thanh vắng
Nếu là ngày thì mất mặt với dân gian

Nhà thơ Kim Sang-yong cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cũng có bài thơ rằng:

Nghe mưa rơi lộp độp trên tán lá ngô đồng
Lòng não nề, tiếng nghe sao thảm thiết
Sau này có lẽ chẳng trồng cây lá rộng sát hiên nhà

Trần Hưng

Theo trithucvn.org



Video liên quan

Chủ Đề