Vì sao tướng cảnh sát biển bị bắt

Việt Nam: Cựu tư lệnh cảnh sát biển nhận hối lộ đối mặt 15-17 năm tù

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh sát biển Việt Nam

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 15-17 năm tù và chung thân đối với ba cựu tư lệnh cảnh sát biển nhận hối lộ tiền tỉ trong vụ đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Sáng 14/7, hai cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh và nhiều cựu sĩ quan trong vụ án liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng tiếp tục hầu tòa.

Cựu thiếu tướng Lê Văn Minh bị đề nghị 15-17 năm tù, cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh bị đề nghị 15 năm tù vì hành vi nhận hối lộ. Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh bị đề nghị tù chung thân.

Ông Nguyễn Thế Anh không thừa nhận cáo trạng và tại tòa khai bị ép cung, theo VnExpress.

Quảng cáo

Nhưng qua lời khai nhân chứng và của bị cáo tại cơ quan điều tra, cùng các chứng cứ thu được, VKS cho rằng việc ông Anh nhận tiền từ ông 'trùm' Phanh Thanh Hữu thông qua ông Nguyễn Văn An là đủ cấu thành tội 'nhận hối lộ'.

VKS cũng cho hay khi ông Hữu bị bắt, ông Anh đã đưa tiền và tổ chức cho ông An trốn sang Lào.

Trước đó, bị cáo Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đã khai nhận 6,9 tỷ đồng và bị cáo Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cũng thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng.

Hai cựu thiếu tướng này trước đó bị truy tố về tội Nhận hối lộ, theo điều 354, Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Phiên tòa của Tòa án Quân ự Quân khu 7 đang tiếp tục thẩm vấn 14 bị cáo, trong đó có 9 cán bộ biên phòng bị cáo buộc có liên quan.

Cựu Tư lệnh Lê Văn Minh được dẫn lời nói tại tòa đã thừa nhận hảnh vi bảo kê buôn lậu và quen biết người bị gọi là trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu [Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh] trong thời gian rất dài.

Bị cáo Minh thừa nhận việc nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng nhưng mô tả rằng "đó không phải tiền hối lộ, ăn chia tháng mà chỉ là quà bình thường, thi thoảng gửi," theo truyền thông Việt Nam.

"Bị cáo thấy ông ấy hiền lành tử tế, học cùng trường Hải quân chỉ sau mấy khóa nên chỉ nghĩ là người giỏi làm ăn, về sau mới phát hiện là buôn lậu," ông Minh nói thêm.

Tháng Mười năm 2021, Ban Bí thư Đảng Cộng sản kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát Biển, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh.

Ban Bí thư cách chức trong Đảng 7 tướng lĩnh còn lại.

Việt Nam: Nhóm bị can vụ án Cục Lãnh sự ‘nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD’

Ông Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng ‘không phải là đấu đá nội bộ’

Ông Nguyễn Đức Chung được giảm án do nộp thêm 15 tỷ đồng và nhận trách nhiệm

'Chuyển tiền qua vợ'

Việc giao nhận các khoản tiền liên quan tới ông Minh, theo cáo trạng, được thực hiện thông qua vợ, bà Trần Thị Liên và con gái ông Minh.

"Cáo trạng nêu rõ, hành vi của Trần Thị Liên có dấu hiệu tội nhận hối lộ hoặc lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn trục lợi. Nhưng xét ý thức, động cơ, tính chất mức độ hành vi thấy không cần thiết phải xử lý hình sự," Tuổi Trẻ đưa tin.

Bị cáo Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, cũng thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng, và mô tả toàn bộ tiền được trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu "đưa qua vợ nên không biết".

Vợ cựu thiếu tướng này cũng nằm trong số 14 người bị xét xử tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Phan Thị Xuân - vợ bị cáo Lê Xuân Thanh - được mô tả là thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng trong đó có chi tiết cặp vợ chồng này có mối quan hệ với ông trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu thông qua Thiếu tướng Lê Văn Minh.

Cựu đại tá chối nhận tiền

Trong một diễn biến đáng chú ý, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, nói "chưa bao giờ nhận tiền" từ trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu mà do cơ quan điều tra bắt làm theo, Thanh Niên đưa tin.

Trả lời HĐXX về cáo buộc nhận tiền hối lộ, bị cáo Nguyễn Thế Anh khẳng định chưa bao giờ nhận tiền từ Phan Thanh Hữu.

"Bị cáo không tự nguyện khai báo và viết thông tin này mà hoàn toàn tất cả cái này là do cơ quan điều tra làm và bắt bị cáo làm theo", cựu đại tá Nguyễn Thế Anh nói.

Theo cáo trạng, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu gặp Nguyễn Thế Anh, khi đó là Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được biệt phái sang giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Hữu nhờ Anh giúp đỡ buôn lậu xăng dầu sang Campuchia để kiếm lời, và được Nguyễn Thế Anh đồng ý.

Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu chi cho Nguyễn Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng.

Theo cáo trạng, từ tháng 10/2019 - 2/2020, Phan Thanh Hữu đã chi cho Nguyễn Thế Anh 150.000 USD và 500 triệu đồng.

Quy mô buôn lậu

Nhà chức trách xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây này đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng bị cáo Hữu hưởng hơn 105 tỷ.

Truyền thông Việt Nam đưa tin tổng số tiền thu được trong quá trình bắt giữ, khám xét và các bị cáo khắc phục hậu quả là hơn 34 tỷ đồng và rằng hai thiếu tướng Minh và Thanh "đã khắc phục xong toàn bộ thiệt hại bị cáo buộc".

Cáo trạng nói từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2021, Lê Văn Minh nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu tổng số 6,9 tỉ đồng.

Gia đình ông Minh đã nộp hơn 7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Xem thêm:

Ông Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng ‘không phải là đấu đá nội bộ’

Việt Nam: Nhóm bị can vụ án Cục Lãnh sự ‘nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD’

Việt Nam: Lò của TBT ‘chưa đốt được nhiều tham nhũng'?

VN: Tham nhũng giảm nhờ CT Nguyễn Phú Trọng?

Việt Nam: Chiến dịch 'đốt lò' dưới thời tân chính phủ có gì khác?

Những lần “đau xót khi kỷ luật đồng chí” của ông Nguyễn Phú Trọng

VN: Vì sao Đảng khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử?

Video liên quan

Chủ Đề