Vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt hiện nay là gì

Thưa PGS.TS Nguyễn Lân Trung, tiếng nói, chữ viết là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam cũng như vậy. Trải qua các giai đoạn phát triển, Tiếng Việt của chúng ta đã được hình thành và có vai trò như thế nào?

– Tiếng Việt có một lịch sử hình thành lâu dài, sự ra đời, tồn tại và phát triển của chữ viết tiếng Việt cũng là một nỗ lực rất lớn của biết bao thế hệ. Lấy ví dụ suốt 1.000 năm Bắc thuộc, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu nặng của tiếng Hán, nhưng rồi chúng ta cũng có chữ viết riêng, đó là chữ  Nôm – hệ thống văn tự ngữ tố dùng để viết tiếng Việt, dựa trên cơ sở chữ Hán tạo ra các chữ mới bổ sung cho việc viết và biểu đạt các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán ban đầu. Rồi đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Phương Tây Dòng Tên vào truyền giáo ở nước ta, họ đã bắt đầu xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, làm tiền đề cho cả một quá trình lâu dài hình thành và phát triển nên chữ Quốc ngữ.

Dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng nhân dân ta đã luôn làm tất cả để bảo tồn ngôn ngữ, ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hồn cốt của dân tộc. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, của giao tiếp, ngôn ngữ đồng thời là công cụ để truyền tải cả một nền văn hóa, một tinh thần dân tộc. Câu nói “Tiếng Việt còn, nước Nam còn” luôn văng vẳng bên ta, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngôn ngữ dân tộc.

Trải qua thời gian, người dân Việt Nam không ngừng giữ gìn, cải tiến tiếng Việt, làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng giàu và đẹp, luôn là niềm tự hào của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Vậy, Tiếng Việt giữ vị trí như thế nào trong việc phát triển đất nước, thưa ông?

– Trong lịch sử phát triển dân tộc, chúng ta luôn có được một quan điểm đúng đắn, nhất quán về sứ mệnh bảo tồn, duy trì và phát triển tiếng Việt. Còn nhớ từ những ngày đầu tiên, ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khi giặc đói còn đang hoành hành khắp nơi, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi đồng bào bên cạnh nhiệm vụ chống giặc ngoài, giặc đói còn phải chống cả giặc dốt nữa. Phong trào Bình dân học vụ xóa nạn mù chữ với phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ” đã mang lại con chữ cho biết bao người dân.

Ngôn ngữ là một cấu phần của văn hóa, ngôn ngữ truyền tải văn hóa, các loại hình văn hóa nghệ thuật, những giá trị, những nét đặc thù văn hóa được thể hiện thông qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Chúng ta tự hào có được một kho tàng văn thơ tiềm tàng, một nền văn học đồ sộ làm nên những giá trị nhân văn của dân tộc. Ngôn ngữ góp phần quan trọng phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ, với một hệ thống thuật ngữ của riêng mình. Không phải bất cứ đất nước đang phát triển nào cũng đều có thể giảng dạy ở tất các các cấp học, các bậc học bằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình.

Tiếng Việt đã góp phần tạo nên bản sắc Việt Nam trong suốt quá hình thành và phát triển dân tộc, là nhân tố, là chìa khóa tạo nên sự thống nhất, hòa hợp, đoàn kết trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam, tiếng nói Việt Nam luôn là niềm tự hào vang lên trên các diễn đàn, trên trường quốc tế.

Giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm của toàn dân. Song, cuộc sống phát triển không ngừng trong bối cảnh sự thâm nhập mạnh mẽ của tiếng nước ngoài, tiếng Việt trong quá trình sử dụng đã đặt ra rất nhiều thách thức liên quan đến tính toàn vẹn, sự trong sáng và phong phú. Liệu có phải ý thức giữ gìn tiếng Việt có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức? 

– Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, sự giao lưu giữa các thứ tiếng, sự thâm nhập của một ngôn ngữ nước ngoài vào là không tránh khỏi và ngày càng diễn ra với tốc độ cao hơn, nhưng ta nên coi đó là một tất yếu, mặt khác sự giao thoa ngôn ngữ đó còn có thể mang lại nhiều điểm tích cực cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Vấn đề là thái độ và sự ứng xử của chúng ta như thế nào trước những xung đột nếu có đó. Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ, sự “xâm nhập” của các ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vào nước ta là rất mạnh mẽ, đôi lúc gây ra một tình trạng có thể nói là “lộn xộn” quá mức. 

Chúng ta đã thấy trong cuộc sống và ngay cả tại các diễn đàn khoa học sự lạm dụng tiếng nước ngoài, sự sử dụng chắp vá, có thể nói là khá bừa bãi, thậm chí là sự khoa trương có phần lố bịch của một bộ phận người dân, nhà khoa học. Đặc biệt là sự lạm dụng này đang xảy ra ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây ra rất nhiều hệ lụy và ảnh hưởng xấu tới công chúng. Đáng tiếc là xu hướng này có phần tăng lên trong những năm gần đây do xu thế mở cửa của đất nước. Giáo dục tiếng Việt trong nhà trường phổ thông, giáo dục gia đình trong lời ăn tiếng nói của con cháu, sự uốn nắn của người lớn, người có trách nhiệm đối với sự sử dụng tiếng Việt lệch chuẩn của giới trẻ…, cũng chưa được quan tâm thích đáng gây ra một thực trạng khá đau lòng như hiện nay. 

Đã đến lúc cần phải có một sự xem xét nghiêm túc, một sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan có thẩm quyền, kể từ cấp cao nhất, có sự khảo sát toàn diện, điều tra xã hội có chiều sâu và sự thẩm định chặt chẽ để có thể có được một bức tranh tổng thể về ảnh hưởng của các xu thế này đến sự giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, từ đó xây dựng và triển khai hệ thống các giải pháp hiệu quả nhất.

Thời gian qua, chúng ta cũng đã có những nỗ lực không ngừng, những bài nghiên cứu sâu, những hội nghị, hội thảo, những quyết sách mới, những thay đổi trong sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy tiếng Việt và ngữ văn ở các cấp học, những chương trình về tiếng Việt trên báo, đài, truyền hình…, nhưng thật sự từng ấy là chưa đủ vì dường như nó thiếu đi một định hướng chung, một chiến lược xuyên suốt, một quyết tâm thực sự đủ lớn để làm thay đổi nhận thức chung, từ các cấp ban ngành, các thiết chế xã hội, cho đến người dân. Hệ thống giải pháp cần căn cơ và toàn diện, các chế tài đủ mạnh đi kèm với các chế độ tôn vinh, khen thưởng cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng tiếng Việt, đó là điều cốt lõi nhất.

Tôi cũng cho rằng Nhà nước cần xem xét lấy một ngày trong năm làm “Ngày tôn vinh và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”.

Thưa ông, cuộc sống càng phát triển năng động thì tốc độ gia tăng vốn từ vựng mới ngày càng cao. Đó là xu thế tất yếu. Cần phải làm gì để chấn chỉnh những lệch lạc trong sử dụng ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi ngôn ngữ?

– Trước hết, những thiết chế được giao nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn chính sách, như Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam, hệ thống các trường Đại học…, cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò của mình. Các cơ quan tuyên giáo, các cơ quan thông tin đại chúng, các Nhà xuất bản…, cũng đóng một vai trò quyết định. Đối với ảnh hưởng không tốt từ sự thâm nhập của tiếng nước ngoài thì cần quan niệm giao lưu văn hóa là xu hướng chung, nhưng làm sao để  “để hòa nhập nhưng không hòa tan” lại là vấn đề khác.

Cuối cùng, nói gì thì nói, ý thức của người dân là cái quan trọng nhất, ý thức đó không tự nó sinh ra mà là sản phẩm của cả một quá trình giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, từ công sở nơi làm việc đến đến các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng…, tất cả sẽ làm nên một sức mạnh tổng hợp để ở mọi nơi, mọi lúc người dân được sống trong một không khí trong lành của một tiếng Việt trong sáng, giàu nhạc điệu, giàu sức sống.  

Nhắc đến một Hội nghị Văn hóa, nhiều người thường chỉ nghĩ đến các nội dung liên quan đến các loại hình nghệ thuật, đến văn học, thơ ca, đến các phong tục tập quán…, nhưng thực ra một yếu tố nằm cơ hữu trong tất cả các nội dung đó, góp phần quan trọng tạo nên những giá trị đó là ngôn ngữ lại có phần chưa được quan tâm thích đáng!   

Hy vọng rằng trong Hội nghị Văn hóa sắp tới, tiếng Việt sẽ tìm lại được vị trí vốn có của nó, vị thế, vai trò, và nhu cầu bức thiết giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt được đặt lên ngang tầm với những vấn đề quan yếu khác, chúng ta sẽ có hẳn một tiểu ban  riêng dành cho tiếng Việt, để sau Hội nghị, đất nước sẽ được chứng kiến một luồng sinh khí mới thổi hồn vào trong tiếng Việt yêu thương của chúng ta.

Theo Lao Động

Sinh viên nước ngoài tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Ảnh: NGỌC TÙNG

"Việc đánh giá vị thế của tiếng Việt nói riêng, ngành Việt Nam học nói chung là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế, và đang có xu thế trở thành mối quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế".

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo "Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường ĐH" diễn ra tại Hà Nội ngày 3-11, PGS.TS Nguyễn Thiện Nam khẳng định: "Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

Theo đó, vị trí và vai trò của tiếng Việt cũng ngày càng được đánh giá cao hơn và là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới.

Việc tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở những ĐH nổi tiếng nhất của thế giới và khu vực, được công nhận là môn thi ĐH ở Hàn Quốc, được coi là một "chuyên ngữ" trong một số trường phổ thông chuyên ngữ ở Nhật Bản, được coi là ngoại ngữ tự chọn trong trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 ở Đài Loan... là những minh chứng hùng hồn cho điều đó".

* Trong phát biểu tổng kết hội thảo, ông có nói một trong những mục tiêu lớn lao của hội thảo là góp phần kết nối một cộng đồng khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên khắp thế giới. Cộng đồng này hiện như thế nào, ông có thể cho một vài phác họa?

- Hiện nay, việc giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường ĐH ở Việt Nam và trên thế giới đang phát triển rộng khắp, có thể nói ở những mức độ khác nhau, không có châu lục nào không có việc giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Khoa Việt Nam học và tiếng Việt có hợp tác liên kết với hầu hết các ĐH này dưới các hình thức trao đổi sinh viên, trao đổi giáo viên, phối hợp trong các chương trình nghiên cứu. Trong đó phổ biến nhất là chương trình ngắn hạn, các ĐH này gửi sinh viên sang Việt Nam thực tập tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

PGS TS Nguyễn Thiện Nam - Ảnh: N.T.

* Ông cũng dẫn những con số biết nói của hội thảo: 14 báo cáo tổng quan về tình hình giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại các trường ĐH Việt Nam và thế giới, 35 báo cáo về chủ đề Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng, 14 báo cáo nghiên cứu về nguồn lực văn hóa, cấu trúc văn hóa của các vùng miền tiêu biểu ở Việt Nam... Những con số này cho thấy niềm tin về khả năng khai thác Việt Nam học như một ngành khoa học cơ bản là có cơ sở. Theo ông, cần làm gì để "niềm tin" đó trở thành hiện thực?

- Việt Nam học trên thực tế đã được ghi nhận là 1 trong số 7 ngành khoa học cơ bản của Trường ĐH KHXH&NV [ĐHQG Hà Nội]. Chúng tôi nói đến "niềm tin" ở đây có nghĩa là nói đến sự "bền vững" của thành tựu mà Việt Nam học đã đạt được, là lý do bên trong, là nội lực cho mọi sự phát triển tiếp theo của ngành khoa học này.

Niềm tin đó đã thực sự trở thành hiện thực rồi, vấn đề còn lại là con đường ấy có tiếp tục mở rộng và tạo ra những cột mốc mới hay không.

Chính sách phát triển giáo dục, khả năng kết nối cộng đồng khoa học thế giới về tiếng Việt và Việt Nam học, tạo thêm luận chứng khu vực học cho Việt Nam học, xây dựng đội ngũ chuyên ngành có hệ thống, xây dựng môi trường học thuật tạo điều kiện cho những nghiên cứu Việt Nam học đi vào chiều sâu, theo tôi, đó là các yếu tố nhất thiết cần có để Việt Nam học giữ vững vai trò khoa học cơ bản.

Học tiếng Việt bằng tình yêu Việt Nam

Nhiều đại biểu, học viên, cựu học viên nước ngoài từng theo học tiếng Việt đã chia sẻ như vậy tại hội thảo khoa học quốc tế "Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường ĐH".

Là người nước ngoài nổi tiếng với khả năng nói tiếng Việt điêu luyện, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam Saadi Salama - cựu học viên của trường - chia sẻ đã có rất nhiều người hỏi ông về "bí quyết học tiếng Việt, nói tiếng Việt như một người Việt Nam".

"Để học được tiếng Việt cần sự say mê văn hóa, phong tục và những truyền thống lâu đời cùng những trang lịch sử của Việt Nam. Để trở thành người nói tiếng Việt giỏi thì mỗi người nước ngoài cần có tâm hồn Việt Nam, có tư duy một phần giống với người Việt Nam. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó, nhưng khi đã có tình yêu thì không có việc gì khó" - ông Saadi Salama nhấn mạnh.

Trong khi đó, đứng ở vị trí của một cơ sở đào tạo hàng đầu về tiếng Việt và Việt Nam học, GS Phạm Quang Minh - hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội - khẳng định tiếng Việt là cầu nối quan trọng cho bất cứ người nước ngoài nào bước vào lãnh địa nghiên cứu Việt Nam và muốn cảm nhận Việt Nam thật sự. Tiếng Việt cũng chính là cầu nối quan trọng trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.

15 cựu học sinh là đại sứ

Sinh viên quốc tế bắt đầu theo học tiếng Việt ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của ĐH KHXH&NV từ năm 1956. Tới năm 1968, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập khoa tiếng Việt.

Đến năm 2008, khoa được đổi tên thành khoa Việt Nam học và tiếng Việt, chức năng và nhiệm vụ được mở rộng hơn và bắt đầu tuyển sinh viên Việt Nam cho chương trình cử nhân Việt Nam học từ năm 2010.

Trong 50 năm qua, hơn 10.000 người nước ngoài đã được đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại khoa, trong số đó có nhiều người trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới, nhiều nhà ngoại giao, chính khách cao cấp, 15 cựu sinh viên là đại sứ các nước tại Việt Nam...

Sẽ có chương trình tiếng Việt mới cho người Việt ở nước ngoài

N.HUY - NGỌC HÀ

Video liên quan

Chủ Đề