Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

18-08-2021

Nhiều trẻ sinh ra sau vài ngày, hình thành một cục (u, bướu) màu đỏ tươi trên cơ thể. Chúng được gọi là U máu. Điều này gây nhiều băn khoăn, lo lắng cho người mẹ: khối đó là gì, có nguy hiểm không, điều trị như thế nào?

Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

U máu là gì?

U máu (dị dạng mạch máu bẩm sinh) là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Hầu hết các dị dạng thường xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong vài tuần, vài tháng sau sinh. Loại u này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là các u máu vùng mặt, da đầu, ngực và lưng

U máu phát triển và biểu hiện như thế nào?

Khối u thường phát triển nhanh ở trẻ từ 5 – 10 tháng tuổi mới ổn định, tuy nhiên một số trường hợp phát triển chậm cho đến khi trẻ 18 – 20 tháng tuổi. Cuối cùng là thoái triển cả về hình thái và kích thước: kích thước nhỏ dần, màu nhạt dần. Đa số khối u biến mất hoàn toàn hay một phần khi trẻ 5 – 9 tuổi.

Về hình thái, u máu được phân 3 loại: mao mạch, hang, và hỗn hợp. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một đặc điểm sinh lý và tiến triển tự nhiên:
-    U máu mao mạch: nổi đỏ ngay trên da, phổ biến nhất,còn gọi là u máu nông, có màu đỏ.
-    U máu dạng hang: u máu sâu dưới da, ít phổ biến, có màu xanh, khi lớn gồ lên trên da.
-    U máu hỗn hợp: khá phổ biến trên trẻ, tổn thương sâu dưới da, có nhuộm màu bề mặt, có cả màu xanh và đỏ trong khối u.

Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

Chẩn đoán u máu

Chẩn đoán u máu trẻ em chủ yếu dựa vào lâm sàng, trong một số trường hợp phức tạp hơn, u máu ở sâu hoặc xâm chiếm cấu trúc quan trọng, có thể kết luận qua kết quả siêu âm hoặc MRI. 

Điều trị 

Vì hầu hết các u máu sẽ thoái triển tự nhiên nên bác sĩ không can thiệp gì, chỉ theo dõi tích cực, đo kích thước và chụp ảnh để theo dõi diễn biến khối u mỗi 3 – 6 tháng.

Điều trị được cân nhắc nếu:
-    U máu gây ảnh hưởng chức năng gồm: hạn chế tầm nhìn, cản trở đường thở, hạn chế thính lực…
-    U máu có biến chứng: loét, chảy máu, nhiễm trùng…
-    U máu thoái triển để lại di chứng thẩm mỹ nặng nề, hoặc ảnh hưởng tâm lý, xã hội cho trẻ.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích của việc điều trị và những tác dụng phụ có thể gặp phải. Khi có bất kì lo lắng, thắc mắc gì về u máu và phương án điều trị cho bé, phụ huynh đừng ngần ngại trao đổi với các y bác sĩ của mình. Khoa Nhi- Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ và toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi. Bệnh viện tiếp nhận khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị nội trú và ngoại trú hầu hết các bệnh lý nhi khoa, là lựa chọn uy tín của các bố mẹ trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

Ths.Bs. Trương Đức Hiển
Khoa Nhi - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

(Nguồn: Uptoday, Pediatric.aappublications.org)

Dấu hiệu, cách điều trị bệnh u máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

U máu là 1 bệnh thường gặp ở trẻ. Hầu hết các dị dạng thường xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong vài tuần, vài tháng sau sinh. Bản chất của khối u là sự tăng sinh của mạch máu, chính xác là sự tăng sinh của các tế bào nội môi gây nên. 

Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

Các đặc tính của u máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bệnh u máu là bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 30% số bệnh nhân là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở giai đoạn 1 tuổi. Một phần nhỏ xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Bệnh u máu có đặc tính là mang đầy đủ các tính chất của một khối u ngoại trừ một tính chất, đó là khối u rất lành tính và đa phần tự teo đi trong các giai đoạn về sau. Khác với các khối u phần mềm khác, thường to lên và phát triển theo thời gian. Đến một giai đoạn nhất định chúng có thể chuyển thành ác tính. Còn u máu đa phần lành tính và tự khỏi.

U máu có ba dạng cơ bản là u mao mạch, u dạng hang và u hỗn hợp. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong cơ thể miễn là tại vị trí đó có nhiều mạch máu. Nhưng thường thì u máu xuất hiện ở da là chủ yếu. Chỉ một phần nhỏ xuất hiện trong nội tạng.

Thường thường, người ta thấy u máu xuất hiện ở mặt, đầu, cổ, mông, đùi. Và thường là ở trẻ em. Chỉ một số ít xuất hiện ở gan, hầu họng, tim, cột sống. Những dạng này chiếm tỷ lệ vô cùng ít và thường gặp ở người trưởng thành. Đa phần u máu nội tạng xuất hiện ở gan.

Dấu hiệu nhận biết u máu

U máu là một bệnh thường gặp ở da nên dấu hiệu nhận biết rất đơn giản. Chúng có biểu hiện ở 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là dạng nhẹ. Dấu hiệu là những vết thay đổi màu sắc mà thường là đỏ, đỏ tím hoặc phớt xanh. Ở giai đoạn này chúng ít khi tạo thành u, cục hay khối. Đa phần chúng bằng phẳng như một cái “bớt trẻ em”.

Cấp độ thứ hai là dạng trung bình. Ở giai đoạn này, u máu phát triển thành một khối u thực sự. Nghĩa là chúng gồ lên, nổi lên hoặc đội da lên thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng. Tất nhiên, chúng vẫn mang màu sắc như cũ. Đó là màu của máu trong khối u.

Cấp độ thứ ba giống dạng trung bình nhưng biểu hiện kèm theo khi khối u vỡ ra hay biến chứng. Thường là sự chảy máu nếu như khối u ngoài da, vỡ ra, loét nếu như khối u ở sâu trong phần mềm. Ngoài ra là những dấu hiệu đặc thù cơ quan mà tại đó khối u máu to lên, chèn ép vào tạng và cơ quan chủ đích.

U máu thường ít khi gây ra biến chứng. Vì chúng tự biến mất đi khi trưởng thành. Ít trường hợp tồn tại và phát triển to lên. Nhưng cũng có một số trường hợp không diễn ra như vậy. Khi đó chúng có thể gây ra biến chứng.

Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

Biến chứng của u máu nói chung ít nguy hiểm và rất ít khi xảy ra. Thường thì người ta không đặt vấn đề biến chứng trong bệnh này. Trong một số trường hợp, xin lưu ý là rất hạn hữu, có thể gây nguy hiểm. Chẳng hạn như u máu ở hầu họng có thể gây ra khó thở khi chúng quá to, u máu ở tim có thể làm giảm lưu thông tuần hoàn qua tim do u máu chiếm chỗ, u máu trong cột sống có thể làm yếu xương, u máu ở mắt có thể làm suy yếu thị lực, u máu trong gan có thể làm tắc một vài vi quản mật.

Với những u máu ở ngoài da, không khó để phát hiện ra bệnh. Mặc dù thỉnh thoảng cũng hay bị chẩn đoán nhầm với những vết xước ngoài da hay những chấn thương phần mềm. Nhưng với u máu trong sâu nội tạng thì cần phải có những xét nghiệm chuyên biệt. Ba xét nghiệm hay được phối hợp thêm để chẩn đoán là siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp công hưởng từ (MRI).

Điều trị u máu như thế nào?

U máu đa phần lành tính và không cần điều trị đặc biệt, tự khắc chúng sẽ teo và biến mất. Nhưng cũng có những u máu không nhỏ đi mà tồn tại như một khối u thực sự. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh. Điều trị lúc này thực sự hữu ích.

Trong giai đoạn đầu, u máu sẽ nhỏ lại một cách đáng kể với các thuốc điều trị. Các thuốc có thể áp dụng là corticoid (có dạng uống, dạng bôi và dạng tiêm trực tiếp vào khối u), hóa chất chống ung thư, thuốc chẹn beta.

Khi việc dùng thuốc không có kết quả hoặc không thuyên giảm như kỳ vọng thì phẫu thuật được xem là một biện pháp triệt để. Có hai phương pháp cơ bản là phẫu thuật bằng lase và cắt bỏ. Áp dụng theo phương pháp nào là tùy vào chiến lược điều trị của từng người và tùy vào vị trí xuất hiện khối u máu. Thường thì lase ưu tiên sử dụng ở những trường hợp u máu ở nông, bề mặt và những vị trí thẩm mỹ nhạy cảm như mắt, môi, mũi, tai, mặt. Nói chung, các can thiệp trong những trường hợp này thường không quá phức tạp. Rất ít khi u máu nội tạng phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật.

Hình ảnh u máu ở trẻ sơ sinh

Một ca phẫu thuật u máu ở tay cho trẻ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An 

(Mọi thắc mắc cần được hỗ trợ về bệnh u máu liên hệ Khoa Chấn Thương: 0912.476.229 hoặc Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt: 0911.462.228)

Trần Hiền - P. QLCL&CTXH

Các tin liên quan

  • Lồng ruột ở trẻ em: cần phát hiện và xử trí kịp thời
  • Phóng Sự Bệnh Sởi
  • Cảnh báo pháo nổ ở trẻ
  • Bản công bố cơ sở khám bênh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu khối ngành sức khỏe
  • Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trao quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp Khoa - Phòng
  • VÌ SAO NÊN CHỌN BỆNH VIỆN SẢN NHI LÀ ĐIỂM "VƯỢT CẠN"
  • Kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ
  • Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đưa vào sử dụng tòa nhà 7 tầng dành cho khối Phụ - Sản
  • Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
  • Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Thêm 1 trường hợp bé 2 tuổi bị chó nhà cắn rách mặt, tổn thương mắt