Khôn nhà dại chợ là gì năm 2024

(Ngày ngày viết chữ) Tục ngữ ca dao ta có rất nhiều câu nói về chuyện khôn chuyện dại. Trong bài viết này, Ngày ngày viết chữ giới thiệu một số câu, để bạn đọc có thể phần nào nhìn thấy được triết lý của người xưa xoay quanh mấy chữ khôn dại.

Trước hết, có thể thấy thái độ coi trọng người khôn khéo, tài giỏi của người xưa qua mấy câu như:

Ba năm ở với người ngu, Không bằng một tháng giao du người tài.

Gỗ lim săng cứng khó bào, Người khôn gặp nạn chẳng nao tấm lòng.

Con khôn đẹp mặt mẹ cha, Nhược bằng con dại nhuốc nha trăm đàng.

Con cháu mà dại thì hại ông cha.

Hoa thơm ai chẳng muốn đeo, Người khôn ai chẳng nâng niu bên mình.

Hoa thơm ai chẳng nâng niu, Người khôn ai chẳng mến yêu mọi bề.

Chim khôn thì khôn cả lông, Khôn cả cái lồng, người xách cũng khôn.

Ai đâu thương kẻ ngu si, Ai đâu thương kẻ nằm lì mà ăn.

Khi coi trọng sự khôn ngoan, người xưa cũng không quên nhắc nhở “núi cao còn có núi cao hơn”, người khôn lanh ắt có người còn khôn lanh hơn:

Ai khôn bằng Tiết Đinh San, Cũng còn mắc kế nàng Phàn Lê Huê.

Và vì coi trọng sự khôn ngoan, nên người xưa dạy nhiều câu liên quan đến phép ứng xử, ăn ở sao cho đúng thật khôn ngoan:

– Chim khôn bớt lông, người khôn bớt lời.

– Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời.

– Chim khôn vì tiếng, người khôn vì lời.

– Chó khôn chẳng sủa chỗ không.

– Giàu tặng của, khôn tặng lời.

– Giận mất khôn, no mất ngon.

– Dại bầy hơn khôn độc.

– Dại làm cột con, khôn làm cột cái.

Chim khôn chẳng phụ cây tàn, Gái khôn chớ thấy cơ hàn mà vong.

Cá khôn chẳng núp bóng dừa, Gái khôn chẳng thể lê la nhà người.

Chim khôn gìn giữ bộ lông, Người khôn khi nói cũng không dậm lời.

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Chim khôn lánh bẫy lánh dò, Người khôn lánh chỗ hồ đồ mới khôn.

Chim khôn ăn mận ăn đào, Gái khôn ăn nói ngọt ngào dễ nghe. Chim ngu ăn khế ăn me, Gái ngu mở miệng chua lè mắm thiu.

Chim khôn chưa bắt đà bay, Người khôn chưa nắm cổ tay đà cười.

Chim khôn chưa bắt đà bay, Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời.

Chim khôn chưa bắt đã bay, Người khôn ít nói ít hay trả lời.

Dại nhà khôn chợ mới ngoan, Khôn nhà dại chợ thế gian chê cười.

Chó ngu sủa mặt trăng, Người ngu hát ngày mùa.

Bên cạnh đó, người xưa cũng rất xem trọng chuyện tôn ti, cho nên dạy rằng:

Em khôn cũng là em chị, Chị dại cũng là chị em.

Về nguyên do kém phần khôn ngoan, chịu cảnh ngu khờ, người xưa tin rằng nghèo cũng là một nhân tố quan trọng:

Ai làm cái phận tôi nghèo, Kém ăn kém nói, kém phần khôn ngoan. Bởi chưng chẳng có bạc vàng, Cho nên em phải nhường khôn cho người.

Giàu thì nói một khôn mười, Khó thì nói chẳng được lời nào khôn.

Bởi nghèo chịu chữ ngu si, Phải chi có của, lựa gì thua ai.

Tôi nghèo tôi mới ngu si, Tôi giàu tôi có thua gì vĩ nhân!

Bàn về chuyện khôn dại trong cái nhìn mỉa mai, người xưa bảo rằng:

– Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức.

– Khôn từng xu, ngu bạc vạn.

– Chó dại có mùa, người dại quanh năm.

Về chuyện dựng vợ gả chồng, – là một chuyện quan trọng của đời người – thì phải tìm người khôn ngoan mà trao gởi, bởi vì:

Chồng khôn vợ đặng đi giày, Vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan.

Nếu được thì phải kiếm người khôn ngoan giống mình, vì nếu chẳng may gieo duyên mà kẻ khôn người đần, ấy là một điều đáng tiếc, dễ khiến cuộc sống hôn nhân kém viên mãn.

Anh khôn mà lấy vợ đần, Lấy ai đưa đón khách gần khách xa.

Anh khôn nhưng vợ anh đần, Lấy ai lo liệu xa gần cho anh.

Nước đường mà đựng chậu thau, Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài. Tiếc thay da trắng tóc dài, Bác mẹ gả bán cho người đần ngu. Rồng vàng tắm nước ao tù, Người khôn ở với người ngu nặng mình.

Thuyền rồng chở lá mù u, Người khôn ở với người ngu bực mình.

Chim khôn ăn trái bù lù, Người khôn ở với người ngu bực mình.

Con gái khôn lấy nhầm chồng dại, Bứt bông hoa lài cặm bãi cứt trâu!

Chồng khôn thì nổi cơ đồ, Chồng dại luống tốn công phu, nhọc mình.

Gái khôn thì chồng con nhờ, Gái đần thì đơm đó thả lờ trôi sông.

Theo đó, người xưa dạy nguyên tắc kén vợ chọn chồng như sau:

Chim khôn ăn nhãn ăn xoài, Em khôn ngồi đợi tú tài cử nhơn.

Chim khôn đậu nóc nhà quan, Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng. Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái ngoan tìm chồng ở chốn ba quân.

Chim khôn đậu nóc nhà quan, Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng. Xưa nay những khách má hồng, Thà hầu quân tử hơn chồng đần ngu.

Chim khôn chọn cội chọn cành, Gái khôn chọn chốn trai lành gửi thân.

Chim khôn chọn ổ, lựa chỗ nhiều cành, Gái khôn chọn lựa chỗ trai lành gởi thân.

Chim khôn lựa nhành mà đậu, Gái khôn kiếm nơi nhân hậu mà nhờ.

Chữ rằng hoạ phước vô môn, Sang giàu dễ kiếm, người khôn khó tìm.

Chữ rằng hoạ phước vô môn, Tìm giàu thì dễ, tìm khôn khó tìm.

Nếu ai ham giàu mà bất chấp lấy chồng khờ ngu, người xưa cảnh tỉnh:

Ham giàu mà lấy đứa ngu, Của ăn hay hết, đứa ngu hãy còn.

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, người xưa cũng quan niệm:

Củi mục khó đun, Chồng lành dễ khiến, Chồng khôn khó chiều.

Mà nếu đã lỡ lấy phải chồng ngu, thì cũng phải giữ cho vẹn đạo:

Ngu si cũng thể chồng ta, Dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người.

Trong quan hệ giữa người với người, chuyện “cá mè một lứa”, “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” là chuyện rất hiển nhiên, cho nên:

Bạn vàng sánh với bạn vàng, Ngu si dẹp lại, một đàn ngu si.

Và lắm lúc, người xưa không khỏi cảm khái trước thế thái nhân tình, rằng:

Con cá không cắn câu, bảo rằng con cá dại, Vác cần về rồi, nghĩ lại con cá khôn.

Con còng dại lắm em ơi, Uổng công xe cát, sóng dồi lại tan.

Nếu lỡ mà có những lúc vụng dại, thì cũng phải nhớ lấy mà sửa đổi:

Ăn tương không phải là tu, Ăn tương cho hết cái ngu để chừa.

Cuối cùng, tuy là xem trọng chuyện khôn lanh, nhưng người xưa cũng bảo rằng Ngu si hưởng thái bình, âu cũng vì Càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều.