Nguyên nhân lạm phát không ổn định

Mặc dù áp lực lạm phát được đánh giá là lớn, giá cả tăng cao tác động đến đời sống của người dân, tuy nhiên, so với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát. Thành công trong kiểm soát giá cả tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2022.

1. Thực trạng vấn đề lạm phát và nguyên nhân
 

Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của đồng tiền. 
 

Trong Top 5 thách thức đối với sự tăng trưởng ngành Ngân hàng năm 20221, nguy cơ đầu tiên là rủi ro lạm phát lan rộng. Điều này xuất phát từ bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức cao kỷ lục. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được xử lý, thêm nữa, xung đột Nga - Ukraine càng gây nên thiếu hụt nguồn cung, khiến lạm phát gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. 
 

Lạm phát tại Mỹ tăng 8,5% (7/2022). Lạm phát của khu vực đồng Euro lập kỷ lục, tăng 8,9%, cao gấp hơn 4 lần so với lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu2. Tại châu Á, lạm phát của Thái Lan tăng 7,61%; Hàn Quốc tăng 6,3%; Indonesia tăng 4,9%; Nhật Bản tăng 2,6% và Trung Quốc tăng 2,7% (tháng 7/2022)3. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu lên tới 7,8% (quý II/2022) - mức cao nhất kể từ năm 2008.
 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xác định những nhân tố chính khiến gia tăng lạm phát trên thế giới, đó là:
 

Thứ nhất, tắc nghẽn chuỗi cung ứng do nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trên thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu, khí đốt đã gây ra lạm phát tăng mạnh tại châu Âu, khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất tăng, đẩy áp lực lạm phát lên cao4.
 

Sau khi đã khắc phục khá thành công đại dịch, tổng cầu của nền kinh tế tăng. Việc triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế với tổng cầu lớn, tăng đột biến sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát. Nhiều nền kinh tế lớn thế giới (phần lớn là các nước phát triển) đã sử dụng gói tài khóa hơn 10.400 tỷ USD để kích thích kinh tế phục hồi. Đây được xem là một trong những nhân tố thúc đẩy lạm phát thế giới tăng cao. Hiện nay, tổng cầu thế giới cũng đang tăng kéo giá nguyên vật liệu (năng lượng, thực phẩm…) tăng theo. 
 

Thứ hai, thiếu hụt lao động. Dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp phục hồi, bắt đầu tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó thiếu hụt lao động sẽ là yếu tố sức ép làm lạm phát tăng cao. Thiếu hụt lao động tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng cao và các doanh nghiệp hoạt động trở lại với công suất cao. Thiếu hụt lao động sẽ khiến doanh nghiệp phải chi thêm tiền để thu hút, tuyển dụng, đào tạo lao động.
 

Thứ ba, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa. Chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch. Một phần hiệu ứng kéo dài do những thay đổi trong xã hội như sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa. Dịch Covid-19 được kiểm soát, người dân ăn uống bên ngoài nhiều hơn, các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao, cũng tạo nên áp lực lạm phát. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá hàng hóa lương thực thế giới tăng cao nhất trong 60 năm (1962 - 2022)5. Giá lương thực thế giới tăng dẫn đến áp lực lạm phát tăng.
 

Thứ tư, xung đột Nga - Ukraine khiến cho chuỗi cung ứng nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất bị đình trệ. Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn tại các thị trường lương thực, thực phẩm và năng lượng. Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi gia súc) đang rất cao. Giá các mặt hàng thế mạnh của Nga như lúa mỳ, phân bón, than, thép, các kim loại cơ bản đều đã tăng vọt. Điều này tác động lớn đến các ngành chăn nuôi, trồng trọt - bệ đỡ của nền kinh tế.
 

Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về niken, neon, krypton, nhôm và palladium - những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử. Vì vậy, bất kỳ sự hạn chế hoặc đình trệ về nguồn cung hàng hóa từ Nga đều gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử.
 

IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nâng mức dự báo về rủi ro lạm phát leo thang. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3% GDP năm 2022, giảm mạnh so với mức dự đoán trước đó 4,5% GDP. Kinh tế thế giới ngày càng phải đối mặt rõ nét hơn với nguy cơ lạm phát cao đi kèm suy thoái tiềm ẩn. Đây là thảm họa khủng hoảng kép năng lượng: Năng lượng cho nền kinh tế (dầu khí) và năng lượng cho con người (lương thực).
 

Mặc dù lạm phát thế giới tăng cao nhưng lạm phát của Việt Nam chưa đáng lo ngại. Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát (CPI) của Việt Nam ước tăng khoảng 2,6% - 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Áp lực lạm phát thế giới tăng cao, nhưng chỉ số lạm phát Việt Nam vẫn giữ dưới 4% là nhờ những yếu tố cộng hưởng sau:
 

Một là, danh mục hàng hóa và dịch vụ trong CPI ở mỗi quốc gia cũng như tập quán tiêu dùng, cơ cấu chi tiêu của các nước khác nhau. Ở Mỹ và châu Âu, chi tiêu cho các nhóm về nhà ở, ga, điện, giao thông, vui chơi, giải trí, khí đốt chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá dầu thô, khí đốt tự nhiên vốn đã cao khi nền kinh tế phục hồi thì nay lại càng bị đẩy lên cao hơn khiến mức chi phí cho tiêu dùng khí đốt tăng. Ở Việt Nam, tỷ trọng hàng tiêu dùng lớn lại nằm ở nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, chiếm khoảng 40% trong rổ chi tiêu hàng hóa. Vì vậy, mức giá chi tiêu tiêu dùng của Mỹ và các nước phương Tây cao hơn nhiều so với mức giá của Việt Nam.
 

Hai là, hoạt động sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam luôn được đảm bảo. Nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả luôn ổn định. Thậm chí, nhóm thực phẩm giảm 1,2% (quý I/2022). Nhờ đó, lạm phát giảm 0,26%.  
 

Việt Nam xuất khẩu thực phẩm chứ không phải nhập khẩu thực phẩm nên ít bị tác động nhiều về giá cả, khi giá cả thế giới tăng. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thấp hơn nhiều do Việt Nam sản xuất đủ lương thực để nuôi sống người dân6 và giữ được mặt bằng giá thấp hơn so với nhiều quốc gia khác nhờ đảm bảo được nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, do đó áp lực lạm phát ít hơn.
 

Ba là, sự chủ động trong điều hành tỷ giá. Để chủ động ứng phó với các thách thức, áp lực về lạm phát tăng cao, Việt Nam đã nhanh chóng ban hành các chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giảm áp lực lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022.
 

Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% (có hiệu lực từ ngày 17/10/2022) nhằm hóa giải các khó khăn về cung cầu ngoại tệ trong bối cảnh hiện tại. Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN là rất phù hợp trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao và điều chỉnh tỷ giá hối đoái để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết.
 

Mặc dù ổn định tỷ giá là giải pháp tốt nhất song do đồng USD quá mạnh (Mỹ đã 3 lần điều chỉnh lãi suất đồng USD) nên NHNN phải điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá để có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
 

Bốn là, những điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi. Việt Nam có lịch sử kiểm soát tốt lạm phát trong 7 năm liền (2015 - 2021) đạt CPI dưới 4% và có tới 9 năm xuất siêu trong giai đoạn (2011 - 2021). Dự trữ ngoại hối tăng cao (đạt 105 tỷ USD năm 2021). Kinh tế Việt Nam trong 2 năm dịch Covid-19 (2020 - 2021) vẫn đạt tăng trưởng dương (2,9% GDP năm 2020 và 2,58% GDP năm 2021) đã giúp tạo dư địa cho Chính phủ kiểm soát lạm phát. Đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực trong khi đồng tiền các nước mất giá khoảng 1 - 5% so với đồng USD. Nhờ những yếu tố vĩ mô thuận lợi và sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, hiệu quả của NHNN giúp ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát.

2. Nhân tố dẫn đến tăng áp lực lạm phát
 

Những yếu tố bất lợi, tạo áp lực lên lạm phát tăng năm 2022 vẫn tồn tại như: (i) Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khá cao (từ 6,5% - 7,5% GDP). Mô hình tăng trưởng vẫn dựa trên nhân tố đầu vào, trong đó, yếu tố vốn sẽ tạo sức ép lên lạm phát; (ii) Các chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và các gói kích thích kinh tế sẽ tác động đến CPI; (iii) Giá cả nhiều nguồn tư liệu sản xuất tăng, cầu nội địa tăng do kinh tế phục hồi cộng với gói kích cầu lớn sẽ ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát. Theo dự báo của Bộ Tài chính, lạm phát bình quân có thể sẽ tăng 3,37 - 3,87% (năm 2022), cao hơn so với mức dự báo 3,4% - 3,7% của Tổng cục Thống kê. 
 

Những nhân tố chính gây áp lực tới lạm phát ở Việt Nam, bao gồm:
 

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Lạm phát là vấn đề toàn cầu. Trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn7, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên chịu áp lực lạm phát. Với độ mở lớn, hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế thế giới, áp lực lạm phát sẽ đến ở cả phía cung và phía cầu. 
 

Về phía cung, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, khi kinh tế phục hồi dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế, khi nguyên vật liệu đầu vào tăng tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát nền kinh tế. 
 

Về phía cầu, dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới lạm phát. Thêm nữa, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật trong giai đoạn chuyển mùa và vào thời điểm cuối năm. Các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý IV/2022, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ tăng đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
 

Thứ hai, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên, nhiên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, làm tăng chi phí cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng cao, tạo áp lực lạm phát của nền kinh tế.
 

Giá một số nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, xi măng, cát, đá tăng mạnh khiến chi phí bảo dưỡng nhà tăng 7,84% (tháng 7/2022). Giá tăng khiến nhà thầu khó tìm được nguồn cung nguyên vật liệu phù hợp hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án theo hợp đồng đã ký. 
 

Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh. Giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần làm tăng mức lạm phát ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí liên quan đến vận tải đã tăng với tốc độ hai con số trong giai đoạn (tháng 4/2021 - tháng 6/2022). Áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm hàng hóa.
 

Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng khi tổng cầu lại tăng đột biến, nhiều quốc gia bắt đầu phục hồi kinh tế nên nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa tiếp tục tăng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao.
 

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra chưa được khắc phục lại được bồi thêm bởi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, gia tăng áp lực lạm phát.
 

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng cùng với các gói hỗ trợ kinh tế làm tổng cầu tăng đột biến. Gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.550 tỷ đồng có khả năng gây áp lực lạm phát. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát năm 2022 - 2023. Khả năng “nhập khẩu” lạm phát là hiển nhiên trong bối cảnh tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng. Các hoạt động dịch vụ, du lịch, hàng không nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại thúc đẩy chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối cùng tăng, cầu tiêu dùng tăng cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao.
 

Thứ tư, áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao. Nhiều nền kinh tế lớn thế giới đã sử dụng khoảng 16,9 nghìn tỷ USD phân bổ chống đại dịch và kích thích kinh tế phục hồi, phát triển khiến giá trị đồng tiền của hầu hết các quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát trên thế giới tăng cao. Tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu của Việt Nam tăng.
 

Nguy cơ mới hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát ở Việt Nam khi Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Việt Nam đang theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc cũng làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc khiến gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế. Giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh, thậm chí dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tới 7,5% GDP, tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá và lạm phát. 

3. Giải pháp kiềm chế lạm phát
 

Trước áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng cao, cần tập trung kiềm chế lạm phát để bảo đảm phát triển và an sinh xã hội. Dịch bệnh Covid-19 được xem là yếu tố chủ đạo kiềm chế lạm phát tại Việt Nam dưới 4% bởi Covid-19 khiến người dân thắt chặt chi tiêu, tình trạng thất nghiệp, tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều bất định nên doanh nghiệp chưa đẩy mạnh đầu tư. Những yếu tố này góp phần làm giá cả chưa thể tăng mạnh. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi, người tiêu dùng tăng chi tiêu, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sẽ gây áp lực lạm phát cao hơn. Mặc dù lạm phát chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm. 
 

Để kiểm soát lạm phát như mục tiêu (4%), cần thực hiện đồng bộ cùng lúc 3 nhóm giải pháp: Giảm tác động của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.
 

Thứ nhất, kiểm soát nguồn cung xăng dầu và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá. Áp lực lạm phát năm 2022 do thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng tổng cầu, đặc biệt là cung về xăng dầu. Xăng dầu tăng 60% (6/2022) gây áp lực lạm phát lớn. Do đó, giải pháp trước hết phải kiểm soát nguồn cung xăng dầu. Mở rộng năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Cần dự trữ xăng dầu bằng hàng chứ không phải bằng tiền nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
 

Thực hiện giảm thuế, đặc biệt là thuế liên quan đến xăng dầu nhằm giảm áp lực tới mặt bằng giá cả hàng hóa. Giảm mức đóng học phí để chia sẻ khó khăn cho người dân đã giúp chỉ số giá dịch vụ giáo dục giảm 3,42% (tháng 7/2022) dẫn đến lạm phát chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tăng góp phần kiểm soát lạm phát vì nhóm giáo dục và nhóm thuốc, dịch vụ y tế đóng góp khá lớn trong rổ hàng hóa tính lạm phát với tỷ trọng chiếm lần lượt 6,17% và 5,39%.
 

Giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa tăng mặc dù chi phí đầu vào của ngành như giá xăng dầu, giá than đều đã tăng cao. Giá bán điện được kiểm soát một phần nhờ khai thác tối đa được công suất thủy điện do lượng mưa lớn, sản lượng điện mặt trời, điện gió ngày càng tăng nên hạn chế được công suất điện than, điện khí. Giá dịch vụ y tế chưa điều chỉnh. Chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí góp phần quan trọng bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
 

Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu và không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Để kiềm chế lạm phát, cần đảm bảo đủ cung hàng hóa, tránh tình trạng tăng giá bất thường. Tăng cường quản lý thị trường; đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu trong mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực trong bối cảnh Mỹ và châu Âu áp dụng nhiều lệnh trừng phạt Nga.
 

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam được xem là thách thức lớn. Giá cả tăng là do từ bên cung nguyên vật liệu cho nền kinh tế chứ không phải áp lực từ việc cung tiền ra nền kinh tế. Do đó, phải có giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng để không tạo ra sức ép lạm phát. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế không tạo ra cung tiền ào ạt vào nền kinh tế. Gói trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp cũng không thực hiện bơm tiền vào nền kinh tế. Áp lực lạm phát từ gói hỗ trợ chỉ có thể là khi tổng cầu tăng cần sử dụng nhiều nguyên vật liệu, nhu cầu nguyên vật liệu tăng làm giá cả tăng. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.
 

Thứ ba, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cần thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa kết hợp chặt chẽ. Đảm bảo cung ứng kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chính sách tiền tệ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và các gói giải ngân để đưa ra giải pháp thực tế.
 

Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, cân bằng lượng tiền vào - ra, điều tiết giá cả. Trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách kiểm soát giá cả. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô.
 

Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường để kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm về đầu cơ, tháo túng giá cả. Để kiềm chế lạm phát tăng cao, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát. Tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng. Tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.
 

Để kiềm chế lạm phát bền vững trong dài hạn, cần tiếp tục chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng (dựa trên các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, trình độ khoa học - công nghệ cao). Có như vậy, nền kinh tế mới hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm áp lực lạm phát.
 

Thứ tư, bãi bỏ các quy định không hợp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Xóa bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.
 

Tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế số; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả thị trường, đặc biệt đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.
 

Thúc đẩy tăng năng lực sản xuất các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý. 
 

Thứ năm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tránh tác động tâm lý kỳ vọng. Thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.
 

Tăng cường kiểm tra, thanh tra thị trường, chống việc găm hàng, thổi giá, tránh tình trạng lợi dụng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ. Thực hành tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới giá thị trường trong nước. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát thế giới để kịp thời cảnh báo nguy cơ gây nên lạm phát ở Việt Nam. Tăng cường hoạt động truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tránh tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng, ổn định lạm phát kỳ vọng.
 

Tóm lại, dự báo áp lực lạm phát có thể giảm trong quý IV/2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện, lạm phát sẽ ở mức 3,5 - 3,8% năm 2022. Tuy nhiên, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc kéo dài có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu. Tình hình kinh tế kém lạc quan do các căng thẳng địa chính trị cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau của phương Tây và Nga vẫn đang leo thang cùng khả năng bùng phát làn sóng dịch bệnh mới gây rủi ro đáng kể, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế, khi đó lạm phát năm 2023 của Việt Nam được dự báo ở mức khoảng 5%.

1 Top 5 thách thức tăng trưởng ngành Ngân hàng năm 2022 bao gồm: (1) Nguy cơ rủi ro lạm phát; (2) Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; (3) Thể chế pháp luật chưa hoàn thiện với các mô hình kinh doanh mới; (4) Sự cạnh tranh trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; (5) Rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng.
2 Thùy Dương (2022), Bộ Tài chính: Nhiều giải pháp cộng hưởng kiềm chế lạm phát, https://www.vietnamplusvn
3 Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát 8 tháng đầu năm 2022,  https://consosukien.vn
4 Thảo Phương (2022), Lạm phát đang nóng, giải pháp nào để kiềm chế, https://www.qdnd.vn
5 Hoài Anh (2022), Tổng cầu tăng đột biến gây áp lực lớn lên lạm phát năm 2022, https://haiquanonline.com.vn
6 Theo đánh giá của Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, https://www.eurochamvn.org

7 Độ mở tự do kinh tế cao nhất 89,7 thuộc về Singapore và thấp nhất là 5,2 thuộc về Triều Tiên. Tại Việt Nam, chỉ số là 61,7 (2021).

Tài liệu tham khảo:
 

1. Thùy Dương (2022), Bộ Tài chính: Nhiều giải pháp cộng hưởng kiềm chế lạm phát, https://www.vietnamplus.vn

2. Huy Thắng (2022), Lạm phát năm 2022: Sức ép lớn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, https://baochinhphu.vn

3. Minh Tâm (2022), Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát mục tiêu 4% năm 2022, https://forbes.vn

4. Nguyễn Hiền (2022), UOB dự báo lạm phát có thể lên tới 5% vào 2023, https://haiquanonline.com.vn

5. Hoài Anh (2022), Tổng cầu tăng đột biến gây áp lực lớn lên lạm phát năm 2022, https://haiquanonline.com.vnPGS., TS.

PGS.,TS. Phạm Thị Thanh Bình(Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TS. Vũ Thị Quế Anh (Đại học Ngoại thương, Hà Nội)