Siêu âm có dịch trong ổ bụng

29/04/2018

Tràn dịch ổ bụng, hay “Cổ trướng”, là sự xuất hiện của dịch bất thường trong các khoang quanh các tạng ổ bụng. Khi tình trạng tràn dịch ổ bụng gây ra bởi ung thư, bác sĩ gọi đó là tràn dịch ổ bụng ác tính. Tràn dịch ổ bụng ác tính phổ biến nhất ở những người có các bệnh ung thư sau đây:

  • Ung thư vú
  • Ung thư đường tiêu hóa, như ung thư dạ dày, đại tràng và ruột non
  • Ung thư buồng trứng
  • Ung thư tụy
  • Ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung
  • Một số ung thư khác

Siêu âm có dịch trong ổ bụng

Hình 1. Tràn dịch ổ bụng (cổ trướng) làm bụng phình to.

Triệu chứng tràn dịch ổ bụng

Tràn dịch ổ bụng có thể gây khó chịu vì những hậu quả do tràn dịch ổ bụng gây ra. Những người bị tràn dịch ổ bụng có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Tăng cân
  • Khó thở
  • Phù nề vùng bụng
  • Cảm giác đầy bụng, đầy hơi
  • Cảm giác nặng nề
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Rốn lồi
  • Bệnh trĩ, gây đau sưng quanh hậu môn
  • Sưng mắt cá chân
  • Mệt mỏi
  • Giảm khẩu vị

Chẩn đoán tràn dịch ổ bụng

Để chẩn đoán tràn dịch ổ bụng, bác sĩ sẽ cần khám bụng và hỏi bệnh nhân về một số triệu chứng xảy ra gần đây. Các xét nghiệm sau đây có thể giúp chẩn đoán tràn dịch ổ bụng:

  • Chụp X quang, giúp khảo sát hình ảnh bên trong cơ thể bằng tia X.
  • Siêu âm, sử dụng sóng âm để khảo sát hình ảnh bên trong cơ thể.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), tạo hình ảnh ba chiều bằng tia X.
  • Chọc dịch, sử dụng kim chọc dịch giải áp và lấy mẫu dịch xét nghiệm. Qua xét nghiệm mẫu dịch, các bác sĩ sẽ tìm ra được nguyên nhân gây nên tình trạng tràn dịch ổ bụng.

Siêu âm có dịch trong ổ bụng

Hình 2. Hình ảnh siêu âm bụng cho thấy có dịch (A) trong ổ bụng, trên gan (L).

Siêu âm có dịch trong ổ bụng

Hình 3. Mặt cắt ngang bụng trên CT cho thấy hình ảnh dịch trong ổ bụng (A).

Xử trí và điều trị tràn dịch ổ bụng

Giảm các triệu chứng là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Việc này được gọi là điều trị hỗ trợ hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh nhân nên trao đổi với nhân viên y tế về bất kỳ triệu chứng nào mới xuất hiện hoặc sự thay đổi các triệu chứng có sẵn.

Mục tiêu điều trị tràn dịch ổ bụng là làm giảm các triệu chứng gây sự khó chịu. Bệnh nhân có thể không cần điều trị nếu vấn đề tràn dịch ổ bụng không gây khó chịu. Quá trình điều trị tràn dịch ổ bụng có thể có những phản ứng phụ không mong muốn xảy ra. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của mỗi phương pháp trước khi quyết định lên kế hoạch điều trị.

Sau đây là các lựa chọn để giúp giảm tràn dịch ổ bụng:

  • Giảm lượng muối từ thức ăn, uống ít nước và các chất dịch khác. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn khó theo chế độ tiết thực này.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này giúp làm giảm lượng nước trong cơ thể. Thuốc lợi tiểu hiệu quả để giảm tràn dịch ổ bụng và không gây các tác dụng phụ cho hầu hết các bệnh nhân. Tuy nhiên chúng có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn sau ở một vài bệnh nhân:
    • Mất ngủ
    • Những vấn đề về da
    • Mệt mỏi
    • Huyết áp thấp
    • Đi tiểu nhiều lần hơn
  • Chọc dịch bụng: Thủ thuật này sẽ mang lại lợi ích khi tràn dịch ổ bụng gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc gây cảm giác đầy bụng mà thuốc lợi tiểu không còn tác dụng nhiều nữa. Nếu bệnh nhân cần chọc dịch thường xuyên, bác sĩ có thể đề nghị đặt một loại ống đặc biệt gọi là catheter trên thành bụng. Ống dẫn lưu (catheter) này sẽ giúp dẫn lưu dịch ra ngoài thuận tiện hơn, ngay cả khi bệnh nhân đang ở nhà. Tuy nhiên, thủ thuật này ít khi được thực hiện ở Việt Nam và một số nước khác.
  • Hoá trị liệu: Phương pháp này có thể áp dụng với một số loại ung thư nhất định, như lymphoma, ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, hóa trị hiếm khi được sử dụng để điều trị tràn dịch ổ bụng.
  • Tạo cầu nối (Shunt): Một số rất ít bệnh nhân có thể cần một thiết bị được gọi là “cầu nối” để dẫn lưu/rút bỏ dịch từ nơi này sang nơi khác trong cơ thể (như từ ổ bụng về tĩnh mạch chủ). Thủ thuật này chưa hoặc ít khi được thực hiện ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/fluid-abdomen-or-ascites
  2. https://www.cancertherapyadvisor.com/general-oncology/malignant-ascites-cancer-diagnosis-management/article/411203/
  3. http://queensimcr.wixsite.com/blog/single-post/2016/08/01/Morning-Report-Pearls-Ascites