So sánh thanh tra và kiểm tra năm 2024

Căn cứ Luật Quản lý thuế 2019, Quyết định 970/QĐ-TCT năm 2023 và Quyết định 1404/QĐ-TCT năm 2015 thì có thể phân biệt thanh tra thuế và kiểm tra thuế qua các tiêu chí sau đây:

Tiêu chí phân biệt

Kiểm tra thuế

Thanh tra thuế

Khái niệm

Hoạt động kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

Thanh tra thuế là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế.

Tính chất

Hoạt động kiểm tra thuế là công việc thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế.

Thanh tra thuế là công việc được tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất của cơ quan quản lý thuế.

Phạm vi

- Kiểm tra thuế được tiến hành với bất kỳ người nộp thuế nào (Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện thường xuyên đối với các hồ sơ thuế. Kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thực hiện với các trường hợp:

+ Người nộp thuế không giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc giải trình, khai bổ sung không đúng, không chứng minh được số thuế phải nộp, số thuế miễn, giảm, hoàn đúng;

+ Các trường hợp kiểm tra sau thông quan gồm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;

+ Kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế.

– Thanh tra thuế được áp dụng khi:

+ Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế

+ Để giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế

+ Chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hóa

+ Thanh tra người nộp thuế theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính

+ Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền

Địa điểm thực hiện

Tại cơ quan thuế hoặc tại trụ sở của người nộp thuế.

Chỉ thực hiện tại trụ sở của người nộp thuế.

Mục đích

Nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế

Đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế; xác minh và thu thập, phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế

Thời hạn

- Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế (thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra); trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;

– Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.

- Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày;

– Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày;

– Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.

Cơ quan có thẩm quyền

Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Vụ, Phòng, Đội được giao chức năng, nhiệm vụ kiểm tra thuế thuộc cơ quan thuế các cấp

Tổng cục Thuế, Cục Thuế

Quy mô

Chỉ kiểm tra số liệu kế toán trong kỳ kiểm tra ghi trong Quyết định kiểm tra đó

Có quy mô rộng hơn, có thể sẽ thanh tra số liệu kế toán ghi trong Quyết định thanh tra và thanh tra những số liệu kế toán từ những đợt kiểm tra trước

Bên cạnh đó, căn cứ vào Luật Quản lý thuế 2019 thì thanh tra thuế và kiểm tra thuế có những điểm giống nhau cơ bản như sau:

- Biên ban thanh tra thuế, kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế. Sau thanh tra, kiểm tra thuế thì phải gửi văn bản kết luận cho người nộp thuế.

- Hoạt động thanh tra thuế và kiểm tra thuế đều là quyền hạn của cơ quan thuế.

- Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra thuế, thanh tra thuế.

- Tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế, quy định khác có liên quan.

- Không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế.

- Khi kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra.

- Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật

So sánh thanh tra và kiểm tra năm 2024

So sánh hoạt động thanh tra thuế và kiểm tra thuế? Quy trình thanh tra thuế mới nhất như thế nào? (Hình từ internet)

Có bao nhiêu trường hợp tiến hành thanh tra thuế?

Căn cứ theo Điều 113 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về các trường hợp thanh tra thuế như sau:

Các trường hợp thanh tra thuế
1. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
2. Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
3. Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
4. Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.

Theo đó, có 4 trường hợp sẽ tiến hành hoạt động thanh tra thuế là:

- Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

- Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

- Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.

- Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.

Quy trình thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế được thực hiện như thế nào?

Căn cứ tại Mục II phần II Quy trình kèm theo Quyết định 1404/QĐ-TCT năm 2015, quy trình thanh tra thuế được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1:Tập hợp tài liệu, phân tích xác định nội dung thanh tra:

- Căn cứ vào kế hoạch thanh tra năm, Lãnh đạo Bộ phận thanh tra phân công công chức thanh tra tiến hành tập hợp tài liệu, phân tích xác định nội dung thanh tra.

- Bộ phận thanh tra, công chức thanh tra không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin tài liệu mà khai thác thông tin, tài liệu đã có tại cơ quan thuế như: Tài liệu, hồ sơ về đăng ký, kê khai, nộp thuế, báo cáo sử dụng hóa đơn,...của người nộp thuế đã nộp cho cơ quan thuế.

Bước 2: Ban hành quyết định thanh tra:

Căn cứ kết quả xác định nội dung thanh tra, Lãnh đạo Bộ phận thanh tra dự kiến thành lập đoàn thanh tra gồm: Trưởng đoàn thanh tra; các thành viên đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có phó trưởng đoàn thanh tra, để trình Lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt Quyết định thanh tra

Bước 3: Công bố Quyết định thanh tra thuế:

Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với người nộp thuế trừ trường hợp được chấp nhận bãi bỏ quyết định thanh tra, hoãn thanh tra.