Vai trò của nhà nước trong công tác điều phối đất đai

Ngăn chặn việc không triển khai dự án vẫn "ôm" đất

Hà Nội là địa phương có số lượng lớn các dự án liên quan đến thu hồi đất. Nhiều dự án hoàn thành đã mang lại diện mạo mới cho đô thị văn minh, hiện đại, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Bên cạnh đó, còn không ít doanh nghiệp "ôm đất", chậm triển khai dự án hoặc cố tình vi phạm Luật Ðất đai để trục lợi. Ðể hạn chế tình trạng này, từ năm 2009 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức được nhà nước giao đất, qua đó phát hiện và kiến nghị thành phố ra quyết định thu hồi hơn 8,3 triệu m2 đất, tạo nên chuyển biến tích cực trong việc quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bỏ hoang đất, sử dụng đất lãng phí vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một người dân sinh sống tại khu đô thị Nam Trung Yên cho biết, từ năm 2008, người dân sinh sống trong khu vực rất phấn khởi khi dự án cải tạo Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, nằm trên địa bàn hai phường Nhân Chính [quận Thanh Xuân] và Trung Hòa [quận Cầu Giấy], do Công ty Vina Megastar làm chủ đầu tư chính thức được triển khai. Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích hơn 13 ha, bao gồm các hạng mục chính như hồ điều hòa, công trình vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại công cộng, cây xanh, đường dạo..., sẽ góp phần kết nối các khu đô thị trong khu vực, tạo dựng một khu đô thị hiện đại, đồng bộ.

Tuy nhiên, niềm vui của người dân trở thành nỗi thất vọng khi suốt gần năm năm trôi qua, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Tấm biển quy hoạch và hệ thống tường rào bảo vệ bao quanh dự án đã xập xệ và không còn nguyên vẹn. Cách đó không xa, khu đất rộng hơn 40 ha nằm sát đường Phạm Hùng từ nhiều năm nay cũng bị bỏ mặc. Ðây vốn là diện tích đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ của người dân xã Mỹ Ðình [huyện Từ Liêm] và phường Yên Hòa [quận Cầu Giấy].

Khoảng mười năm trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, nhiều dự án xây dựng lớn được triển khai đã bao vây toàn bộ khu đất, san lấp hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất. Nhiều chủ phương tiện vận tải đã lợi dụng đêm tối đổ trộm bừa bãi phế thải xây dựng đã nhanh chóng biến khu đất màu mỡ trở thành hoang hóa, khiến người dân phải bỏ ruộng, mất đất sản xuất. Một số đối tượng đã tranh thủ nhảy dù chiếm dụng đất làm nhà ở, dựng lều lán, cho thuê địa điểm kinh doanh, sản xuất, trông giữ, sửa chữa ô-tô, sân bóng đá... Khu đất trở thành địa điểm phức tạp về an ninh trật tự, nơi trú ngụ của nhiều tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhằm giải quyết tình trạng này, đầu tháng 9 vừa qua, thành phố đã công bố quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa tại đây, là cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp tiến hành xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Việc điều tra hiện trạng, xác định nguồn gốc đất, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... đã được tiến hành, nhưng chưa đủ kinh phí chi trả cho người dân. Vì thế, việc triển khai dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2012, qua kiểm tra tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên; các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh cho thấy, bất cập lớn nhất hiện nay là tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư, tình trạng đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Cụ thể: đất khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh còn hơn 37% diện tích đất đã có quyết định giao đất, cho thuê đất chưa xây dựng cơ sở hạ tầng; tỉnh Vĩnh Phúc còn 47,06%, tỉnh Hưng Yên còn 76,15%, tỉnh Bắc Giang còn 60,95%, tỉnh Phú Thọ còn 71,51%; đối với đất đô thị tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,60% diện tích đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chưa xây dựng hạ tầng, tỉnh Hưng Yên còn 75,06%, tỉnh Phú Thọ còn 55,09%.

Thực tế tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án sử dụng đất do nhiều nguyên nhân trong đó có việc quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu nên không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, chưa giải quyết vấn đề xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường, chủ yếu mới chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đến đầu tư hạ tầng xã hội để phục vụ đời sống sinh hoạt của người lao động trong khu công nghiệp, nhất là các công trình phúc lợi xã hội như nhà ở, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao...

Ðặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành. Việc triển khai quy hoạch khu công nghiệp của các địa phương còn hạn chế, việc điều chỉnh quy hoạch, thành lập mới, mở rộng khu công nghiệp của một số địa phương được thực hiện khi chưa hội đủ điều kiện, chưa tận dụng được tiềm năng phát triển của địa phương; tỷ lệ lấp đầy còn thấp [khu công nghiệp 60,53%; cụm công nghiệp đạt 44,25%]. Tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở các địa phương.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn bị chìm lắng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chậm đưa đất vào sử dụng. Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí; do các cơ quan có thẩm quyền về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật thường kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đầu tư của chủ dự án. Bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội.

Ðánh giá đúng thực trạng để có giải pháp hiệu quả

Nhằm xử lý các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ về kết quả thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã kiểm tra và phát hiện 5.828 tổ chức vi phạm với diện tích 73.992,96 ha, đã xử lý 3.670 tổ chức [đạt 61,84%], với diện tích đất 14.323,20 ha [đạt 19,33%], trong đó đã thu hồi diện tích 12.550,40 ha đối với 792 tổ chức.

Hiện nay, việc thu hồi đất do chậm triển khai thực hiện các dự án sử dụng đất gặp phải một số vướng mắc trong đó nhiều địa phương gặp khó khăn khi xác định thời điểm xảy ra vi phạm, đặc biệt là tình trạng nhiều dự án đầu tư đã không xác định rõ tiến độ thực hiện dự án do quy định của pháp luật về đầu tư cho phép chủ đầu tư tự quyết định dự án đầu tư. Trước khi xác định chủ đầu tư vi phạm, các địa phương thường yêu cầu chủ đầu tư tự có các giải pháp khắc phục để tiếp tục thực hiện dự án như huy động thêm vốn, tìm chủ đầu tư khác thay thế thông qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng dự án đầu tư.

Trong khi đó, giải pháp tìm chủ đầu tư khác thay thế trong bối cảnh kinh tế hiện nay lại rất khó khăn. Một số địa phương còn lúng túng khi chủ đầu tư tự tìm được nhà đầu tư khác thay thế do phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu dự án. Thêm vào đó, có nhiều địa phương không có hoặc không đủ nguồn vốn ngân sách để chi trả cho chủ đầu tư giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất để thanh toán phần giá trị còn lại cho người bị thu hồi, nhất là các tỉnh nghèo. Mặc dù, một số địa phương có nguồn thu từ đất rất lớn [tiền sử dụng đất, tiền thuê đất] nhưng phải ưu tiên chi cho các nhiệm vụ cần thiết khác của địa phương, ít dành cho thực hiện thu hồi đất do vi phạm.

Thực tế việc triển khai và thực hiện quy định của pháp luật tại một số địa phương chưa nghiêm đã dẫn đến tình trạng đất giao, cho thuê thực hiện các dự án còn để hoang hoá, lãng phí, trong khi thực tế người nông dân thiếu đất để tăng gia sản xuất. Thực trạng này đã không những gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất thấp mà còn dễ phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp về đất, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, để tăng cường công tác quản lý đất, các địa phương cần triển khai lập quy hoạch sử dụng đất và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức sau khi được Nhà nước giao, cho thuê để bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được xét duyệt quy hoạch mới các cụm công nghiệp nếu không bảo đảm đủ các điều kiện có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tỷ lệ lấp đầy. Mặt khác, cần kiên quyết không cho thành lập mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp nếu không bảo đảm các yêu cầu phù hợp với quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật về đất đai để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư, trong đó có vấn đề thu hồi đất do chậm đưa đất vào sử dụng như quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.

Tăng hiệu quả sử dụng đất đi đôi với tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang trở thành vấn đề quan trọng. Cùng với chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, cho năng suất cao, Nhà nước đã đồng ý cho một số địa phương chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ðây là chính sách quan trọng phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sử dụng sao cho có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và phục vụ lợi ích quốc gia là bài toán đang đặt ra lúc này cho công tác quản lý và sử dụng đất ở các địa phương.

Bài, ảnh: VŨ THÀNH và HÙNG SƠN

Tính đến năm 2013, qua công tác kiểm tra của ngành Tài nguyên và Môi trường, cả nước đã phát hiện 8.161 tổ chức vi phạm, với tổng diện tích đất 128.033 ha; lập hồ sơ thu hồi đất 27.095,417 ha của 559 tổ chức; tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654,551 ha, đồng thời yêu cầu gần 2.000 tổ chức đưa đất vào sử dụng.

-----------------------

[*] Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 21-10-2013.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề