Mẫu hồ sơ tái hòa nhập cộng đồng

Mục lục bài viết

  • 1. Tái hòa nhập cộng đồng là gì?
  • 2. Nguyên tắc bảo đảm, kinh phí tái hòa nhập cộng đồng
  • 3. Nội dung các quy định về tái hòa nhập cộng đồng
  • 3.1. Hỗ trợ về các thủ tục pháp lý và tư vấn tâm lý cho phạm nhân
  • 3.2. Dạy nghề, giải quyết việc làm cho phạm nhân, ưu tiên đối với người dưới 18 tuổi
  • 3.3. Các hình thức truyền thông tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân
  • 3.4. Các biện pháp hỗ trợ khác
  • 4. Trách nhiệm thi hành

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.6162

Cơ sở pháp lý:

Luật thi hành án hình sự năm 2019

Nghị định 49/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập công đồng.

Luật sư tư vấn:

1. Tái hòa nhập cộng đồng là gì?

Tái hòa nhập cộng đồng là một trong những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù. Mặc dù thuật ngữ “Tái hòa nhập cộng đồng” đã xuất hiện trong Luật thi hành án hình sự năm 2010, sau đó đã được Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, cho đến khi Luật thi hành án hình sự 2019 ra đời, chính sách Tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù mới chính thức được luật hóa tại Điều 45, kèm theo đó là Nghị định 49/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập công đồng.

Mẫu hồ sơ tái hòa nhập cộng đồng

Cho đến nay, thuật ngữ “Tái hòa nhập cộng đồng” không được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật. Theo các chuyên gia khoa học hình sự, tái hòa nhập cộng đồng là quá trình phục hồi địa vị pháp lý công dân, là quá trình "hồi sinh về mặt xã hội” của cá nhân, là quá trình mang tính pháp lý và xã hội sâu sắc - cá nhân mãn hạn tù thông qua giao tiếp với cộng đồng để nhận thức lại, tiếp thu và chuyển hoá các giá trị, chuẩn mực pháp lý, văn hoá ứng xử, đạo đức xã hội, từ đó phục hồi và phát triển con người công dân, con người xã hội của mình. Quá trình tái hoà nhập của người bị phạt tù là nhằm hướng tới xã hội và tới các nhóm, cộng đồng cụ thể (từ gia đình, nhóm bạn bè đến cộng đồng dân cư làng, xóm, tập thể lao động...) nên nó luôn chịu sự tác động, chi phối của xã hội và các cộng đồng. Ngược lại, chính xã hội, cộng đồng cũng có những mối quan tâm, những lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả, mức độ tái hoà nhập cộng đồng của người mãn hạn tù (ví dụ như sự đoàn tụ, hàn nối lại các quan hệ tình cảm, gia đình, sự khôi phục các quan hệ làm ăn và rộng hơn là sự duy trì trật tự, an toàn xã hội...).

2. Nguyên tắc bảo đảm, kinh phí tái hòa nhập cộng đồng

Thực hiện đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù.

Kinh phí nhà nước cấp bảo đảm thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam được thành lập theo quy định tại Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 để hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức thành lập các quỹ theo quy định của pháp luật để hỗ trợ các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng và giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được tiếp nhận tiền, ngoại tệ, hiện vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác từ nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng cho các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Nội dung các quy định về tái hòa nhập cộng đồng

Nghị định 49/2020/NĐ-CP đã cụ thể hóa Điều 45 Luật Thi hành án hình sự 2019, Nghị định quy chi tiết về tái hòa nhập cộng đồng đối với các phạm nhân, người đã chấp hành xong án phạt tù. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng do ngân sách nhà nước cấp; quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (là người được hưởng sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt), người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp sau đây: Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; Dạy nghề, giải quyết việc làm; Trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý; Các biện pháp hỗ trợ khác.

3.1. Hỗ trợ về các thủ tục pháp lý và tư vấn tâm lý cho phạm nhân

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP là phạm nhân khi ra tù sẽ được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý và tư vấn tâm lý. Tại Điều 5 của Nghị định này nêu rõ trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. Việc tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm: Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan. Trong đó cũng nêu rõ các phương pháp tư vấn tâm lý cho phạm nhân như tổ chức đăng ký nhu cầu tư vấn bằng phiếu, phân công cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực để tư vấn trực tiếp cho phạm nhân. Bên cạnh đó, phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật. Cán bộ các ngành, người của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng khác sẽ được mời và bố trí đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân thông qua sự đồng ý của Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

3.2. Dạy nghề, giải quyết việc làm cho phạm nhân, ưu tiên đối với người dưới 18 tuổi

Người chấp hành xong án phạt tù được quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng chuyên môn của bản thân, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế của địa phương; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương và được xét hỗ trợ một phần vốn đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách để tạo việc làm và sản xuất, kinh doanh.

Người chưa thành niên chấp hành xong án phạt tù được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sổng. Người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nơi cư trú nhất định, nếu tự nguyện xin được làm việc tại các cơ sở sản xuất do trại giam tổ chức thì được xem xét bố trí nơi ở, làm việc tại các cơ sở này. Căn cứ vào đối tượng, điều kiện cụ thể và theo đề nghị của Cơ quan quản lý Thi hành án hình sự, Bộ Công an quyết định thành lập và quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của các cơ sở sản xuất để tổ chức cuộc sổng, việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nơi cư trú nhất định

Một điểm đáng chú ý nữa tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP đó là phạm nhân là người dưới 18 tuổi sẽ được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

3.3. Các hình thức truyền thông tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân

Bên cạnh đó, Điều 9 Nghị định này quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

So với quy định trước đây tại Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù,Nghị định 49/2020/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi trong nội dung tư vấn, ngoài những nội dung thiết yếu, liên quan đến các vấn đề đời sống xã hội như tình cảm, hôn nhân gia đình,… còn tập trung xoá bỏ mặc cảm, tự ti và xây dựng ý chí cho phạm nhân. Việc phạm nhân có một tâm lý tốt là mấu chốt để nâng cao chất lượng tái hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các vấn đề về định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng do ngân sách nhà nước cấp; quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác cũng được nêu chi tiết trong quy định này. Thông qua Luật Thi hành án hình sự 2019 và Nghị định 49/2020/NĐ-CP, có thể thấy Đảng và Nhà nước đã có chính sách quan tâm sâu sắc đến những phạm nhân và những người chấp hành xong án phạt tù, thể hiện tính nhân văn và truyền thống yêu nước, thương dân của dân tộc Việt Nam.

3.4. Các biện pháp hỗ trợ khác

Người chấp hành xong hình phạt tù được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước; được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế theo quy định của các luật thuế có liên quan và văn bản hướng dẫn thi hành. 4. ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khả năng quỳ đất ở địa phương và các nguồn tài nguyên khác để giúp các tổ chức, cá nhân trong hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

4. Trách nhiệm thi hành

Nghị định 49/2019/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan một cách cụ thể.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp cũng quy định rõ đối với từng cấp.

Chẳng hạn, về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương.

- Phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và vận động nhân dân trong khu vực dân cư phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù.

- Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

- Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong hình phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt và đã lập công theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thử thách; miễn chấp hành thời hạn còn lại của hình phạt bổ sung; miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người chấp hành xong hình phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn người chấp hành xong hình phạt tù tham gia chính sách việc làm công; áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với người chấp hành xong hình phạt tù là trẻ em khi trở về tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện chính sách đối với người chấp hành xong hình phạt tù thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê