Tại sao xã hội xuất hiện giai cấp?

Quan điểm duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác là cơ sở lý luận khoa học làm sáng tỏ bản chất của quan hệ giai cấp. Năm 1919, trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại”. V. I. Lênin đã đưa ra định nghĩa về giai cấp như sau:

“Giai cấp là những tập đoàn người to lớn khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định.”

Ví dụ:

+ Chủ nô và nô lệ là hai giai cấp đối lập nhau trong xã hội cổ đại.

+ Phong kiến và nông nô (có cách gọi khác là địa chủ và tá điền) là hai giai cấp trong xã hội trung cổ.

+ Tư sản và vô sản là hai giai cấp đối lập trong xã họi cận đại và đương đại.

Định nghĩa trên cho thấy:

1. Nói đến giai cấp là nói đến hệ thống các tập đoàn người trong một chế độ kinh tế – xã hội nhất định, do chế độ ấy sản sinh ra.

Vì vậy, giai cấp thường được dùng ở số nhiều: Các giai cấp. Chúng ta không đề cập đến giai cấp như một tập đoàn người riêng lẻ.

Mỗi giai cấp trong lịch sử, dù cùng hệ thống hay khác hệ thống. đều có những đặc điểm riêng. Một giai cấp nào đó, như giai cấp tư sản, cũng sẽ thay đổi khi điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi. Song, định nghĩa của Lênin cho phép ta nắm được những đặc trưng chung, cơ bản nhất, những dấu hiệu phổ biến, ổn định nhất của giai cấp, dù đó là các giai cấp của xã hội cổ đại, của xã hội phong kiến, hay của xã hội tư bản hiện đại.

Giai cấp là phạm trù kinh tế – xã hội có tính lịch sử chứ không phải là phạm trù xã hội thông thường.

Giai cấp không phải là sản phẩm của sản xuất nói chung mà là sản phẩm của những hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử. Mỗi hệ thống giai cấp tương ứng với một hệ thống sản xuất xã hội, về bản chất, là thể thống nhất của các mặt đối lập.

Do đó, ta không thể hiểu được đặc trưng của từng giai cấp cụ thể nếu không đặt nó trong hệ thống, tức là trong mối quan hệ với giai cấp đối lập với nó.

Ví dụ: Ta không thể hiểu giai cấp tư sản là gì nếu không xem xét trong mối quan hệ của nó với giai cấp vô sản, và ngược lại.

Nói dễ hiểu là, khi ta đề cập đến giai cấp tư sản thì bắt buộc phải đề cập ít nhiều đến giai cấp vô sản, và ngược lại.

2. Đặc trưng chung nhất của giai cấp là tồn tại sự khác nhau giữa các tập đoàn người về địa vị trong một hệ thống kinh tế – xã hội nhất định, cụ thể hơn là tồn tại quan hệ thống trị – bị trị trong hệ thống đó.

Những tập đoàn người trong một phương thức sản xuất nhất định là các giai cấp khi họ có những sự khác nhau như sau:

2.1. Khác nhau về quan hệ đối với tư liệu sản xuất.

Đây là sự khác nhau cơ bản nhất. Chủ nô (trong chế độ nô lệ), địa chủ (trong chế độ phong kiến), tư sản (trong chế độ tư bản) là những tập đoàn người giữ địa vị thống trị trong hệ thống kinh tế xã hội mà họ là đại biểu trước hết do các tập đoàn người này chiếm hữu tư liệu sản xuất xã hội. Tức là họ nắm được phương tiện, điều kiện vật chất quan trọng để chi phối lao động của các tập đoàn người không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất.

Những tập đoàn người bị mất tư liệu sản xuất (nô lệ, nông nô (hay tá điền), vô sản trong các xã hội tương ứng) buộc phải phụ thuộc về kinh tế vào các tập đoàn thống trị.

2.2. Khác nhau về vai trò trong tổ chức lao động xã hội, trong tổ chức quản lý sản xuất.

Tập đoàn nào chiếm hữu tư liệu sản xuất đương nhiên giữ vai trò lãnh đạo, chỉ huy hoạt động sản xuất và lưu thông trên quy mô toàn xã hội cũng như từng đơn vị kinh tế.

Ví dụ: Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, vai trò, chức năng quản lý công nghiệp và các ngành kinh tế khác phải thuộc về các nhà tư bản.

Các giai cấp lao động là những tập đoàn người trực tiếp sản xuất dưới sự điều khiển của giai cấp thống trị trong phương thức sản xuất.

Ở một số nước, trong nhiều công ty, xí nghiệp, công nhân có đại diện ở hội đồng quản trị, song vai trò quản lý thực chất vẫn thuộc về các tập đoàn tư bản.

2.3. Khác nhau về phương thức thu nhận của cải xã hội.

Là người chiếm hữu tư liệu sản xuất và tổ chức lãnh đạo sản xuất, tập đoàn thống trị đủ điều kiện thực hiện mục đích của mình trong sản xuất kinh tế là chiếm đoạt lao động thặng dư của các giai cấp lao động.

Chế độ phân phối trong các xã hội có đối kháng giai cấp là chế độ phân phối bất công vì nó củng cố cho giai cấp thống trị (thiểu số, không trực tiếp lao động, sản xuất) chiếm hữu phần lớn của cải xã hội. Còn giai cấp lao động (đa số, trực tiếp lao động, sản xuất) chỉ được nhận ít ỏi của cải xã hội, không ít khi là chỉ được nhận phần tối thiểu duy trì cuộc sống.

Ví dụ:

Trong xã hội nô lệ, những người nô lệ sống không khác gì súc vật. Trong xã hội phong kiến, phần lớn sản phẩm của nông nô và nông dân làm ra phải cống nạp cho địa chủ, vua quan, thậm chí có trường hợp đến 80% – 90% sản phẩm.

Giai cấp tư sản, nhất là đại tư sản, chiếm hữu của cải xã hội dưới hình thức thu lợi nhuận, tính bằng giá trị. Đó là giá trị thặng dư do lao động làm thuê tạo ra. Trong nền sản xuất hiện đại, bộ phận lao động làm thuê có trình độ khoa học kỹ thuật cao tạo ra nhiều giá trị thặng dư nhất cho giới chủ tư sản. Giai cấp công nhân và nhữn trí thức làm thuê nhận được một sản phẩm lao động của mình dưới hình thức tiền lương. Đó là tiền bán sức lao động.

Ngày nay, giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển có mức sống cao hơn những người lao động trước đây.

 Tuy nhiên, sự nâng cao mức sống của công nhân hoàn toàn không tương xứng với sự tăng lên nhanh chóng của năng suất lao động. Tỷ suất bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản vẫn không ngừng tăng lên. Trong các xã hội có giai cấp, mức sống của người lao động thay đổi theo những điều kiện cụ thể, song điều không thay đổi là họ phải cống nạp phần lớn kết quả lao động của mình cho giai cấp thống trị dưới nhiều hình thức. Ngày nay, tài sản của một nhà tư bản có thể nhiều bằng tiền lương cả cuộc đời của hàng trăm, hàng ngàn công nhân.

 

KIẾN THỨC MỞ RỘNG CHO PHẦN “I. Giai cấp là gì?…”:

Trong các xã hội có giai cấp, bên cạnh giai cấp thống trị và bị trị bao giờ cũng tồn tại những tầng lớp “trung gian”, không chiếm địa vị cơ bản trong phương thức sản xuất. Ví dụ: tầng lớp trí thức.

Các tầng lớp trung gian luôn bị phân hóa, một số người leo lên địa vị giai cấp trên, số khác rơi xuống địa vị giai cấp bị trị. Ở những nước tư bản phát triển, bộ phận công nhân “cổ trắng” (tức trí thức) phát triển nhanh chóng, song về bản chất họ vẫn là công nhân làm thuê.

Trong xã hội tư bản đương đại, bộ mặt các giai cấp và quan hệ các giai cấp có những biến đổi đáng kể.

Trong giai cấp công nhân, số lượng công nhân kỹ thuật cao, lao động trí tuệ hóa ngày càng tăng, trở thành bộ phận tiêu biểu của giai cấp công nhân hiện đại; số lượng công nhân “áo xanh” truyền thống ngày càng giảm. Tham gia vào đội ngũ giai cấp công nhân hiện đại còn có một bộ phận trí thức kỹ thuật làm công ăn lương. 

Ngày nay, ta thấy một bộ phận nhỏ công nhân được mua cố phiếu, được phân chia lợi nhuận, song giá trị cổ phiếu trong tay công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Sự phát triển của các công ty cổ phần biểu hiện xu thế xã hội hóa tư bản, nhưng xu thế này không làm thay đổi bản chất của giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, không làm thay đổi bản chất quan hệ giữa tư bản và lao động.

Đối với giai cấp tư sản hiện đại cũng diễn ra những biến đổi về hình thức chiếm hữu tư liệu sản xuất, về cơ chế bóc lột giá trị thặng dư, về phương thức tổ chức quản lý sản xuất. Điều không thay đổi là giai cấp tư sản vẫn là những người chiếm hữu tư liệu sản xuất của xã hội, những người chỉ huy sản xuất, những người chiếm hữu giá trị thặng dư. Không lý thuyết xã hội nào bác bỏ được điều này.

II. Nguồn gốc, điều kiện tồn tại của giai cấp là gì?

Xã hội loài người không phải bao giờ cũng tồn tại các giai cấp. Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn lịch sử nhất định của sản xuất. C. Mác và Ph. Ăng-ghen, trên cơ sở tiếp thu các công trình nghiên cứu của các nhà sử học, xã hội học đi trước, và bằng quan điểm duy vật lịch sử đã chứng minh rằng:

Sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động, tạo ra khả năng và tiền đề phân hóa xã hội thành giai cấp. Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là cơ sở trực tiếp của sự hình thành các giai cấp. Và như vậy, nguyên nhân phân chia xã hội thành giai cấp, cũng như nguyên nhân của sự ra đời và mất đi của một hệ thống giai cấp nhất định, là nguyên nhân kinh tế, chứ không phải nguyên nhân chính trị hay tư tưởng.

Tại sao xã hội xuất hiện giai cấp?
Tại sao xã hội xuất hiện giai cấp?
Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất sinh ra các giai cấp. Ảnh: Wikipedia.

1. Nguồn gốc của giai cấp được luận giải như sau:

– Trong xã hội nguyên thủy, lực lượng sản xuất còn thấp kém, công cụ lao động chỉ bằng đá, gậy gộc, cung tên… Do đó, hầu hết các thành viên trong cộng đồng phải liên kết với nhau thì mới tổ chức lao động và sinh sống được, bởi nếu riêng rẽ theo từng cá nhân, từng gia đình thì không thể săn bắn, hái lượm do nguy cơ thú dữ đe dọa. Đồng thời, sản phẩm làm ra còn ít ỏi, chỉ đủ để tồn tại, duy trì nòi giống, chưa có sản phẩm dư thừa tương đối.

Vì chưa có sản phẩm dư thừa nên hiển nhiên là chưa thể có khả năng người này bóc lột sản phẩm của người kia. Như vậy là chưa có giai cấp.

– Cuối xã hội nguyên thủy, việc sử dụng phổ biến công cụ lao động bằng kim loại (hơn hẳn đá, gỗ…) làm cho năng suất lao động tăng lên, giúp con người có thể sản xuất số lượng sản phẩm vượt hơn nhu cầu tối thiểu để tồn tại. Điều này tạo khả năng thực tế cho người này chiếm đoạt sản phẩm lao động thuộc số vượt hơn đó của người khác.

Với công cụ sản xuất mới, sản xuất cá thể từng ra đình có hiểu quả hơn sản xuất tập thể nguyên thủy. Lực lượng sản xuất phát triển dẫn đến sự phân công lao động lớn hơn: Thủ công nghiệp (nghề làm gốm, đan lát…) tách khỏi nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).

Trao đổi sản phẩm trở thành thường xuyên, phổ biến. Quan hệ sản xuất cộng đồng nguyên thủy không còn phù hợp với lực lượng sản xuất mới. Các gia đình có tài sản riêng ngày càng nhiều và trong công xã xuất hiện sự chênh lệch về tài sản.

Khi các hộ gia đình có nhiều tài sản, chế độ tư hữu dần dần thay thế cho chế độ công hữu nguyên thủy về tư liệu sản xuất.

Trong những điều kiện ấy, những người có quyền lực trong thị tộc, bộ lạc (như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự…) có thể lợi dụng địa vị của mình để chiếm đoạt tài sản chung của công xã làm của riêng. Đồng thời, do có sản phẩm dư thừa để nuôi tù binh chiến tranh nên họ không phải giết hết tù binh mà bắt một bộ phận tù binh làm nô lệ.

Đến đây, giai cấp xuất hiện như là một sự kiện tất yếu trong lịch sử.

– Các cuộc chiến tranh, những thủ đoạn cướp bóc, những hành vi bạo lực… là những yếu tố xúc tác góp phần đẩy nhanh quá trình phân hóa giai cấp. Sự ra đời cũng như sự mất đi của xã hội có giai cấp, sự xuất hiện và mất đi của những giai cấp cụ thể đều dựa trên tính tất yếu kinh tế.

Xã hội nô lệ là xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử loài người. Trong quá trình phát triển của xã hội nô lệ xuất hiện những điều kiện để một bộ phận thoát ly lao động chân tay, chuyên hoạt động quản lý, làm chính trị, khoa học nghệ thuật. Đồng thời cũng xuất hiện sự tách rời và đối lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn.

Theo tiến trình của lịch sử, xã hội phong kiến thay xã hội nô lệ, xã hội tư bản thay xã hội phong kiến… trở thành xã hội có giai cấp ở trình độ cao hơn.

2. Điều kiện tồn tại (và mất đi) của giai cấp được luận giải như sau:

– Chế độ tư hữu và xã hội có giai cấp tồn tại một cách tất yếu suốt quá trình lịch sử nhiều nghìn năm trong điều kiện cơ bản là: Lực lượng sản xuất đã phát triển tới mức tạo ra được sản phẩm thặng dư, nhưng chưa đạt tới mức có thể bảo đảm thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người.

Và theo lô-gíc đó, sự phát triển đầy đủ của những lực lượng sản xuất hiện đại tới mức bảo đảm thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người sẽ xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp.

– Hiện tại, chủ nghĩa tư bản đang phát triển với tốc độ rất cao, tạo ra một lực lượng sản xuất hùng mạnh và những điều kiện kinh tế – xã hội khác để xóa bỏ giai cấp.

Sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất, đến một mức độ nhất định, sẽ làm cho sự phân chia giai cấp mất đi tính tất yếu. Tuy nhiên, sự phát triển rất cao của lực lượng sản xuất chỉ là điều kiện cơ bản, nhưng không phải là duy nhất để thực hiện xã hội không giai cấp. Cần thiết phải có thêm những điều kiện kinh tế – xã hội khác, đặc biệt là sự phát triển cao và toàn diện của con người.

Các giai cấp không tự động mất đi. Do đó, giai cấp công nhân, nhân dân lao động phải tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp tự giác, có tổ chức, tiến tới giành lấy dân chủ, thiết lập chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dựa vào công cụ chính quyền đó để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới không còn giai cấp.

III. Kết cấu xã hội – giai cấp là gì?

Các xã hội có đối kháng giai cấp lần lượt thay thế nhau trong lịch sử. Mỗi kiểu xã hội đó có kết cấu xã hội – giai cấp của nó.

Mỗi kết cấu xã hội – giai cấp của một xã hội nhất định gồm hai giai cấp cơ bản đối lập nhau. Đó là chủ nô và nô lệ trong chế độ nô lệ. Là địa chủ và nông nô trong chế độ phong kiến. Là tư sản và vô sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa.

Hai giai cấp cơ bản của mỗi chế độ kinh tế – xã hội là sản phẩm đích thực của chế độ kinh tế – xã hội đó, đồng thời là những giai cấp quyết định sự tồn tại, phát triển của hệ thống sản xuất trong xã hội đó. Giai cấp thống trị là giai cấp tiêu biểu cho bản chất của chế độ kinh tế – xã hội đang tồn tại.

Ngoài hai giai cấp cơ bản, mỗi kết cấu xã hội – giai cấp còn bao gồm một số giai cấp không cơ bản và tầng lớp trung gian.

Đó là những nhóm người là tàn dư của xã hội cũ (như nô lệ trong buổi đầu của xã hội phong kiến, địa chủ và nông nô trong buổi đầu của xã hội tư bản…), hoặc là mầm mống của phương thức sản xuất tương lai (như giai cấp tư sản và giai cấp công nhân công trường thủ công trong giai đoạn cuối của xã hội phong kiến).

Bất cứ xã hội có giai cấp nào cũng có một số tầng lớp trung gian là sản phẩm của chính phương thức sản xuất đang thống trị, là kết quả của quá trình phân hóa xã hội không ngừng diễn ra. Đó là tầng lớp bình dân trong xã hội nô lệ, các tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn trong xã hội tư bản.

Xã hội có giai cấp nào cũng tồn tại một tầng lớp xã hội có vai trò quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, đó là tầng lớp trí thức.

8910X.com

Bài liên quan (từ khóa: giai cấp là gì):

  • https://luanvan24.com/nguon-goc
  • https://hoctap24h.vn/giai-cap

 

Xin mời các bạn để lại một vài comment về bài viết “Giai cấp là gì?…” để Ban biên tập bọn mình có thêm định hướng nhé!