Thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị ở Đắk Lắk như thế nào

08:59, 16/12/2016

Sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 24-8-1945, công cuộc xây dựng chế độ mới của quân và dân Đắk Lắk đang có những chuyển biến bước đầu quan trọng thì thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, đánh chiếm các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, đồng thời chiếm đóng Campuchia và các tỉnh Nam Lào.

Tây Nguyên trở thành mục tiêu tiến công trực tiếp của quân xâm lược, trong đó Đắk Lắk là một cửa ngõ quan trọng, một bàn đạp tiến công mà từ đó địch có thể đánh chiếm Tây Nguyên và đồng bằng Trung Bộ.

Lúc này, Đắk Lắk đã ở vào vị trí bị bao vây từ 3 phía. Qua phân tích tình hình, Ban lãnh đạo tỉnh xác định quân địch có thể đánh vào Đắk Lắk theo 3 hướng: theo đường 14 từ Nam Bộ; từ Campuchia sang; theo đường 21 (nay là Quốc lộ 26) từ Nha Trang lên. Vì vậy, ta đã gấp rút triển khai xây dựng phòng tuyến và bố trí lực lượng ngăn chặn địch ở Ba ranh giới (nơi giáp giới giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Campuchia, vùng Bu Prăng, Đắk Song, Tuy Đức hiện nay) và ở M’Đrắk - Phượng Hoàng.

Sau các đòn thăm dò, phá vỡ được phòng tuyến của ta ở khu vực Ba ranh giới, ngày 6-12-1945, quân Pháp theo đường 14 tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Mặc dù đã có phòng bị và chủ động chặn đánh địch, song trước tương quan lực lượng bất lợi, quân ta chủ động vừa đánh, vừa rút lui ra khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng. Sau khi thị xã Buôn Ma Thuột rơi vào tay địch, Bộ Chỉ huy Khu 6 đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương và điều một chi đội lên để cùng với các lực lượng tại chỗ chiến đấu giữ vững mặt trận Đắk Lắk, không cho chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng và liên lạc với quân Pháp đang bị bao vây ở Nha Trang.

Cuối tháng 1-1946, địch được tăng cường thêm viện binh nên đã đánh chiếm được hầu hết các vùng phía nam và phía tây thị xã, tiếp đó chúng cho quân lấn dần theo đường 14 về phía bắc để tiến ra Pleiku, đồng thời tập trung binh lực đánh mạnh theo đường 21 ra phía đông nhằm tiêu diệt lực lượng của ta ở vùng CADA, nơi đóng các cơ quan đầu não của tỉnh.

Cuộc chiến đấu của bộ đội, tự vệ ta diễn ra hết sức quyết liệt tại các trận địa phòng ngự dọc đường 21. Trong hơn một tháng, địch cố tình chọc thủng phòng tuyến của ta tại đây nhưng đều thất bại. Ngày 25-1-1946, quân Pháp tập trung toàn bộ lực lượng, có cơ giới yểm trợ, phá vỡ tuyến phòng ngự cuối cùng của ta trên đường 21, phòng tuyến M’Đrắk - Phượng Hoàng.

Ở hướng mặt trận Buôn Hồ, lực lượng của ta lập phòng tuyến ở chân đèo Cư Kty (trên đường 14, cách Buôn Ma Thuột 50 km) liên tiếp chặn đánh địch, bảo vệ vùng phía bắc của Đắk Lắk và cản bước tiến của chúng ra phía Pleiku. Đến ngày 23-6-1946, do mặt trận Gia Lai - Đông Bắc Campuchia bị vỡ, quân Pháp từ Pleiku đánh xuống, từ Buôn Ma Thuột đánh ra, quân ta mới rút khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Đắk Lắk kể từ ngày bắt đầu nổ súng ở mặt trận Ba ranh giới cho đến khi vỡ mặt trận Buôn Hồ kéo dài gần 7 tháng (30-11-1945 đến 23-6-1946). Trong những ngày tháng lịch sử đó, quân và dân Đắk Lắk đã chuẩn bị và xác định quyết tâm kháng chiến ngay khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vừa nổ, phát động một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dưới nhiều hình thức. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là cuộc chiến đấu quyết liệt ghìm chân quân địch, tạo điều kiện cho các tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Khánh Hòa có thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến, làm phá sản âm mưu chiến lược đầy tham vọng của thực dân Pháp đánh bại các tỉnh miền Nam Trung Bộ trong vòng mấy tháng, chuẩn bị thực lực cách mạng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, Đắk Lắk đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề là chiến trường phối hợp, căng kéo, tiêu hao lực lượng địch, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đánh những đòn tiêu diệt lớn, mang tính chất quyết định.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã mang lại hòa bình, độc lập cho một nửa đất nước ở miền Bắc, miền Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân đế quốc. Trong hơn 20 năm chiếm đóng, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã tập trung xây dựng Đắk Lắk thành một địa bàn chiến lược trọng yếu, với nhiều thủ đoạn hòng đè bẹp ý chí cách mạng nhân dân. Nhưng quân và dân Đắk Lắk đã đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, phối hợp với quân chủ lực lập nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong lịch sử chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc (1945-1975), Đắk Lắk đã hai lần được chọn làm nơi mở đầu. Đó là mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Tây Nguyên; mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tự hào về những trang sử vẻ vang của mình, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng Đắk Lắk phát triển toàn diện, bền vững, sớm trở thành trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội vùng Tây Nguyên.

(Ủy viên Ban Thường vụ,Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

LỊCH SỬ ĐĂK LĂK (18/11/2015, 13:41)

    Buôn Ma Thuột là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam.

    Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.

    Từ giữa thế kỷ XII, đồng bào dân tộc ở miền Trung Tây Nguyên đã từng đứng dậy đấu tranh chống sự xâm lược của Chiêm Thành. Đến năm 1470, khi Chiêm Thành xâm lấn biên giới phía nam của nước Đại Việt, bị quan quân nhà Lê đánh tan. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, nhà Lê một mặt tôn trọng đường ranh giới giữa vùng cư trú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với đồng bằng; mặt khác đã có những chính sách nhằm duy trì mối quan hệ giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số.


    Năm 1540, khi Bùi Tá Hán được triều đình cử làm Tuần Tiết xứ Nam Ngãi, kiêm cả các vùng dân tộc miền núi phía Tây. Ông đã cho di dân lên lập ấp trên miền núi, mở mang buôn bán giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, tiến cử các vị tù, tộc trưởng ở địa phương và tấn phong vua Hỏa Xá và Thủy Xá. Từ đó cho đến các đời vua nhà Nguyễn sau này, địa bàn Tây Nguyên-Daklak được gọi là trấn Man, do triều đình gián tiếp quản lý. Về hành chính, trấn Man chia thành 4 nguyên và 5 đạo và về quân sự, nhà Nguyễn lập ra một số đồn lính, tiến hành tuần tra, canh phòng biên giới và ngăn chặn sự xâm lược của quân Xiêm.

    Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã đẩy mạnh các họat động do thám, nắm tình hình dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược Tây Nguyên, Daklak. Đến năm 1898, chúng tập trung lực lượng đánh chiếm Buôn Đôn và lần lượt mở rộng chiến tranh đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Daklak.

    Sau khi chiếm Daklak, thực dân Pháp bắt tay xây dựng bộ máy thống trị, thành lập đơn vị hành chính tỉnh Daklak vào năm 1904 theo Nghị định của Tòan quyền Đông Dương. Chúng chia Daklak làm 5 quận, áp đặt chế độ trực trị, thực hiện chính sách "chia để trị". Nhưng cũng chính từ sự áp bức, bóc lột hà khắc đó, đồng bào các dân tộc Daklak đã liên tục và anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của các vị Tù trưởng. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong tỉnh liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang; như cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao (1890-1904), cuộc đấu tranh của N’Trang Gưh (1900 -1914), cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai (1903 - 1909. Tiêu biểu hơn cả là cuộc nổi dậy của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa này kéo dài 23 năm (1912-1935) lôi cuốn đồng bào các dân tộc, không chỉ ở cao nguyên Dak Nông, mà cả Tây Nguyên và Cam pu chia hưởng ứng.

    Cùng với các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang do các vị tù trưởng lãnh đạo, trong tỉnh cũng đã xuất hiện một số phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp của tầng lớp công chức, viên chức, trí thức, học sinh chống chính sách chia để trị của thực dân Pháp, chống chính sách ngu dân, khinh miệt đồng bào các dân tộc bản xứ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh do hai giáo chức yêu nước người Ê đê là Y Jút và Y út lãnh đạo (1925 - 1926).

    Cũng trong thời kỳ này, do chính sách lập đồn điền khai thác thuộc địa, ở Daklak đã xuất hiện một tầng lớp công nhân làm thuê cho các đồn điền bót lột và hành hạ. Để chống lại sự áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, công nhân các đồn điền đã nhiều lần tổ chức các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của công nhân thời kỳ này là cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Mai ô (Maillot) năm 1927, cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Rossi, CHPI năm 1933, công nhân cầu đường Buôn Hồ 1935 và sau này là công nhân đồn điền CADA...

    Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào giai đọan kết thúc, nhất là sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, tình hình phong trào Cách mạng trong tỉnh phát triển sôi nổi. Các tổ chức đòan thể, các Hội quần chúng lần lượt ra đời, lôi cuốn lực lượng công nông, trí thức, thanh niên, phụ nữ tham gia họat động Việt Minh. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, sau cuộc khởi nghĩa ở đồn điền CADA, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra thắng lợi ở Buôn Ma Thuột: hàng vạn quần chúng đã đồng lọat đứng lên ủng hộ ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính quyền cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và nhân dân làm chủ vận mệnh của mình.

    Sau khi xóa bỏ bộ máy cai trị của thực dân phát xít, đồng bào các dân tộc đã đòan kết, chung sức chung lòng bắt tay xây dựng chế độ mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ủy ban Việt Minh, nhân dân Daklak hăng hái tham gia củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, chống giặc đói, giặc dốt, thực hiện các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng mà cách mạng đã mang lại.

    Ngày 30 tháng 12 năm 1945 quân đội Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai. Quân dân Buôn Ma Thuột và quân dân các dân tộc trong tỉnh đã đứng dậy đấu tranh. Cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ và ác liệt cuối cùng đã giành được thắng lợi.

    Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, với âm mưu xâm chiếm miền Nam chia cắt lâu dài đất nước ta. Cùng với nhân dân cả nước đồng bào các dân tộc Daklak tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thù nguy hiểm hơn, độc ác hơn đó là đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.

    Trong hơn 20 năm chiến chiếm đóng, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã tập trung biết bao tiềm lực quân sự và chính trị, nhằm xây dựng Dak Lak thành một địa bàn chiến lược trọng yếu, với nhiều thủ đoạn hòng đè bẹp ý chí cách mạng của đồng bào các dân tộc Dak Lak. Nhưng vượt lên trên mọi hy sinh tổn thất to lớn và nặng nề nhất, quân dân các dân tộc đã kề vai sát cánh bên nhau, bền bĩ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đọan của kẻ thù, lập nên những chiến công oanh liệt: đồng khởi phá kềm 1960-1961, phá ấp giành dân giải phóng nông thôn 1964-1965, tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu thân 1968, đánh bại chương trình bình định cấp tốc của Mỹ Ngụy 1969-1972. Cuối cùng đã làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột (Ngày 10/03/1975), mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.